Phố những ngày tháng 9 dường như bỗng lắng dịu mơ màng. Đất trời chầm chậm chạm khẽ mùa thu. Cơn mưa chiều chợt đến chợt đi ướt nhẹ vai gầy, khẽ khàng gieo những giọt buồn man mác. Mùa thu lá vàng dư âm nỗi nhớ, gợi về xa xăm những dấu yêu lặng thầm. Tháng 9 về ngang con hẻm nhỏ, hoa cúc vàng chúm chím lối ban công. Tôi đã đi qua bao nhiêu tháng 9 giữa góc phố xanh rêu rồi mà đáy lòng vẫn giăng mắc bao nỗi bồi hồi nhẹ tênh. Chiều tháng 9 pha màu kỷ niệm, một chút chớm lạnh rưng rưng, một chút gió thu hoang hoải, đủ làm tôi lãng đãng giữa khung trời trầm tư riêng mình…
Tháng 9 trong tôi bao giờ cũng xuyến xao như thế. Chẳng vội vàng, gắt gỏng, cứ điềm nhiên tựa con thuyền lướt êm trên dòng thời gian, chở những cung bậc vui buồn. Đặt chân vào những ngày đầu tháng 9, tôi nghe lòng rạo rực khúc khải hoàn vọng vang mùa thu lịch sử. Khẽ nhắm mắt lại, màu nắng mới tinh khôi như tràn vào tâm hồn. Ngỡ màu nắng Ba Đình lấp lánh trong từng ánh mắt ngời sáng niềm hân hoan. Trên Quảng trường náo nức cờ hoa, triệu con tim đã hòa thành một cùng chung dòng máu yêu nước thao thiết, dạt dào, tỏa lan. Giọng của Người mãi còn ấm áp, vọng ngân, như đã lắng vào cỏ cây, đất mẹ, chắt chiu mạch ngầm ân nghĩa vô ngần.
Một thoáng bâng khuâng, tôi chợt nhớ chợt thương dáng hình đậm màu sương gió của ông nghiêm trang bên chiếc áo lính, trong những ngày Tết Độc lập thuở xưa. Chiếc áo lính như là chứng nhân lịch sử của một thời vào sinh ra tử oai hùng. Bàn tay ông run run gìn giữ, nâng niu, cẩn trọng khoác lên mình như đang sống lại những ngày tháng ấy. Bao tình cảm, khát vọng thiêng liêng của ông vẫn sống động giữa chập chờn ký ức, truyền cho tôi ngọn lửa rừng rực nỗi thấm thía và hàm ơn. Ông bây giờ đã trở thành người thiên cổ. Nhưng những câu chuyện về bếp Hoàng Cầm, về chặng đường hành quân trập trùng rừng núi, những đêm trinh sát, dò mìn, bao thăng trầm tiếp cho nhau sức mạnh… vẫn dệt vào tâm tưởng của tôi nỗi thương nhớ ông nghẹn ngào, niềm tự hào thầm kín.
Tháng 9 mùa thu gọi những bước chân tíu tít đến trường. Như một chú chim non lần đầu vỗ cánh, buổi tựu trường đầu tiên xao xác gió heo may, đong đưa đóa cúc vàng ven lối cũ, vẫn quay quắt trong tôi tự thuở nào. Bàn chân bé nhỏ thoáng ngập ngừng xen lẫn nỗi lo sợ non nớt, khi tạm xa bàn tay mẹ vỗ về. Nhưng ánh mắt bỡ ngỡ, rụt rè khi chạm vào những âu yếm, dịu dàng của mẹ và cô giáo, bỗng long lanh niềm háo hức xen lẫn bao mới mẻ tinh khôi. Tôi từng ngày bầu bạn cùng trang sách, khẽ gối đầu lên những vần thơ, những câu chuyện bàng bạc màu cổ tích ngọt ngào. Thế giới trong veo tuổi học trò gói lại dưới mái trường xao xuyến lá me bay. Cánh cổng lặng thầm dang tay ôm tất thảy bao vui buồn vụng dại, để rồi lòng cứ luyến lưu hoài lúc chia xa. Ngày khai giảng cuối cùng tôi chợt nhìn lên trời cao mà rưng rức, giá như níu lại mãi khoảnh khắc này giữa màu áo trắng thiên thanh. Lòng bồi hồi ru lại thuở ngây ngô mực tím…
Tháng 9 dát vàng ký ức bằng ánh trăng loang loáng huyền diệu. Trăng ở phố ngậm ngùi khuất sau những tòa nhà cao hun hút, vẫn chung thủy lặng thầm mặc cho lòng người có mải miết chạy theo ánh đèn phồn hoa. Ánh trăng mơ hồ chảy ngập hồn ta, vương giọt nhớ cố hương đượm nồng. Lặng nhìn tri kỷ của ấu thơ, tôi tự hỏi nơi quê nhà, mẹ có đang nằm trên cánh võng, bùi ngùi hướng về vầng trăng khắc khoải mà nhớ con đau đáu? Tháng 9 nơi góc phố nhỏ bỗng trống vắng làn hương tóc mẹ thoảng vào giấc ngủ hiền.
Ngắm vầng trăng an nhiên soi sáng, tôi bỗng cồn cào thương tiếng trống lân rộn ràng mỗi mùa Tết Trung thu. Trăng vén lá rọi sáng đường làng, quấn quýt bước chân tôi tíu tít cùng chiếc đèn lồng dung dị. Ký ức như khoảng trời lấp lánh những nụ cười chân phương, ngọt ngào dư vị yên bình. Dù đã đi qua bao chặng đường quen lạ, tôi vẫn ước được nếm lại dư vị của ấu thơ lắng dịu mùa Trung thu quê nhà.
