Trong nhiều loại nước chấm dùng cho bữa ăn của người Việt Nam, tương là một món cổ truyền. Rau muống, đậu phụ, cà muối… chấm tương là những món ăn quen thuộc của người dân sau lũy tre làng. Ngày nay, người ta còn dùng tương với những món ăn cao cấp hơn như thịt bò, dê thui, tái dê… Tương Bần (Hưng Yên) nổi tiếng về chất lượng và vị ngon độc đáo, đã từng là món tiến vua.
Với cùng nguyên liệu: gạo nếp, đỗ tương, muối, nước và cách làm nhưng chỉ có ở làng Bần mới làm được tương ngon. Người trong làng nói: “Tương ngon là ở mạch nước và kinh nghiệm lâu năm”.
Nghề làm tương không giống như các nghề khác. Chỉ cần một chút sơ xuất nhỏ trong quá trình làm, có thể bỏ đi cả một mẻ tương lớn. Tương hỏng không thể chữa và không dùng được vào việc gì. Chính người làng Bần cũng nói rằng làm tương vừa dễ vừa khó. Một cụ bà người làng Bần gốc khi nói chuyện với tôi cũng cười móm mém: “Tôi không làm được cô ạ. Lần nào thử cũng hỏng”. Làng Bần chỉ có khoảng 40 hộ có nghề làm tương lâu đời. Trước kia, họ chỉ làm để nhà dùng và bán cho bà con họ hàng. Mãi đến năm 1990 mới bung ra kinh doanh như bây giờ. Hộ kinh doanh nhỏ thường có trong nhà 10 – 15 chum (mỗi chum 20 lít), hộ kinh doanh lớn có đến trăm chum.
Ngày hội chùa Hương, mùa đi biển, ngày giáp Tết là thời điểm bán tương chạy nhất. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở bán cả loại tương không đảm bảo chất lượng (tương pha hoặc tương ủ chưa đủ ngày). Khách mua hàng không phân biệt được loại ngon hay dở. Họ thường chọn loại có màu đỏ đẹp, không lắng cái và ngọt. Tương vừa ngon có màu hơi đỏ vàng, mùi thơm.
Nghề kinh doanh tương đã thực sự làm thay đổi bộ mặt phố Bần Yên Nhân. Nhiều người xây được nhà, mua xe, sắm sửa tiện nghi. Tương Bần ít có đại lý ở các địa phương khác, phần lớn do khách đến làng mua.
- Xem thêm: Độc đáo nước chấm Việt