Nhắc đến đạo diễn phim tài liệu Trần Chí Kông, nhiều người cùng thời với ông thường nói với vẻ trìu mến: “Ông này kể chuyện đời hay lắm. Kể bằng lời và bằng hình đều thú vị!”.
Cái hay ở đây không chỉ là những câu chuyện của một người đi nhiều, quan sát nhiều, để tâm nhiều mà còn là cách kể chuyện tiết kiệm ngôn từ nhưng hào phóng hình ảnh và cảm xúc, đặc biệt là biết “làm sang cho cảnh nghèo, làm đẹp cho vật xấu” bằng lối quan sát và cái “thấy” rất riêng.
Từng là một quay phim được đào tạo tại Hungary, là đạo diễn rồi nhà biên kịch, sau 40 năm gắn bó với điện ảnh truyền hình, Trần Chí Kông một lần nữa tìm thấy công chúng của mình thông qua lĩnh vực nhiếp ảnh. Từ người làm phim sang chụp ảnh nên những bức hình của ông như những khung hình đắt giá được trích từ cảnh phim tài liệu.
Công chúng của ông không quá đông – cũng như lượng khán giả những bộ phim ông làm không lớn – nhưng ai đã hiểu câu chuyện được kể, đã thấy được tính nhân bản trong cách nhìn nhận của người kể sẽ thấy các bức ảnh của ông không thể lẫn với của ai khác: Đó là vốn sống, là cảm xúc nguyên vẹn trước những sự vật hay những chuyển động dù rất nhỏ của đời sống.
Buổi trò chuyện của ông với doanhnhanplus.vn diễn ra không lâu sau khi bộ phim tư liệu Khung hình tình bạn (do ông và NSƯT Nguyễn Việt Hùng đồng đạo diễn) được trao giải Cánh diều bạc.
Dù khá vui khi đạt giải thưởng nhưng Trần Chí Kông không lưu luyến nhiều quãng đời làm phim. Ông cho rằng ngày tháng khi đã nghỉ hưu còn được ông sử dụng hiệu quả hơn, mang lại nhiều niềm vui hơn và về lâu dài còn đóng góp cho công chúng được nhiều hơn so với trước đó.
____
Những năm 2000, ông từng gây chú ý với sở thích vào rừng sâu để chụp ảnh nấm. Mấy năm gần đây, các bộ hình trẻ em nông thôn, người Khmer, đáy hàng khơi… cũng là kết quả sau những chuyến đi đến các vùng miền xa xôi?
Có lẽ vì trải qua thời thơ ấu ở thôn quê nên tôi rất yêu thiên nhiên, nhiều cảm xúc với cỏ cây hoa dại. Nếu không vì điều kiện sức khỏe, chắc chắn tôi vẫn lái xe máy vào những góc âm u ẩm thấp nhất của rừng Mã Đà hay rừng Nam Cát Tiên để chụp nấm.
Nhiều người vào rừng chỉ thích ngắm cây cổ thụ hay gỗ quý, riêng tôi thích quan sát các loại nấm nhỏ bé sinh trưởng trên cành khô gỗ mục, ở những nơi tăm tối ẩm ướt nhất. Ngẫm kỹ, đời nấm và đời người có nhiều nét tương đồng.
Tôi đã chụp được 300 loài nấm, mỗi loài một đặc tính, một vẻ ngoài riêng. Trên thế giới người ta nghiên cứu về nấm rất sâu, một số nơi đã thành công trong việc cấy phôi nấm để sản xuất nấm làm thực phẩm.
Việt Nam mình có nấm mối, nấm tràm, nấm trứng gà rất ngon và bổ dưỡng nhưng chưa đưa vào nuôi trồng được là điều đáng tiếc.
____
Vậy sau này những ai muốn nghiên cứu về nấm sẽ phải tìm đến bộ ảnh “độc nhất vô nhị” của ông. Điều này cũng sẽ tương tự với những ai muốn tìm hiểu về cầu khỉ, sạp thuyền, chằm kết từ – những vật dụng hiện vẫn gắn với đời sống người dân Tây Nam bộ nhưng rồi sẽ mai một dần?
Nếu được vậy thì cũng vui! Cả cuộc đời đi làm phim rồi chụp ảnh tôi không quan tâm đến các danh hiệu. Nhưng nếu 50 năm nữa, một bức ảnh về đồ vật hay sinh hoạt ở nông thôn của tôi được vào sách dạy trẻ em, cho các bé biết thêm điều gì đó về thời ông bà của các bé thì điều đó sẽ còn quý hơn các danh hiệu rất nhiều (cười).
