Đạo diễn Lê Hoàng – người đang nổi đình nổi đám với bộ phim Gái nhảy – nói một câu xanh rờn như thế với một vẻ rất “tự kiêu”. Cái cớ ở đây rất đơn giản: Với doanh thu gần 10 tỷ đồng (gấp 10 lần số vốn bỏ ra), Gái nhảy đã mang lại cho Hãng phim Giải Phóng một thắng lợi chưa từng thấy. “Khi tôi làm ra một sản phẩm được thị trường tiếp nhận, tôi lượng được sức tiêu thụ của người tiêu dùng, tôi cũng là một doanh nhân. Một sản phẩm độc đáo, đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng của nhà nước, lại có giá cả vừa phải, có khả năng sử dụng phổ thông, có sự lưu thông phân phối thuận tiện – đó cũng là “đặc tính hàng hóa” của Gái nhảy…”.
Như đã nói xong một lời tổng kết tâm đắc, đạo diễn Lê Hoàng sảng khoái đặt ly trà đá xuống bàn. Lúc đó bữa cơm trưa đã xong, kem đã ăn và trà đã uống. Còn trước nữa, ngay khi còn chưa đụng đũa, cũng chẳng đợi ai hỏi han, ông đạo diễn đã có ngay một “bài phê bình”, rằng: “Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần số trước, ông Nguyễn Ngọc Bích có một bài viết rất hay, mà ông Bích thường viết bài nào cũng hay. Ông Bích rất chính xác khi viết “Không có doanh nhân nào không nợ nần tiền bạc ai. Họ đứng trên đống nợ”.
Tôi nghĩ đúng như thế đấy. Với doanh nhân, nợ là lẽ sống, nợ là công việc. Báo chí của mình, nhiều khi để chê bai một doanh nghiệp nào đó cứ hay viết ông X nợ đầm đìa, cứ như thể nợ là một chứng cứ của việc làm ăn thua lỗ… Nếu anh tự tin vào công việc của mình thì việc gì anh không vay ngân hàng để phát triển doanh nghiệp. Những người cứ rút tiền túi ra mà kinh doanh thì không thể kinh doanh lớn được. Doanh nhân và nợ, đó cũng là một đề tài”.
Con người làm nghệ thuật trong Lê Hoàng phút chốc như biến đi đâu mất, quên cả chuyện cơm nước. Ông đạo diễn đùng một cái chuyển sang chuyện làm báo: “Không chỉ có chuyện nợ nần đâu, doanh nhân còn có những nỗi sợ rất khác chúng ta. Không chỉ sợ cho riêng mình, họ sợ cho sự thất bại của một cơ nghiệp, một sản phẩm; sợ cho sự thất nghiệp của hàng trăm con người và bao nỗi sợ riêng biệt khác… Mà sao chưa ai viết nhỉ! Doanh nhân và nợ, doanh nhân và sợ, doanh nhân và vợ…”.
“Tôi mà làm thư ký tòa soạn cho tờ báo nào thì tờ báo đó chỉ có bán chạy!” Ông đạo diễn lại bình thản tuyên bố thêm một câu như thế rối mới bắt đầu ăn, ăn rất nhanh và chăm chú, không quan tâm đến sự đồng tình hay phản đối của người đối diện. Có lẽ cũng bởi Lê Hoàng đã có đầy đủ “nhân chứng vật chứng” làm hậu thuẫn cho lời tuyên bố của anh: Giao lưu trực truyến trên VnExpress (4 lần/tháng), đứng mục cho Thể thao văn hóa, Tiếp thị gia đình (mỗi tờ 4 số/tháng), viết cho An ninh thế giới, Tuổi Trẻ Cười…
Không chỉ là Lê Hoàng, cái tên Lê Thị Liên Hoan, từ nhiều năm nay cũng đã chứng tỏ “mình” là một nhà báo tên tuổi. “Một tháng tôi viết trung bình mười mấy bài báo, nhuận bút trung bình cũng mười mấy triệu đồng. Nhưng nghề báo chỉ là nghề tôi làm thêm thôi”. Khiêm tốn một cách kiêu hãnh, Lê Hoàng nói vậy khi đưa ra những con số “khủng khiếp” ngay cả đối với một người viết báo chuyên nghiệp.
Tất nhiên, không phải cứ có bài đăng đều đặn trên báo thì trở thành nhà báo, nhưng Lê Hoàng đã là nhà báo theo cách của anh: quan tâm đến thời sự và bắt đầu từ thời sự. Đó cũng là cách của người ký tên Lê Thị Liên Hoan (trên Văn hóa Thể thao) đã làm khi thực hiện hàng loạt cuộc “phỏng vấn”, từ bà nội trợ đến người bán hàng, từ cầu thủ đến ca sĩ, từ nhà quản lý, nhà văn, nhà thơ… đến một bà Tây… sắc sảo, đanh đá, hài hước nhưng tất cả đều đi ra từ những câu chuyên có thật vừa xảy ra đâu đó trong cuộc sống.
Cũng y như khi anh giao lưu trực tuyến vậy, có thể “gỡ rối tơ lòng” về mọi đề tài, từ chuyện ngoại tình đến chuyện yêu hai người một lúc, từ chuyện chọn lựa giữa tiền bạc và danh vọng, tiền bạc và tình yêu, đến chuyện làm gì nếu thi trượt đại học… Nghĩa là đủ thứ chuyện gần chuyện xa, chuyện đùa chuyện thật; không phải chuyện nào cũng thành công nhưng chuyện nào cũng làm người đọc nhận ra một con người nhạy bén trước mọi chuyện trên đời, đằng sau những gì anh viết hay nói.
