Cuộc đời của họa sĩ, nghệ sĩ thị giác George Burchett thật kỳ lạ: là con trai một nhà báo nổi tiếng người Úc nhưng ông lại sinh ra tại Hà Nội; sau khi sống nhiều năm ở Nga, Bulgaria, Pháp, Campuchia ông mới được chính thức công nhận quyền công dân ở quê nhà. Bây giờ thì Hà Nội là nơi ông sống và vẽ.
Thân phụ George Burchett là nhà báo cánh tả Wilfred Burchett (1911-1983), người từng viết tường thuật về Thế chiến II cho báo chí Anh, là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tại Hiroshima không lâu sau khi thành phố này bị Mỹ ném bom hạt nhân, cũng là một trong vài phóng viên phương Tây từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh đã qua. Trong sự nghiệp báo chí dài lâu của mình, Wilfred Burchett đặc biệt gắn bó với Việt Nam và có mối quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sống và vẽ tại Hà Nội
George Burchett sinh ra tại Hà Nội khi thân phụ ông sống tại thành phố này vào thời chiến tranh chống Mỹ và lấy người vợ thứ hai – một phụ nữ Bulgaria. Từ năm 1957, ông theo cha mẹ đến với nhiều đất nước khác nhau, những nơi nhà báo Wilfred Burchett phải sống lưu vong vì không được Chính phủ Úc cấp lại hộ chiếu đã mất, do ông bị coi là “kẻ phản bội” đất nước bởi có quan điểm chính trị đi ngược lại với chính phủ tại Úc thời đó. Sau khi được công nhận lại quyền công dân Úc, George Burchett đã trở về quê nhà làm việc nhưng rồi đã có một bước ngoặt trong đời ông, đó là vào năm 2006, sau gần nửa thế kỷ xa Hà Nội, George Burchett mới có cơ hội trở lại Việt Nam khi được mời dự buổi chiếu ra mắt một bộ phim tài liệu nói về thân phụ ông của điện ảnh Việt Nam. Kế đó là một cuộc triển lãm lớn về Wilfred Burchett. Chính từ lúc đó, ông đã quyết định phải trở lại Hà Nội. Từ năm 2011, George Burchett sống và sáng tác tại làng cổ Nghi Tàm bên bờ hồ Tây.
Nhìn lại những gì George Burchett đã vẽ và đã triển lãm, dễ nhận thấy Hà Nội và cuộc sống thường nhật đa dạng của thành phố này là chủ đề thường trực trong những ký họa đầy ngẫu hứng của ông, trong tranh in lưới và tranh vẽ bằng mực trên giấy dó truyền thống của người Việt cũng như trong cách ông sử dụng công nghệ mới trên iPhone, iPad để thể hiện những cảm xúc, những ghi nhận tức thời của mình về cảnh và người (iArt). George Burchett cũng vẽ những ký họa thời chiến tranh theo cách nhìn của mình: những cô dân quân thời chiến, những xe đạp thồ chở lương thực, vật dụng phục vụ chiến đấu… Tháng 10-2012, khi đến lưu trú sáng tác tại Bảo tàng văn hóa Mường tại Hòa Bình, George Burchett đã vẽ hàng loạt ký họa về đời sống, phong cảnh và con người bản địa, bên cạnh đó là những tranh khổ lớn màu sắc và hình ảnh sinh động về ngựa, loài gia súc thân thuộc và là phương tiện vận chuyển của đồng bào Mường (hiện tranh được lưu giữ tại Bảo tàng văn hóa Mường)…
Triển lãm mới nhất của George Burchett được tổ chức vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 tại gallery SLOT ở Sydney; trong triển lãm cá nhân lần thứ năm tại thành phố này, tác phẩm của người nghệ sĩ tha hương lấy cảm hứng từ chính người cha quá cố của ông. Hình ảnh một người đàn ông đội nón lá trong những bức tranh in lưới trên giấy dó được lấy từ chính ảnh chụp nhà báo Wilfred Burchett đội chiếc nón lá trong những năm chiến tranh. Hình ảnh ấy được lặp đi lặp lại qua các bức tranh mang ý nghĩa biểu tượng của sự kiên trì và bền bỉ của Wilfred Burchett khi đứng về phía Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Chiếc nón lá của phụ nữ Việt Nam cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng được George Burchett sử dụng nhiều trong các sáng tác của ông.
