Tính đến năm 1959, khi Quốc hội khóa I thông qua Luật hôn nhân và gia đình, đàn ông Việt ở miền Bắc mới coi như chấm dứt chế độ đa thê. Năm 1978, Luật hôn nhân và gia đình của đất nước thống nhất đã chính thức khép lại một lịch sử của cảnh chồng chung.
Vì vậy, về lý mà nói, việc một người đàn ông mang tiếng ngoại tình bị coi như phạm pháp là sản phẩm của tư duy hiện đại. Còn trong tâm thế xã hội ngày nay, không ai dám chắc quán tính lối nghĩ “đàn ông năm thê bảy thiếp là thường” đã tiệt nọc. Ngoại tình bị coi là đối cực của hôn nhân, song lắm khi lại nửa như một “sản phẩm phụ” của hôn nhân. Thậm chí, nó còn được khoác lên những biệt danh vui vẻ: phòng nhì, phở, cơ sở 2. Một phần nào đó những biệt danh ấy ám chỉ rằng, ngoại tình dễ chịu, tựa một thú chơi.
Năm 1958, cũng trong khoảng thời gian công bố dự thảo quy định đàn ông không được lấy vợ lẽ, vở chèo Lưu Bình – Dương Lễđược Hàn Thế Du chỉnh lý và xuất bản. Vở chèo có gốc là một truyện thơ Nôm dài 578 câu thể lục bát, thuần túy là một diễn ngôn tụng ca đức hạnh hi sinh theo quan niệm Nho giáo: Hai người bạn học Lưu Bình và Dương Lễ mười năm đèn sách, Dương Lễ đỗ cao ra làm quan, Lưu Bình thi hỏng sinh ra thất chí, sang nhà bạn nhờ giúp đỡ song bị tránh mặt. Tự ái, chàng bỏ đi, giữa đường gặp một nàng vừa đẹp vừa biết liên tài, rồi nàng xin theo về nguyện nâng khăn sửa túi cho đến khi thi đỗ.
Lưu Bình đâu biết nàng chính là Châu Long, “dì hầu” (thiếp) của Dương Lễ, được chồng sai đi nuôi bạn. Khóa thi sau cách ba năm, nghĩa là ba năm nàng “khuyên sớm khuyên trưa, anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”:
…Nàng thời riêng mở một hiên
Cửi canh cần mẫn vui miền nữ công
Đêm ngày lòng những nhủ lòng
Tuy ngoài cười cợt nhưng trong giữ gìn
…Bảng vàng rồi sẽ đuốc hoa vội gì
Y hẹn, Lưu Bình đỗ bảng vàng vinh quy thì Châu Long đã về nhà với Dương Lễ lúc nào. Tất nhiên là bộ ba gặp lại nhau trong cảnh đoàn viên, đức hi sinh được đền đáp, chí công danh nam nhi được thỏa, đạo vợ chồng giữ trọn, tình bạn được nối lại. Đó là những gì truyện thơ và vở chèo ngợi ca.
Vấn đề đáng nói ở chỗ Châu Long là “dì hầu” (trong vở chèo được gọi là vợ ba) của Dương Lễ. Nghĩa là có nhường Châu Long thì ông quan Dương Lễ vẫn còn phu nhân chính thất (hoặc hai bà vợ lớn) ở nhà. Tất nhiên hoàn toàn có thể cô vợ bé này trẻ đẹp và đang được yêu vì, nên hẳn ông chồng cũng phải cân nhắc nhiều, vả lại thế mới có “tích” để “dịch nên trò”.
Trong truyện thơ, người vợ chính thất được hỏi ý kiến đầu tiên, bà ta đáp lại chẳng vui vẻ gì: “ông dạy lắm câu nực cười”, “coi thời ngứa mắt nghe thời trái tai”, và bảo rằng mình còn bận tề gia, “xin ông việc ấy nhường cho dì hầu”. Màn dùng dằng cắt cử người đi nuôi bạn hiền chiếm đến hơn 40 câu lục bát, con số đáng kể so với toàn truyện. Người nghe truyện thơ và xem chèo hàng trăm năm có lẽ đã sống với sự thật như vậy.
