Giáng sinh giờ đây gần như không chỉ dành riêng cho người Kitô hữu mà còn là sự hân hoan của nhiều người, nhiều ngành nghề. Việc chào đón Giáng sinh khơi gợi bao cơ hội, cảm hứng, ý tưởng làm ăn.
Với người làm thời trang, may mặc, mùa lên sốt hàng hóa từ mấy tháng trước Giáng sinh. Từ những kiểu mẫu mới, hợp mốt nhất cho tới hàng hạ giá, kiểu hơi lỗi một chút nhưng vẫn còn đẹp và quan trọng giá mềm là điều thu hút khách hàng, mọi giới.
Không chỉ cánh phụ nữ sốt vì thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp… chủ yếu phục vụ cho dịp Giáng sinh mà cánh mày râu cũng lên kế hoạch nào là quà cho người yêu, đi chơi đâu, với ai, chương trình sao cho phù hợp, vui vẻ cả làng, còn là dịp ăn, uống, tiệc, rượu nào, thức uống gì… Câu hỏi thăm: “Có kế hoạch gì cho Giáng sinh chưa?” trở nên quen thuộc.
Ngoài phố, các cửa tiệm, nhà hàng, khách sạn, văn phòng bắt đầu trang hoàng Giáng sinh từ đầu tháng khiến người thờ ơ cách mấy cũng phải nhắc nhở lòng mình rằng, Giáng sinh rồi, chỉ thêm tuần nữa hết một năm.
- Xem thêm: Sống đẹp mùa Giáng sinh
Mười hai tháng trôi cái vèo, có thể với người này là bận rộn, thắng lợi. Năm nay thuận lợi mua được ngôi nhà mới một cách bất ngờ. Miếng đất bỏ ủ ê, bỗng có người đến trả giá hời, thế là bán đi mua nhà khang trang ở thành phố lớn, chuyển cả gia đình vào theo, mọi chuyện nhanh chóng ngỡ trong mơ.
Với người khác có thể là những thất bại hay vận rủi liên tiếp xảy đến, con đau, vợ ốm, nợ nần… Với người khác nữa là sự mất mát. Người sống đời an phận, không nhìn lên cũng chẳng nhìn xuống, tạ ơn cuộc đời một năm yên lành, bình an sức khỏe… Nói chung đa dạng đời sống, mỗi người một hoàn cảnh.
Với người theo đạo Thiên Chúa, Chủ nhật tuần đầu tiên của tháng 12 là bắt đầu mùa Vọng, kéo dài bốn tuần và kết thúc vào đêm Giáng sinh.
Theo quan điểm của Kitô giáo, Mùa Vọng có ý nghĩa là trông chờ, hy vọng, nhắc nhở người Công giáo bốn điều: Chúa đến lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm, ngài đã giải phóng con người khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý, cái chết và sự phục sinh; Chuẩn bị đón Chúa Kitô đến lần thứ hai vào ngày tận thế mà không ai biết được ngày giờ nào; Mùa Vọng còn để người Kitô hữu dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh; Điều cuối cùng, nhắc nhở mọi người cần “tỉnh thức và sẵn sàng” đón Chúa đến vào cái ngày rời xa thế giới này.
Thoát ra giáo lý của đạo công giáo, suy ngẫm một chút về triết lý “trông chờ và hy vọng” cho những ngày cuối cùng của năm, thấy nhiều điều thú vị.
Một năm qua đi, có những điều làm được và chưa làm được. Nhìn việc làm được, bên cạnh sự hài lòng thêm chút ưu tư với những điều chưa được, để thấy “trông chờ” còn có ý nghĩa phấn đấu, tin vào nỗ lực bản thân để “hy vọng” một cái kết có hậu.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhìn lại, thấy mình có quá nhiều sai sót từ cư xử, nói năng cho đến hành động. Thấy mình đã bỏ qua nhiều cơ hội để yêu thương và được yêu thương. Nhìn lại không phải để tiếc nuối mà là bài học. Nếu mình không khác đi, lặp lại những điều đã cũ thì trái tim tội nghiệp sẽ còn phải chịu đựng nhiều thứ đè nặng lên nó nữa.
- Xem thêm: Yêu thương mọi ngày suốt đời?
Ngẫm hôm nay, nhìn lại những nỗi buồn, thất bại, đắng cay có thể do mình tạo ra hay do người khác mang đến, bỏ qua hết để thấy lòng an, để mạnh mẽ, làm được nhiều việc có ích cho bản thân. Thử suy ngẫm mấy câu thơ trong bài Đời tàn trong ngõ hẹp của Vũ Hoàng Chương:
Ôi ta đã làm chi đời ta / Ai đã làm chi lòng ta
…Ta đã làm chi đời ta xưa / Ta đã dùng chi đời ta chưa
Nói vui, chỉ riêng một quyết tâm nhỏ là dành chút thời gian tập thể dục buổi sáng, vậy mà một năm rồi năm năm chưa thực hiện được, với những buổi tối thức khuya online chat, game, phim… và những buổi sáng vội vàng, uể oải, dậy không nổi để tiếp đến buổi chiều rượu bia… là thấy mình quá có lỗi với bản thân rồi!
Biết sao giờ đây?