Chị đã cho tôi hiểu được thế nào là “nước mắt doanh nhân”.
Một người “đàn bà thép” như chị, kiên cường đến thế, nồng nàn đến thế, thông minh và yêu cuộc đời đến thế, đã bật khóc trong khu rừng của mình khi nói về những cộng sự thân thương, những người đã chia ngọt sẻ bùi với chị, chấp nhận mấy tháng trời làm việc không lương, để gầy dựng lại một giấc mơ… Chị cũng giống như bao doanh nhân khác mà tôi từng gặp, họ chẳng bao giờ rơi lệ cho mình, nước mắt chỉ òa ra khi trọng trách với biết bao số phận quanh mình chưa hoàn tất.
Bước chân tôi run rẩy khi bước vào khu rừng mà chị gọi tên là “Một thoáng Việt Nam”. Con đường rơm, bức tường rơm, mái nhà rơm, những vách đất trát bằng gốc rạ nứt nẻ như những cánh đồng khô hạn, hương nhu mọc dại quanh vườn. Ngoài sân, chiếc cối đá như đang kể về những hạt thóc ngày xưa đã được giã như thế nào… Hoa chuối rừng nở đỏ rực như trong một bài thơ của Quang Dũng.
Bên kia mặt hồ hoa súng trắng, chiếc cầu khỉ thân thuộc dẫn dắt vào một thiên nhiên đầy nắng của phương Nam… Tiếng gọi từ thiên nhiên, từ hoang dã, từ hồn quê trong trẻo của mọi miền như thì thầm trong từng gốc cây, ngọn cỏ, làm hồi sinh một vùng đất thép và cũng là một vùng đất chết, đã hứng chịu bao tấn bom đạn của chiến tranh.
Ai mà biết được nơi đây ngày xưa chỉ là vùng đầm lầy mênh mông đầy rẫy các hố bom, hơn nửa triệu khối đất đã đổ xuống. Ai mà hiểu hết được bao sức người, sức của đã biến nơi đây thành màu xanh, cho cây trái đơm hoa. Rồi những ngày tuyệt vọng khi “giấc mơ bị lấy cắp”, rồi lại bán đi căn nhà cuối cùng, dốc hết đồng tiền cuối cùng để gầy dựng lại một “giấc mơ khác”, đẹp hơn.
____
Duyên nợ nào lại dẫn chị đến vùng đất nghèo khó này khi mà chị đang kinh doanh hàng xuất khẩu khá thành công?
Tôi biết Củ Chi từ năm 1961, Củ Chi trong tôi lúc ấy là mùi phân bò, những cây trái quen thuộc và những dòng nước mội ngọt lành… Năm 1971 tôi quay lại, thì Củ Chi là vùng đất trắng! Có những gia đình một ngày chết tám, chín người, và đói là chuyện có thật. Chúng tôi từng phải ăn gạo thối, bộ đội cũng phải ăn lục bình… Nhưng mọi người sống với nhau vì hạnh phúc của dân tộc, vì độc lập của đất nước là chuyện có thật.
Sau giải phóng, tình cờ có nhiều dịp quay lại đây công tác, tôi thấy Củ Chi rất nghèo. Rồi tôi bị ốm dài ngày, phải nghỉ việc nhà nước, khi ra làm ăn cũng mày mò đủ cách. Tới một lúc nào đó có một ít tiền, ban đầu cũng chỉ nghĩ về đây mua đất xây một ngôi trường, coi như trả nợ cho đời. Nhưng tôi hiểu nếu dân nghèo thì xây trường cũng chỉ là một ảo tưởng, thay vì đi làm ở đâu, thì rủ bạn bè về đây làm kinh tế.