“Tôi đang về lại nhà mình”
Andre Vltchek – bạn thân của George Burchett – là một nhà văn, nhà báo chuyên viết điều tra và còn là nhà làm phim người Nga. Giống như bậc tiền bối Wilfred Burchett, nhà báo Andre Vltchek đã có mặt tại nhiều điểm nóng chiến tranh và các cuộc xung đột đẫm máu tại nhiều quốc gia. Sau nhiều năm bôn ba ở châu Úc, châu Mỹ Latinh, Vltchek nay thường xuyên cư trú và làm việc tại các nước châu Phi và vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam. Cách đây ba năm, trên trang mạng Counterpunch, Vltchek đã có một bài viết dài về George Burchett, qua đó đề cập lý do người nghệ sĩ Úc đã chọn Việt Nam làm quê hương thực sự của mình. Bài viết có đoạn:
“Wilfred yêu Hà Nội”. George thường nhắc đến cha của ông bằng cái tên Wilfred. “Nhưng bất cứ nơi nào chúng tôi đến sống, cha tôi không bao giờ trụ lại lâu. Ông luôn luôn dịch chuyển. Ông đến rồi đi. Ông đã viết thật đẹp đẽ về Hà Nội, đặc biệt là trong cuốn sách Bắc Việt Nam. Cách ông viết không phải lúc nào cũng nên thơ… tuy nhiên cứ nhìn những bức ảnh ông chụp Hà Nội thì thật là trữ tình… Nhưng đó là Hà Nội vào năm 1966”. Bây giờ thì chúng tôi đang ngồi ở Hà Nội của năm 2012, ở một trong những quán cà phê tao nhã và nghệ sĩ tính… với những bức tường được trang trí bằng tranh… “Tất nhiên sự vật đã thay đổi, thế nhưng thành phố này vẫn đẹp và bản sắc của nó vẫn còn đây. Lúc này tôi muốn đem trở lại cái thực tại (của Hà Nội) đã được cha tôi tường thuật và kết hợp nó với những gì hiện đang tồn tại”, George nói. “Tôi trở lại Hà Nội năm 2011 để tổ chức một cuộc triển lãm cho cha tôi tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là một sự kiện lớn. Kết thúc triển lãm, tôi được Chủ tịch nước Việt Nam tiếp và ông nói với tôi rằng tôi luôn được chào đón tại đất nước này”.
Chính những lời của vị lãnh đạo Việt Nam đã khiến George Burchett có một quyết định ngoạn mục đối với cuộc đời mình, như ông nói: “Tôi đang trở lại”, hay nói cách khác “Tôi đang về lại nhà mình”. Hẳn là, như Andre Vltchek viết, George đã luôn mang trong trái tim của ông hình ảnh Việt Nam và Hà Nội từ nhiều thập niên đã qua. Khi nói về những người dân Việt nữ cũng như nam, ông đều dùng từ “đồng bào tôi”. Hiện George Burchett sống với vợ ông, bà Ilza, người Bulgaria cũng là một họa sĩ và con trai Graham.
Sinh ở Hà Nội năm 1955. Từng sống ở Moscow, Phnom Penh, Paris, Sofia
Định cư ở Úc từ năm 1985. Sống và làm việc tại Hà Nội từ 2012 đến nay
1974 học vẽ ở Paris. 1974-1979 học hội họa và bích họa tại Đại học Mỹ thuật Sofia (Bulgaria), tốt nghiệp với bằng thạc sĩ
1979-1984: Sống và vẽ ở Sofia và Paris (triển lãm tranh hội họa, tranh tường, minh họa sách)
1985: Cố vấn nghệ thuật cho cộng đồng thổ dân Aboriginal ở Arnhem Land, lãnh thổ phía bắc Úc
Đã có các triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tại Sydney, Canberra, Thượng Hải, Hà Nội. Có tranh trong các bộ sưu tập ở Việt Nam, Úc, Bulgaria, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hongkong, Trung Quốc…
- Phạm Đán Bình