Doanh nhân còn có những nỗi sợ rất khác chúng ta. Mà sao chưa ai viết nhỉ! Doanh nhân và nợ, doanh nhân và sợ, doanh nhân và vợ…
“Khi tôi viết kịch, không ai nghĩ tôi có thể làm đạo diễn; khi tôi làm đạo diễn, không ai nghĩ tôi có thể làm báo; thậm chí ngay cả khi tôi làm Gái nhảy cũng không ai nghĩ tôi đã từng làm những phim rất nghiêm túc”. Chắc đạo diễn Lê Hoàng muốn nói tới phim Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng mà anh đã làm trước đó.
Nhưng dù gì, câu “tự phê” này có hơi kiêu không nhỉ? Lê Hoàng không gật cũng không lắc trước “nghi vấn” này, anh chỉ nói: “Tôi làm việc gì cũng cố làm đến nơi đến chốn, làm một cách chuyên nghiệp”. Thì cũng là một cách giải thích! Nhưng muốn làm việc gì đến nơi đến chốn được thì ngoài năng lực cũng cần phải có thời gian.
—
Cũng chỉ có 24 tiếng/ngày như mọi người nhưng “ông” Lê Hoàng lấy đâu ra lắm “vàng bạc” thế để mà vừa viết kịch bản, vừa viết báo, vừa làm đạo diễn?
Tôi dậy vào lúc 6 giờ sáng. Trong lúc chờ vợ dậy để hỏi vợ ăn gì và đi mua đồ ăn sáng cho vợ cho mình, tôi có khoảng 1 tiếng rưỡi để đọc báo và viết báo. Tám giơ, tôi đến cơ quan… chơi. Hãng phim Giải Phóng không có phòng làm việc cho các đạo diễn nên tôi ngồi ngoài sân hay ngồi quán nước để bàn đủ thứ chuyện.
Khi tôi viết kịch, không ai nghĩ tôi có thể làm đạo diễn; khi tôi làm đạo diễn, không ai nghĩ tôi có thể làm báo; thậm chí ngay cả khi tôi làm Gái nhảy cũng không ai nghĩ tôi đã từng làm những phim rất nghiêm túc.
—
Trưa, anh có về nhà ăn cơm?
Không bao giờ. Buổi trưa tôi chỉ dành mươi mười lăm phút để ăn, nên tôi có thể ăn ở bất cứ nơi đâu và không đủ thời gian để về nhà. Tôi rất ghét ăn cơm phần vì có nhiều món phải gắp mất thời gian. Tôi thích ăn cơm dĩa vì gọn, mọi thứ người ta đã sắp hết cho mình rồi, cứ thế mà ăn.
—
Không café, không trà, không thuốc lá, nhưng còn rượu, anh có uống được không?
Rượu nào ngọt ngọt thì tôi uống một chút cho vui.
—
Còn bồ bịch?
Gần như không.
—
Vậy anh có thú vui giải trí nào?
Xem phim, phim nào cũng xem, trừ phim truyền hình, nhất là phim truyền hình Việt Nam, vì tiết tấu chậm, chưa xem hết đã biết kết cục.
—
Anh có sống được bằng việc làm phim không?
Xưa nay tôi chưa sống bằng phim bao giờ. Nhưng sắp tới sẽ sống bằng phim, làm cho tư nhân thì thù lao phải khác. Sau Gái nhảy (phần 2) thì sẽ làm thôi.
—
Còn làm báo, nếu anh là thư ký tòa soạn Doanh nhân Sài Gòn thì anh sẽ làm gì để báo bán chạy, như anh nói?
Tôi sẽ yêu cầu phóng viên của mình viết một loạt đề tài, ví dụ: Ai là doanh nhân đầu tiên của Việt Nam? Hình ảnh về các doanh nhân nổi tiếng qua các thời đại? Doanh nhân học ở đâu? Con doanh nhân học ở đâu? Cơ hội của doanh nhân là gì: Tìm ra kẽ hở của thị trường hay tìm ra kẽ hở của pháp luật? Cái gì là vật thế chấp giá trị hơn: Tài sản hay uy tín? Lãi suất bình thường và lãi suất bất thường? Kinh doanh văn hóa và những đặc thù của nó? Tại sao người mẫu thích “cặp” với doanh nhân (chứ không phải với nghệ nhân, với văn sĩ, thi sĩ…)…
Tôi mà làm thư ký tòa soạn tờ báo nào thì tờ báo đó chỉ có bán chạy.
Đạo diễn Lê Hoàng bắt đầu liếc đồng hồ. Một chén cơm, mấy miếng cá thát lát chiên, một ít đậu que xào, một chén canh khoai mỡ – cơm dĩa 15 ngàn đồng, không có lý do để khề khà chậm rãi. Có thêm một viên kem 7 ngàn đồng và hai ly trà đá không tính tiền nữa thì cuộc trò chuyện cũng không thể kéo dài hơn. Ăn cơm trưa ở Nhịp sống thành phố (29 Bà Huyện Thanh Quan), xem ra mọi người đều vậy cả, phải nhanh và gọn để còn “giữ sức” cho buổi làm việc chiều.