Tôi từng xuất khẩu hàng đi châu Âu, nên tôi hiểu với thế giới, mình không thể khoe giàu, nhưng có thể khoe con người Việt Nam, khoe cuộc sống, khoe thiên nhiên, khoe văn hóa Việt Nam. Làm thế nào để đưa yếu tố văn hóa vào, tạo thành một không gian sản xuất hàng xuất khẩu sống động, như một làng nghề đa phức hợp, tạo ra nhiều nguồn thu từ khách du lịch, từ ăn uống, từ mặt hàng mình xuất đi… Để vừa có tiền nuôi sống anh em, mà hệ số có ích cao hơn, tạo ra được những giá trị mới.
Hiện giờ, hàng xuất khẩu bàn ghế bằng giấy (là giấy nguyên liệu dạng sợi nhập từ nước ngoài) đi châu Âu của chúng tôi là duy nhất của cả nước và của châu Á, cùng nhiều sản phẩm cung ứng cho các khách sạn cao cấp trong nước là nguồn thu chính nuôi sống Một thoáng Việt Nam. Chúng tôi còn xuất khẩu cả bánh tét, và đang chuẩn bị ra một loạt thực phẩm sạch không có chất độc hại giúp cho sức khỏe tốt hơn. Nhưng tất cả đều không có tên của chúng tôi, mà phải bán qua một thương hiệu khác có thế hơn vì mình… còn nghèo quá. Công trình chưa đến nơi đến chốn nên tôi rất ngại nói.
Đừng nghĩ xấu về ai, đừng hại ai dù người đó có xấu với mình. Không phải tôi tin mình sẽ giàu, mà tin sẽ làm được việc có ích.
____
Có bao giờ chị khó khăn đến mức tưởng chừng như không thể vượt qua được?
Tôi nói thật, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ mình sẽ gục ngã, bởi công trình này là công trình hướng tới cái đẹp. Thực sự phải qua rất nhiều nhục nhằn… (lặng đi một hồi lâu). Tôi phải dùng từ nhục nhằn, bởi còn bao nhiêu khổ sở, oan trái nữa, người nói xấu mình, người chửi mình, người ghét mình, người khinh mình… tất cả đều có. Đúng là khó khăn, nhưng không thể thất bại, huống chi Một thoáng Việt Nam được rất nhiều người chia sẻ, hỗ trợ.
Có khi chỉ một vài trăm ngàn của bà con nghèo, hay một bao gạo. Có lần tôi nhận được 20 triệu đồng gồm đủ thứ tiền của các dì nữ tù Côn Đảo… Những sự chia sẻ ấy không chỉ một vài người, mà từ Bắc chí Nam… Giá trị ấy không gì có thể đo được, bởi đó là niềm tin mà người ta gửi gắm cho mình. Những người “đồng hành”, cùng đi với tôi bằng một cách nào đó. Như bạn thấy đấy, hôm nay trời mưa, nhưng không một ai ngưng làm việc… (giọng chị nghẹn lại trong nước mắt). Ba tháng nay không có lương, nhưng anh em vẫn bảo nhau thôi phải cắn răng.
Để làm như vậy tức là cả gia đình họ phải chấp nhận hy sinh… Khi nói tới người khác là tôi chịu không nổi, còn cá nhân tôi thì… chẳng bao giờ thấy mình khổ, bởi tôi tin con đường mình đi. Mình là người bày ra, làm sao có thể xấu hơn họ, những người cực khổ hơn mình, nghèo hơn mình mà dám xả thân như thế. Hôm nay tôi vui vì bạn thấy được một tập thể sống chết thật, chứ không phải vì thấy tôi. Tôi không có mục đích cá nhân, cũng không vì tiếng, tiền thì càng vô nghĩa.
Tôi chỉ nghĩ cả gia đình mình từng đi cách mạng, mẹ tôi (chính là liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định -K.Y) đã dạy bài học đầu tiên, đó là khi đứng giữa Sài Gòn hát thầm bài hát “Vì nhân dân quên mình”… Chẳng mấy khi tôi được gần mẹ, nhưng tôi nghĩ mình phải đi trọn con đường. Tôi sẽ cố gắng không chỉ một mình, mà phải huy động cả sức lực và trí tuệ của anh em trong và ngoài nước. Công trình này tiền nhiều bao nhiêu cũng không làm được, vì không thể làm được một mình. Tất cả mọi người phải hiểu được mục tiêu, cả nước phải cùng giúp sức… Và chính thế mà tôi không bao giờ bỏ cuộc.