Tháng 9 của lòng tôi, vấn vương hoài một vành nôi cổ tích…
***
Tôi thường nhớ về những mùa tựu trường đã qua giữa lẫn lộn vui buồn. Ngày tựu trường đầu tiên, tôi như cánh diều lần đầu chao lượn giữa một chân trời mới mẻ. Ngày tựu trường cuối cùng, lòng lại bâng khuâng tiếc nuối năm tháng mộng mơ sắp sửa chia xa, nhen nhóm những ước vọng gửi vào trang vở mới. Như một khúc ca tuổi hoa dạt dào trầm bổng, buổi tựu trường dệt vào lòng người bao hoài cảm vấn vương. Và sau những nỗi niềm trong veo ấy, là ánh mắt thẳm sâu mênh mông hy vọng của cha, cùng bao yêu thương lặng thầm trong dáng mẹ tảo tần…
Trường cấp I của tôi ở đầu làng, nhà tôi ở cuối làng. Đường đến trường bởi thế mà đi qua cánh đồng sóng lúa bềnh bồng, men theo hàng cau thơm hương kín đáo, rồi đi vào một lối nhỏ lát gạch xanh rêu dưới bóng tre già. Ngày nhỏ, tôi hay chơi thả diều, đuổi bắt cùng đám bạn quê ở mảnh đất trống sau trường. Ngôi trường làng có rặng phi lao trước cổng thường ngày vẫn thân thuộc, gần gũi như thế. Nhưng vào buổi sáng đầu tiên đi học, khi đứng trước sân trường nhộn nhịp áo trắng quần xanh, chân tôi bỗng ngập ngừng, vừa quen vừa lạ, vừa xốn xang vừa sợ hãi mơ hồ.
Buổi sáng sớm hôm đó, mẹ đã nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy và trao cho tôi cuốn tập, cây viết cùng một bộ quần áo mới. Trước khi tất tả đội nón đi làm ở nhà máy, mẹ dặn tôi cùng bạn đến trường ngoan ngoãn, lễ phép với cô giáo, rồi khẽ ôm tôi vào lòng mà ánh mắt thoáng hiện nỗi buồn. Ngày đầu tiên tới lớp, tôi chỉ đi một mình, cảm giác giận mẹ chợt dâng lên trong tâm hồn thơ trẻ. Thấy các bạn đều có mẹ nắm tay đến tựu trường, đứa được mẹ vỗ về, đứa bẽn lẽn nấp sau áo mẹ, tôi bỗng thấy buồn, một nỗi buồn non nớt, hồn nhiên. Sau này nhớ lại thuở ngây ngô ấy, nhớ đáy mắt xót xa của mẹ, tôi chạnh lòng thương mẹ rưng rưng.
Tôi lên cấp II, những mùa tựu trường vẫn vẹn nguyên bao xúc cảm. Háo hức được gặp lại bạn bè sau mấy tháng hè, tự hào vì mình đã lên một lớp mới, lâng lâng khi khoác màu áo trắng tinh khôi. Năm nào tôi cũng học sách của anh chị tôi để lại, những trang sách phẳng phiu, được giữ gìn cẩn thận. Cảm giác đợi chờ, pha lẫn hồi hộp đã nhen nhóm trong tôi từ hôm tôi dán nhãn vở, ghi tên và bao bìa. Ngày tựu trường, tôi thường nôn nao dậy sớm. Vì nhà gần nên tôi đi bộ đến trường. Cánh đồng lúa chín vàng trước cổng, mùi hương dung dị quyện vào gió thu. Tiếng trống trường điểm từng nhịp vang vọng, ngân lên trong lòng tôi nỗi rạo rực phơi phới. Những cánh hoa me tây cuối mùa nhẹ rơi, khẽ vương trên làn tóc thướt tha của cô bạn ánh mắt trong ngần.
Cấp III, tôi thi đỗ vào trường Chuyên của tỉnh. Xa nhà ra thành phố, tôi ở lại ký túc xá của trường, mỗi dịp cuối tuần, nghỉ hè tôi về với cha mẹ. Những buổi khai giảng, cha thường chở tôi từ nhà đến trường, bằng chiếc xe máy cũ. Con đường xa hun hút, gió tạt cay xè đôi mắt, tôi ngồi lặng yên sau lưng cha. Những lúc như thế, lòng lại thương cha quay quắt. Tấm áo cha mặc đã phủ màu thời gian, đôi tay gầy với những đường gân khắc khoải mưa nắng, vẫn vững vàng dù đường đi gập ghềnh, lồi lõm. Tôi bỗng nhớ lại những lúc bướng bỉnh, những khi vô tình khiến cha buồn mà lòng day dứt mãi. Xe dừng trước cổng trường, tôi bùi ngùi đưa chiếc mũ bảo hiểm cho cha, nhắc cha về cẩn thận. Giọng cha trầm đục dặn tôi cố gắng học hành, ân cần trao cho tôi ánh mắt ấm áp niềm hy vọng và tin tưởng. Cha dừng lại một lúc lâu đợi tôi bước qua cổng trường, hòa vào màu áo trắng, rồi mới quay xe về.
Mỗi mùa tựu trường, lật trang vở mới, tôi lại rưng rưng nghĩ về bóng dáng cha mẹ lam lũ từng ngày để tôi được đi học. Nét chữ tôi viết hôm nay không chỉ vương mùi mực, mà tôi còn ngửi thấy cả mùi mồ hôi, mùi sương gió bốn mùa bàng bạc mái tóc cha, khắc khoải khóe mắt mẹ. Tôi bắt đầu bài học đầu tiên về cách sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của cha mẹ, mà có lẽ tôi sẽ học suốt cả cuộc đời.
- Xem thêm: Lưu giữ kỷ niệm