Nhiều lần được xem ảnh của người Pháp chụp Sài Gòn hoặc Nam bộ xưa, tôi giật mình. Chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ tương lai nếu không lưu lại hình ảnh, không kể lại đầy đủ những câu chuyện của đời sống hôm nay.
____
Ngày càng có nhiều người tìm đến bộ môn nhiếp ảnh. Ông có cho rằng như vậy những hình ảnh về cuộc sống Việt Nam hôm nay sẽ được lưu giữ nhiều hơn?
Tất nhiên là hình ảnh có nhiều hơn, nhưng những bức ảnh đó phản ánh cuộc sống thực đến đâu lại là chuyện khác. Tôi vẫn thấy khá nhiều bức ảnh được dàn dựng, chẳng hạn như chụp chợ Bến Thành thì phải tìm được vài cô người mẫu mặc áo dài đang đi dạo chợ.
Chụp ảnh như vậy không phản ánh đời sống thực, không kể nói lên được điều gì mà chỉ vẽ lại hình dung trong đầu người chụp: Chợ Bến Thành thì phải gắn với chiếc áo dài. Trong khi đó cuộc sống thực phong phú, đa dạng hơn rất nhiều.
Xung quanh chợ mỗi ngày diễn ra vô số câu chuyện, gắn với cuộc sống của nhiều tầng lớp. Một tác phẩm nhiếp ảnh thật sự phải kể được một nội dung nào đó dù rất ngắn. Muốn vậy, người chụp phải có vốn sống, phải có sự quan sát và có cảm xúc với câu chuyện.
Tôi thường nói vui với bạn bè rằng dân chụp ảnh có hai nhóm: Nhóm có máy rồi mới có ảnh và nhóm có ảnh rồi mới có máy. Nhóm thứ nhất là những người mua máy rồi mới đi tìm cái để chụp.
Nhóm thứ hai là những người đã quan sát nhiều, đã ghi nhận các hình ảnh đáng nhớ trong tâm trí nhiều và khao khát lưu giữ các hình ảnh đó lại bằng chiếc máy ảnh. Nhóm thứ hai mới là những người thật sự yêu nhiếp ảnh.
____
Đối tượng “Có ảnh rồi mới có máy” hình như đã đi vào phim tư liệu của ông?
Đó là phim Đi về phía đồng bào sản xuất năm 2005. Bộ phim nói về một tài xế xe tải Bắc-Nam bỏ nghề và trở thành nhiếp ảnh gia thành danh, có ảnh tham gia triển lãm quốc tế.
Nhiếp ảnh gia này có gần cả đời lái xe, trong mấy chục năm ôm vô-lăng ông đã nhìn thấy rất nhiều hình ảnh đẹp dọc đường qua kính chiếu hậu.
Những hình ảnh đẹp về cảnh vật, về người dân tộc thiểu số in đậm trong tâm trí ông và thúc giục ông chia sẻ với mọi người, thay vì giữ ký ức đó cho riêng mình. Vậy là ở tuổi 55, vị tài xế bỏ nghề đi học nhiếp ảnh.
Chỉ năm năm sau, những bức ảnh phong cảnh, đặc biệt là ảnh đồng bào thiểu số của ông được công chúng biết đến và yêu thích.
____
Đó là một câu chuyện thú vị của nhân vật. Vậy con đường đến với nhiếp ảnh của ông có tương tự như vậy không?
Tôi cũng đến với nhiếp ảnh từ khao khát lưu giữ và chia sẻ hình ảnh đẹp về cuộc sống cho mọi người. Trong những năm được cầm máy quay đi đây đi đó, tôi luôn tiếc nuối vì thấy mình bỏ qua quá nhiều hình ảnh, khoảnh khắc đắt giá. So với làm phim, người chụp ảnh tự do hơn trong việc phản ánh và kể lại các câu chuyện đời sống.
Ngoài ra, sự tương tác của người xem trên mạng xã hội với những bình luận, đánh giá, góp ý cũng cho tôi thêm niềm vui khi theo đuổi nhiếp ảnh. Tôi có ba độc giả thường xuyên đặt lời bình cho các bức ảnh của mình bằng… thơ. Tính ra đến nay cũng đã có hàng trăm bức ảnh được đặt lời bình bằng thơ.
____
Được biết, sắp tới ông sẽ tổ chức triển lãm ảnh về đóng đáy hàng khơi – một nghề mưu sinh nguy hiểm, cực nhọc của cư dân vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau? Ông có thể chia sẻ thêm về bộ ảnh này?
Đây là một nghề kiếm sống lâu đời của dân miền biển Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau. Đáy hàng khơi là nghề giăng miệng lưới ở những nơi có lạch biển, độ sâu tầm 25m, cách đất liền gần 20km.