____
Xây dựng công trình văn hóa ở vùng đất thiêng này, phải chăng chị còn được tiếp thêm nhiệt huyết bởi một sức mạnh tâm linh của cả một vùng đất, của dân tộc?
Do môi trường sống, tôi được đọc sách rất nhiều. Tôi hiểu cuộc sống không chỉ gói gọn vào những điều mà khoa học đã chứng minh. Thôi thì hãy sống hết lòng, có gì sai thì mỗi ngày hãy sửa một chút, để sống có ích hơn. Đừng nghĩ xấu về ai, đừng hại ai dù người đó có xấu với mình. Không phải tôi tin mình sẽ giàu, mà tin sẽ làm được việc có ích.
Tôi không mù quáng, càng không phải là người đi thắp hương cầu xin một điều gì cho cá nhân. Nhưng tôi tin có con người, có vũ trụ, và còn rất nhiều điều mà con người chưa biết tới. Và con người không có quyền khi chưa biết nó mà lại phỉ báng hay chà đạp. Ở đây sẽ có đền thờ đất nước, đền thờ tổ nghề. Biểu tượng mang hình quả trứng vừa là lá sen kia chính là hình ảnh về lịch sử, đời sống tâm linh của đất nước mà chúng tôi muốn gửi gắm qua Một thoáng Việt Nam.
Làm văn hóa là phải đương đầu thôi, bởi định hình về văn hóa Việt tương đối phức tạp, bối cảnh xã hội đang không thuận lợi cho người kinh doanh văn hóa.
____
Chị vừa là một nhà nghiên cứu, một nhà văn hóa, lại vừa là một nông dân rất lành nghề? Chị nghĩ gì về những người trẻ tuổi đang kế cận bên mình, để tạo nên sự kế thừa hiện đại bên trong những giá trị truyền thống?
Ở trong rừng thì ai cũng phải biết đủ thứ, biết cày cuốc, biết cất nhà, chặt tre, viết lách. Biết vì mọi người thì sống không bao giờ sai. Công trình này đi tiếp bước đường mà chúng tôi đã đi ngày xưa, với một thế hệ trẻ có ăn có học hơn tôi, nhưng vẫn cần một bầu nhiệt huyết như thế, biết sống đẹp và biết hy sinh như thế. Biết làm ra tiền và biết sử dụng đồng tiền có ích là nội dung sống rất nhân văn.
Tôi chấp nhận cuộc chơi, vì mình là người đi trước.
Làm văn hóa là phải đương đầu thôi, bởi định hình về văn hóa Việt tương đối phức tạp, bối cảnh xã hội đang không thuận lợi cho người kinh doanh văn hóa. Mỗi người làm một cách, có như thế mới có thể hợp sức thành một nền tảng văn hóa cho thế kỷ XXI. Tôi thích làm việc với người trẻ, vì tôi cần học ở họ. Một lớp người sống, thở không khí của một thời đại khác đương nhiên có một năng lượng khác mà mình không có. Nhiều người cứ xót xa nóng ruột sao tôi làm chậm thế.
Thực ra tôi đang nghĩ, mà nghĩ chưa ra. Một làng nghề mang khái niệm hơi mông lung, không mô phỏng khuôn mẫu, phải suy nghĩ đến tận cùng. Trước đây tôi tự tin hơn, nhưng bước qua thế kỷ XXI rồi, tôi tự nhiên giật mình. Tôi tự đặt lại dấu hỏi tôi đang đứng ở đâu trong thời điểm này? Tại sao lại phải làm cái đình bằng gỗ? Vì gỗ chỉ ba trăm năm là tiêu. Tại sao lại không làm bằng đá? Tuổi thọ của đá cả ngàn năm.
Chùa Thầy, Đình Bảng bây giờ đã phải vá víu rất nhiều. Vả lại người xây đình bây giờ là tôi, là các em đang sống trong thế kỷ này cơ mà… Tôi đã đi hỏi tất cả các nhà văn hóa, các chuyên gia hàng đầu, nhưng vẫn chưa có câu trả lời… Mỗi ngày sống ở đây là bằng một ngày học ở trường đại học, và tôi cảm ơn những thất bại.
____
Chị có thể nói một chút về cuộc sống riêng tư?
Ngày tôi bán nhà để trang trải nợ nần, về đây phải ngủ ngoài trời suốt ba tháng dưới một tấm bạt, sau đó mới dựng tạm căn nhà nhỏ này… Niềm vui của tôi là đọc sách, xem các chương trình truyền hình nước ngoài, tôi rất dễ khóc khi thấy người ta cư xử với nhau quá đẹp, quá tốt trên phim, nhưng lại không bao giờ xem được phim ác.
Tôi phải đấu tranh rất nhiều mới có thể xem được trọn vẹn Spactacut, vì nếu không chấp nhận cái ác là hèn. Nhưng phải lý giải trong đầu rằng đó là hai mặt của cuộc sống, mà chỉ riêng giải quyết cái đó thôi cũng không phải dễ, nên cứ đến đoạn giết nhau là tôi… nhắm mắt. “Dỏm” lắm em à, không phải hay đâu. Khổ mấy tôi cũng chịu được, nhưng gặp người ác thì tôi sợ lắm, phải tránh đi. Mình nhát đòn lắm, cho nên chưa tu được, người tu là người phải biết chấp nhận, nhìn thẳng vào cái ác.
Đọc báo thấy động lắc, thấy người ta giết nhau chỉ vì tiền, tôi thấy chính đồng tiền đang làm sa đọa con người. Đất nước mình trước đây sống rất trong trắng, muốn chống lại lực hút của đồng tiền, phải bắt đầu từ nền tảng gia đình, nhưng gia đình không chưa đủ, mà phải là nền tảng cả xã hội, cả đất nước.
____
Theo chị, văn hóa có phải là “cái thắng” tốt nhất để có thể gìn giữ những giá trị nhân văn?
… Tôi nghĩ sức sống dân tộc là từ nền tảng văn hóa. Con người sống cần tiền, nhưng một dân tộc sống cần nền tảng văn hóa, nếu không chỉ là một tập hợp của những người có tiền có của lại với nhau. Quá khứ văn hóa làm nên gia đình Việt, con người Việt, lễ giáo Việt. Không người Việt nào không biết rằng mình có sự tích trăm trứng, có vua Hùng, có Trần Hưng Đạo, có Lê Lợi, có cụ Hồ, đó là văn hóa của mình, là mối dây ràng buộc cộng đồng.
Tôi biết châu Âu rất giữ gìn nền tảng văn hóa từng nước của họ, đồng tiền có thể đồng nhất, nhưng văn hóa thì không thể đồng nhất được, mà trái lại càng được củng cố hơn. Tôi thấy qua truyền hình, Nhà nước Pháp đã trả lại những lâu đài cho từng dòng tộc để người dân gìn giữ. Tôi qua Hàn Quốc và phục lăn, hy sinh của họ rất rõ, lúc khủng hoảng người dân Hàn Quốc sẵn sàng tuột vàng ra cho đất nước…
Trong tình yêu, tôi là người quá cực đoan, và bây giờ tôi đang phấn đấu để đi về điểm giữa, nhưng không phải lúc nào cũng được.
____
Nhìn chị hơi giống nhà bác học Marie Curie, cũng nét thông thái hơi khắc khổ và mái tóc bồng… chị có yêu như Marie Curie đã từng yêu?
Một thoáng Việt Nam cũng làm cho con người tôi sống tốt hơn, biết điều hơn.
Ngày xưa, cuốn sách gối đầu giường của tôi là Marie Curie và Ruồi trâu. Tôi thích con người sống rất đời như thế, yêu thì nói yêu. Tôi thường nói với bạn bè: “Nếu có tình yêu, hãy yêu như Pierre và Marie Curie”. Bao giờ tôi cũng nghĩ về tình yêu đẹp như vậy, và khi người đàn ông mà không được như thế là tôi bứt ngay. Tôi chơi với bạn cũng tới cùng và luôn đòi hỏi tình yêu những điều không thể (cười).
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn khi người chồng mất, Marie Curie ngồi cắt từng đoạn chiếc áo của chồng và đốt… rồi những chia sẻ với nhau từ lúc nghèo nàn để lấy ra được chất phóng xạ Uranium… Tình yêu ấy đẹp cực kỳ, lãng mạn cực kỳ, nó làm người ta thăng hoa… Chứ yêu mà đạp người ta xuống thì tôi không chơi. Có lẽ vì tôi lãng mạn quá nên giờ vẫn một mình.
Trong tình yêu, tôi là người quá cực đoan, và bây giờ tôi đang phấn đấu để đi về điểm giữa, nhưng không phải lúc nào cũng được. Trước đây tôi hay cự cãi, cái gì cũng thấy chướng mắt, nhưng giờ tôi ít nói nhiều rồi, hãy chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, và lẳng lặng làm, cố gắng xây dựng, trừ một vài trường hợp vì trách nhiệm phải nói thôi. Nhưng tôi vẫn nghĩ đã sống với nhau, hãy sống cho đẹp.
____
… Kể cả trong kinh doanh?
Tôi đã từng kinh doanh đẹp. Hai phần ba đường hoa Nguyễn Huệ năm đầu tiên là do tụi tôi làm, và lỗ sặc máu vài trăm triệu trong lúc đang nghèo như thế, nhưng chẳng ai biết tới. Suốt cả tuần tập thể tụi tôi ăn dầm nằm dề ngoài đường hoa mà không một ai tới nói lời cảm ơn. Người ta cố tình giấu, nhưng Một thoáng Việt Nam chấp nhận không cần ai biết tới mình, miễn là làm được một con đường đẹp, đầy hương sắc cho bà con ăn Tết.
Làm hàng cũng vậy, thà làm lỗ, nhưng không làm ẩu, làm xấu. Một thoáng Việt Nam làm hư thà làm lại, thà chết bỏ, không chơi trò “ăn gian”. Để có một cuộc chơi đẹp, chấp nhận hy sinh, chịu mọi oan trái, kể cả bị… đòi nợ. Có điều tối nằm xuống là ngủ ngon lành. Tôi nghĩ những người đang tìm con đường kinh doanh đẹp không phải không có, tất nhiên khó khăn. Làm doanh nhân càng cần đến chữ “đẹp”, vì tương lai xa của đất nước, của con cháu mình nằm trong tay doanh nhân. Đó là quan điểm và nguyên tắc sống của tôi, để mỗi lần nói mà không bị giật mình, không bị mắc cỡ. Thế thôi, cần gì nữa đâu.
____
Vậy khi nào chị có thể khai trương trở lại Một thoáng Việt Nam?
Điều này còn tùy thuộc vào rất nhiều thứ. Một là theo thông tin tôi được biết, thành phố đã quyết định cho tôi vay theo chương trình kích cầu. Nhưng từ lúc quyết định cho đến lúc lấy được tiền ra chưa biết bao lâu. Có lấy được tiền ra thì mới có thể nói ngày mở cửa. Có thể nghèo thêm một chút, chín chắn hơn một chút, nhưng công trình sẽ xứng đáng hơn. Vấn đề là tôi không biết lính tráng tôi có thể cầm cự đến lúc nào.
____
Nếu như có một điều ước, chị sẽ ước gì?
Có đủ tiền để làm Một thoáng Việt Nam, sớm giờ nào, hay giờ đó.