Tất nhiên, nhìn ở khía cạnh hôn nhân hiện đại, vợ lẽ là một tàn dư của chế độ đa thê phong kiến. Bởi vậy, việc “chỉnh sửa” mối quan hệ hôn nhân trong một vở chèo cổ trước hết là nhu cầu khẳng định sự thắng thế của quan điểm mới, mà như nhiều người đã nêu ý kiến một lãnh đạo rằng sửa như vậy thì việc nhường vợ duy nhất mới là thành thật vì bạn, mới là đáng quý. Nhưng dường như ý kiến này lại cho thấy vở chèo chỉnh lý tỏ ra cố gắng “nâng cấp” sự rộng lượng của người đàn ông khi nhường vợ cho bạn để cân bằng với đức hi sinh của người phụ nữ được cắt cử đi làm nhiệm vụ “ngoại tình hợp pháp”.
Nhiều độc giả và khán giả ngày nay cảm thấy không ổn, không phải ở việc Châu Long hóa ra chỉ là một cô vợ trong số nhiều cô vợ, cũng không phải việc nàng chấp thuận sự sai phái của chồng để sống chung một nhà với bạn anh ta, cũng chẳng hẳn việc các bên kiềm chế dục vọng đến phi lý, mà là thái độ họ lúc đoàn viên.
Châu Long khi lên đường rõ ràng là lo lắng mình “lửa gần rơm cũng ngại ngần lắm thay”, ba năm chung sống biết cách “nói năng ra tứ lẳng lơ phong tình”, biết ra lời thống thiết như bất cứ một chị em nào thời nhất sĩ nhì nông: “Tham về cái bút cái nghiên/ Nâng khăn sửa túi thiếp xin đỡ đần”. Vậy mà khi trở về với Dương Lễ, nàng không bợn một chút gì luyến tiếc hoặc tỏ ra xao xuyến về thời gian làm vợ Lưu Bình. Chồng nàng cũng không hề có một câu hồ nghi hoặc lo lắng về sự thủy chung của cô vợ bé. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là phản ứng của Lưu Bình khi phát hiện ra nhân thân của người con gái mình say mê và yêu thương ba năm qua:
Chàng Lưu nhìn mặt rõ ràng
Nàng chào chưa dứt ý chàng đã hay
Tức thì lạy xuống trình bày
Rằng ơn quan bác biết ngày nào quên
Chàng còn ngay lập tức tôn Châu Long là chị: “Nhờ ơn anh chị công trình” và xin xí xóa luôn những yêu thương ngày cũ: “Vô tình nọ ấy dám xin thứ tình”. Trong khi chính chàng ta mới ngày trước đó còn rầu rĩ, “Mối tương tư biết bao giờ gỡ xong”! Như thể tâm trí Lưu Bình là một cái công tắc, bật một phát là tình cảm đảo chiều và được chế ngự ngay tức khắc. Tác giả câu chuyện không dành cho chàng ta một chút nào vướng bận tiếc nuối, sự đam mê bị bổn phận hạ đo ván.
Rõ ràng, câu chuyện gián tiếp kết luận rằng con người biết kiềm chế dục vọng thì sẽ đạt được chính quả: Dương Lễ hi sinh lạc thú riêng tư thì giúp được bạn, Châu Long kìm nén sự cám dỗ nên qua được thử thách, còn Lưu Bình vì phẫn chí mà quyết tu tỉnh, không phân tâm sắc dục để thi đỗ. Câu chuyện có happy-endinglà nhờ các nhân vật giữ vững khuôn khổ đạo đức. Châu Long trở thành một giá trị đức hạnh siêu phàm, như một đại diện của “ngoại tình hợp pháp” đối nghịch với những người phụ nữ trót sa vào để rồi bị tội “gọt đầu bôi vôi”, “bỏ rọ trôi sông”.
Câu chuyện nổi tiếng của trường hợp sau cũng trong một vở chèo, chính là chuyện Thị Màu chửa hoang đổ vấy cho Tiểu Kính, vốn là một người vợ bị nghi ngờ hãm hại chồng vì có tình ý khác. Việc phụ nữ ngoại tình gây chấn động những cộng đồng nhỏ bé, giống như tiếng mõ tai ương bêu riếu “chiềng làng chiềng chạ”, bởi nó đe dọa lề thói gia trưởng vốn luôn có nhu cầu giữ gìn hệ thống tôn ti trong làng ngoài họ.
Lưu Bình Dương Lễ tân truyện chịu ảnh hưởng rất rõ của văn chương Truyện Kiều, nhiều câu chữ hoặc điển cố mượn trực tiếp từ tác phẩm của Nguyễn Du, nhưng cùng vốn chữ đó, câu chuyện ngược chiều nhau. Cho dù Kim Trọng có xác nhận Kiều sau mười lăm năm lưu lạc “làm vợ khắp người ta” là “trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, chàng cũng chẳng thể ngăn được sự tự ý thức của Kiều khi ngoái lại quãng đời đã trải “chữ trinh còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan”.