Miệng đáy hàng khơi được làm bằng loại lưới dài, bắt cố định vào những thân cột được cắm sâu xuống đáy biển. Tôm cá theo con nước chảy xiết mà chui vào các miệng đáy. Trên mỗi hàng cột là các căn chòi nhỏ, vừa đủ 2-3 người nằm co ro. Phương tiện duy nhất để di chuyển qua lại giữa các chòi là dây thừng được buộc cứng nối giữa trụ.
Hiện cũng có một số bức ảnh chụp đáy hàng khơi, nhưng người chụp ngồi trên cano, nội dung chụp chủ yếu là tả phong cảnh. Bộ ảnh của tôi cố gắng phản ánh cuộc sống thực tế hằng ngày của những người sống trên những căn chòi chỉ rộng vài mét vuông, xung quanh là mênh mông biển cả.
Có dịp sống cùng ngư dân mấy ngày trong chòi, tôi mới thấy sức chịu đựng của họ thật đáng nể. Theo nghề này, ngư dân phải chấp nhận sống chơi vơi giữa biển hàng tháng trời. Hằng ngày đi lại trên những sợi dây thừng để giăng lưới bắt hải sản, nguy hiểm luôn rình rập.
____
Xem ra, “máu dấn thân” của một nhà làm phim tài liệu vẫn chảy mạnh mẽ trong ông. Ông vẫn dành cho phim sự quan tâm nhất định chứ?
Tôi vẫn xem phim tư liệu hằng ngày, nhưng chủ yếu là phim của nước ngoài, đặc biệt là các phim về khám phá thế giới tự nhiên.
Phim tư liệu Việt Nam thành thật mà nói từ lâu rồi gần như không còn chỗ đứng trong lòng công chúng. Giới tư nhân chưa có ai đủ tâm huyết và tiềm lực để làm phim tư liệu.
Còn nếu chỉ dựa vào bằng ngân sách Nhà nước như bao nhiêu năm qua, phim sẽ khó mà phản ánh được tâm trạng xã hội và những câu chuyện thực tế đang được người dân thực sự quan tâm.
Sự tiếp tục với nghề phim tôi để dành cho hai con trai của mình. Con trai lớn của tôi dù tốt nghiệp kinh tế của Đại học RMIT nhưng rồi cũng đã theo nghề sản xuất phim.
Con trai út mới học ở Mỹ về cũng bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này. Tôi vẫn khuyến khích con theo nghề dù biết nền công nghiệp sản xuất phim ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu và còn nhiều năm nữa mới rõ hình hài vóc dáng.
Tôi khá lạc quan khi nhìn thấy sự lớn dần của một thế hệ trẻ kết nối tốt với quốc tế, khá am hiểu thị trường và có tình yêu với phim truyện.
Nhiều người tỏ ra lo lắng vì hiện nay thị trường có nhiều phim mang nặng tính thương mại, giải trí so với các phim mang tính giáo dục. Tôi lại không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng đó là bước đi buộc phải trải qua của một nền điện ảnh – phim truyện.
Khi nhà sản xuất còn ít vốn thì những bộ phim giúp họ thu hồi vốn nhanh cũng là giúp cho ngành làm phim tồn tại được, rồi sau đó mới tính đến phát triển và hướng đến những tác phẩm tầm vóc lớn hơn. Công chúng mới là người quyết định thị trường phải cung ứng loại sản phẩm nào.
Cứ sản xuất mãi những bộ phim na ná nhau về kịch bản, xoay quanh một số đề tài cũ, phim sẽ mất khán giả và nhà làm phim sẽ buộc phải đổi mới, phải sáng tạo.
Sau khi đã bão hòa với một thể loại phim nhất định, khán giả sẽ chấp nhận cái mới và dần tự nâng cao trình độ thưởng thức của mình lên.
Điều này tương tự với việc một người sau khi đã có nhiều trải nghiệm ẩm thực sẽ biết phân biệt món ăn ngon – dở tốt hơn.
Còn nhớ, dòng phim thương mại đầu thập niên 1990 sau một thời gian bị báo chí liên tục chê bai là “mì ăn liền” đã không còn đất sống và mất gần chục năm mới hồi sinh với phim Gái Nhảy.
Thực chất, cái chết của dòng phim thương mại này không làm thị hiếu của công chúng khá hơn mà chỉ khiến ngành công nghiệp làm phim của Việt Nam đi chậm hơn các nước trong khu vực thêm cả chục năm. Theo tôi, việc sản xuất phim gì hãy để cho thị trường và công chúng quyết định.
____
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm một số tác phẩm của đạo diễn Trần Chí Kông: