Không phải để tắm biển Tiên Sa, vì biển động. Cũng không để ngắm mây trời từ Bãi Bụt. Vì gió lớn. Một ngày cuối năm, trời se mù nhưng không mưa, lặng lẽ bên tách trà thơm cùng bạn. Và ngắm trúc. Chẳng lẽ đó không là niềm vui?
Không phải “lá trúc che ngang mặt chữ điền” ấm nồng mùi vị trần thế của Hàn Mặc Tử. Cũng không là kỷ niệm “bước đi dưới tre bồng chân sáo” của Thu Bồn thời ấu thơ… Mà, thấp thoáng phong vị “dò trúc xông qua làn suối /Tìm mai theo đạp bóng trăng” của Ức Trai sáu trăm năm trước. Chỉ thấp thoáng thôi, bởi, làm sao có thể kéo thời gian quay ngược? Nói “thấp thoáng”, là hàm ẩn ước vọng tìm về. Tìm lại thời xa xanh cũ, lẽ nào không là điều cần thiết giữa thắng thời của những tiếng – vật – chất?
Lan man như thế, là cái tâm thế cần có: giữa nhịp sống băng nhanh, quý biết bao khoảnh khắc thư giãn, như lời Bill Gates nhắn gửi. Lan man qua chén trà thứ ba, như thi sĩ Lỗ Đồng đã “hát”: “Chén thứ hai phá tan nỗi cô quạnh của ta… Uống đến chén thứ năm, lòng thấy lâng lâng thanh tịnh” thì… tre trúc hiện ra. Trước mắt, đã có hơn trăm loại như mai, vầu, giang sơn trà, trúc quân tử, cơm lam le mật, mai xanh… đặc biệt có huyền trúc và trúc đen lá sọc là hai trong các loại quý hiếm (đang mất giống)… Tất cả, rải rác trên khoảng một hécta. Còn trong… mơước, thì người tu sĩ đang trầm ngâm bên tôi nhẹ nhàng: “Nếu đủ nhân duyên, nơi đây sẽ trở thành một điểm bảo tồn khoảng hơn hai trăm loại tre trúc Việt Nam”. Nơi đây, là khu vực Suối Đá, tiểu khu 64 rừng bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. Nơi ấy, sẽ có những căn nhà nhỏ bé dựa vào vách núi, dưới bóng xanh cây. Cảnh mộc mạc hồn nhiên bên tiếng suối, có ao sen và nơi ngắm trăng trong những sinh hoạt thơ ca – âm nhạc cho khách đến. Có những tạo dựng không mang “mùi” cơ giới. Sẽ là chỗ cho giới văn nghệ sĩ cả nước tìm đến – dừng chân mà thưởng ngoạn vẻ đẹp của thành phố biển này. Cứ đến và sống đạm bạc như chủ nhân. Cứ sáng tác, nếu có cảm hứng. Không “đơn đặt hàng” nào cả. Mà biết đâu, những tác phẩm chân chính sẽ ra đời?
Tất cả những gì đang bày ra trước mắt, chỉ mới bắt đầu từ hơn sáu năm nay. Chỉ với sự giúp đỡ của một nhóm người đồng cảm. Và, người tu sĩ trẻ này vẫn đang ngày ngày đánh vật với công việc lao động chân tay nặng nhọc, từng chút từng chút một, cho khoảnh rừng đầy lau sậy và dây leo phủ kín, bãi đá gồ ghề trước kia giờ đây đang hiện ra dáng nét của ước mơ hình thành một điểm sáng cho đất quê Việt. Còn lắm khó khăn, nhưng có việc gì mà không bắt đầu từ những giấc mơ, nơi chứa đựng tiềm năng không bờ bến.
Xuống núi. Chiều đang dần sẫm lại. Thoảng sau màn mây xám, một thoáng trăng non. Không phải vầng trăng khắc khoải của Thi tiên Lý Bạch hay mê sảng trong thơ Thi quỷ Lý Hạ: Lão thố hàn thiền khấp thiên sắc / Vân lâu bán khai bích tà bạch (Con thỏ già, con cóc lạnh khóc ướt trời / Lầu mây hé mở, vách ngã sang màu trắng). Mà, Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ / Quê lãnh thiềm hàn chi má hưu (Nếu Hằng Nga mà biết nét thanh nhã của hoa / thì chắc không còn ưa thích cây quế nơi cung thiềm lạnh lẽo) của nhà vua – thi sĩ Trần Nhân Tông cùng ý chỉ Đạo – trong – đời, đã đưa người đẹp Hằng Nga hóa thành người thiếu phụ Việt, trở lại với chốn trần gian xinh tươi này để thưởng nét đẹp ngày xuân.
Và, Tịnh viên Sơn Trà dường như hiện ra đâu đó, trong hư không. Như Áo Nghĩa Thư đã từng hiển lộ: Tất cả xuất hiện từ không gian và trở thành không gian, nơi chúng xuất phát, nơi chúng thực sự bắt đầu…
Phía bên kia cầu Thuận Phước, trong đêm tối và trong nhịp mùa rộng gió xanh non, thành phố lấp lánh màu xuân mới…