Trong mối quan hệ tay ba, nàng như kẻ đến sau trong khung cảnh “một nhà phúc lộc gồm hai” của Kim Trọng và em gái nàng. Trong khi đó, Châu Long trở về đoàn viên với chồng để tìm kiếm một sự ghi nhận tối hậu: “Cương thường hai chữ thiếp không dám rời” và “Dám xin có bóng mặt trời chứng minh”. Dường như với sự khẩn khoản ấy, nếu không được Dương Lễ xác nhận, Châu Long trắng tay. Kiều thì khác, nàng bình thản nhuốm màu vô vi với mọi sự khi trở về.
Nhưng đâu là thái độ thực sự của phụ nữ thời ấy về chuyện “trinh bạch”? Câu chuyện về bộ ba đức hạnh xuất hiện trong một phiên bản văn xuôi của truyện thơ Lưu Bình – Dương Lễ mang tên Tùng bách thuyết thoại trong tập Truyền kỳ tân phả của một tác giả nữ: Đoàn Thị Điểm.
Tương truyền, bà được coi là người đã dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra thơ Nôm ở thể song thất lục bát. Liệu có gì mâu thuẫn khi chính một tác giả nữ thường được gắn với thái độ bảo vệ nhu cầu tình cảm riêng tư của người phụ nữ, lại viết ra một câu chuyện đặc phẩm chất “tam cương ngũ thường”, mà trong đó hạnh phúc của người phụ nữ tì thiếp là vun vén cho sự mãn nguyện của đàn ông?
Có lẽ vì thông điệp đạo đức của truyện này quá khác những câu chuyện giàu màu sắc nổi loạn như Vân Cát thần nữ hay Bích Câu kỳ ngộ trong cùng tập sách mà một số nhà nghiên cứu đã không đồng tình Đoàn Thị Điểm lại đóng vai một phán quan đạo đức gia trưởng.
Nhưng mong muốn một tác giả nữ hay một nhân vật nữ phải nổi loạn, phải phong tình, chẳng phải cũng là một mong muốn rất gia trưởng đó sao? Những biện giải như “Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều/ Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm” là một cách mặc cả với khung khổ chật hẹp của đạo đức xã hội, phản ánh một sự pha loãng những dục vọng của một xứ sở chưa đủ phù hoa để nuôi dưỡng những mộng tưởng tình tứ hoang đường nhất.
Xứ Việt thời trung đại không sản sinh ra một Kim Bình Mai hay Hồng Lâu Mộng, nơi những nữ nhân vật dám ngoại tình nồng nhiệt chẳng kém những tiểu thuyết phóng túng Pháp thế kỷ 18 như Những mối quan hệ nguy hiểm hoặc quen thuộc với người Việt hơn – “Mai nương Lệ cốt” (Manon Lescaut). Nhưng chỉ sau một thế kỷ, cuốn truyện vừa “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887, dấu ấn văn xuôi thể loại hư cấu đầu tiên của văn học Việt Nam, đã kể về một vụ án liên quan ngoại tình.
Thông ngôn Phiền được một cô vợ quan Tây mê, song chàng cự tuyệt. Cô ta viết thư nặc danh tố cáo vợ Phiền ngoại tình với người bạn của chàng (cũng lại là một người bạn đèn sách!). Phiền nổi cơn ghen, giết cả bạn lẫn vợ. Chán đời, chàng bỏ đi tu. Mười một năm sau, vị linh mục nhận được thư của cô vợ quan Tây, bà ta thú nhận đã dựng chuyện. Phiền ân hận mà chết.
Non 50 năm sau, người đàn ông Việt Nam biết vợ ngoại tình thì làm những gì? Ông ta khẩn khoản tìm cách được tuyên bố: “Tôi là một người chồng mọc sừng”! Câu nói này của nhân vật ông Phán, chồng cô Hoàng Hôn, trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, được viết ra với cảm thức giễu nhại, thuộc về một loại câu thoại thoạt tiên có vẻ rỗng nghĩa, như những câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” hay “Em chã”, song là những nét nhận diện nhân vật sinh động.
- Xem thêm: Nguyễn Trương Quý: Sắc tình loanh quanh
“Mọc sừng” là một phép ẩn dụ ngoại lai nhập khẩu từ Pháp, mà người đọc truyền thống với Xuân Tóc Đỏ là đại diện, dĩ nhiên cần được “khai hóa” khái niệm này: “Xin ngài hiểu cho rằng nói thế là nói bóng gió. Còn muốn nói cho dễ hiểu thì thế nghĩa là: vợ tôi đi ngủ với giai”.
Tất nhiên Vũ Trọng Phụng mượn hình ảnh nhân vật ông Phán mọc sừng mang tính cường điệu để châm chọc xã hội đô thị mà theo ông đầy sự nhố nhăng kệch cỡm, nơi mà những quan hệ tình ái nhiều phần xuất phát từ dục vọng không được cương tỏa. Hơn thế nữa, tình dục và ngoại tình của các nhân vật lại được họ sẵn sàng triển lãm ra, như những bộ trang phục Âu hóa phô bày phần dục tính của con người. Vũ Trọng Phụng cho đó là những loại bệnh lý cần được giáo dục và chữa chạy. Về một phương diện nào đó, tác giả Số đỏ và Làm đĩ lại khá gần gũi các nhà đạo đức sáng tác nên thiên truyện đề cao phẩm hạnh Lưu Bình – Dương Lễ.
Khi vở chèo Lưu Bình – Dương Lễ chỉ còn lại một nhân vật nữ duy nhất trong những ngôi nhà của hai người đàn ông, câu chuyện mất dần tính hiện thực mang màu sắc cổ điển mà ngả sang địa hạt của chủ nghĩa lãng mạn, khi lý tưởng hóa chức phận của mỗi con người. Cách xóa mờ mối quan hệ đa thê xem ra lại phản ánh một tâm thức áp đặt khi chúng ta cứ muốn diễn giải tình cảm con người theo hướng trùng với năng lực cảm xúc của mình.
May mà Truyện Kiều chỉ xây dựng mối quan hệ trung tâm giữa ba nhân vật Kim-Vân-Kiều, chứ nếu đúng kiểu truyền thống Việt Nam thì Kim Trọng khi làm quan, chắc gì đã có mỗi Thúy Vân làm vợ mà phải có vài nàng hầu dì thiếp nữa. Thật tình cờ, Nguyễn Du xây dựng các mối quan hệ của Kiều với các người đàn ông trong đời nàng đều không bị cạnh tranh với các bà vợ khác, trừ Hoạn Thư vợ chính thất của Thúc Sinh. Kiều bị Hoạn Thư đánh ghen cũng là vì sự ngoại tình của anh chồng gan thỏ mà chị ta không thể trút bạo lực lên anh ta, người mà về lý có quyền kiếm thêm vợ lẽ nàng hầu. Hoạn Thư thực ra khá hiện đại khi bào chữa cho mình: “Chồng chưa chưa dễ ai chiều cho ai!”. Kiều đã chẳng thể báo oán chị ta vì lẽ này.
Tôi vẫn nghi ngờ tính phổ quát của những câu chuyện đạo đức mà những vở chèo Quan Âm Thị Kính hay Lưu Bình – Dương Lễđã xướng lên. Bằng chứng là cùng lúc, trong dân gian có những câu ca dao hay dân ca phải chăng hơn về chuyện ái tình “lạc đường”.
Nhị tình em ở nhất tâm
Sao anh ăn ở với em nhị tình
Ai ơi nhất lý nhị tình
Vì ai xúi giục cho mình nhị tâm…
Đoạn ca dao trên mở đầu cho một bài bản có mặt trong rất nhiều loại hình diễn xướng dân gian, từ xẩm đến chèo, ca trù cho đến quan họ. Để trách móc một người tình nhân đã ăn ở hai lòng, cho dù bàng bạc nỗi cay đắng, lời ca vẫn có cái vẻ khuyên lơn nhẹ nhàng, chưa đến mức hàm ý chọn biện pháp cực đoan như kiểu Hoạn Thư mắng chửi “ra phường mèo mả gà đồng” hoặc dùng bạo lực “trúc côn ra sức đập vào”. Những vốn chữ nghĩa trên là sáng tạo của Nguyễn Du, song cũng như cụm từ “Sư tử Hà Đông” để chỉ những người vợ dữ tướng kiểu Hoạn Thư, những cơn ghen lôi đình quen thuộc quá đỗi để người Việt chẳng nề hà nhận luôn đất Hà Đông đấy là của nước mình, cho dù cái tên tỉnh Hà Đông mới có từ năm 1904.
Thế mới biết, những tên gọi đến rất muộn, trong khi chuyện đã có lâu rồi…