“Khi Uyên Lưu – đầu bếp, blogger và người sáng lập nhà hàng – mời bạn dùng bữa trưa, bạn hãy đến với cái bụng đói meo. Lúc bước lên cầu thang vào nhà bếp của cô ấy, chúng tôi nghe ngào ngạt hương thơm thảo mộc và mùi nước dùng đang sôi lục bục trên bếp. “Tôi muốn đem đến cho các bạn khái niệm về cách nấu ăn đích thực của người Việt Nam”, Uyên Lưu nói”.
Trên tờ nhật báo The Observer số ra ngày 16-3-2014, Shahesta Shaitly đã mở đầu bài viết (tựa Uyên Lưu: ẩm thực Việt Nam gần như là sự thăng hoa cảm xúc) như thế về một phụ nữ người Việt đã nổi tiếng trong làng ẩm thực xứ sương mù những năm gần đây với những món ăn đặc trưng Việt Nam do chính cô chế biến.
Uyên Lưu đến nước Anh năm 1983 cùng mẹ và em trai khi cô mới lên năm tuổi; từ ngày đó đến nay cô sống chủ yếu ở khu Hackney của London. Lớn lên, Uyên Lưu theo học về nghệ thuật làm phim điện ảnh và phim video tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Central Saint Martins, sau đó cô mở một công ty thiết kế thời trang nho nhỏ đồng thời quản lý một cửa hàng thời trang ở London. Đến năm 2009, cô buộc phải rời bỏ công việc vì không chịu nổi chi phí quá nặng, dẫn tới nợ nần.
Các nguyên tắc bếp núc của người mẹ
Cho tới lúc đó Uyên Lưu cũng chưa nghĩ đến nghềẩm thực dù mẹ cô nấu ăn rất tuyệt. Và rồi cô được gặp đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver(1). “Chúng tôi gặp nhau lần đầu khi Jamie Oliver và tôi cùng làm một bộ phim; lúc đó tôi đã trình bày với Oliver những nguyên lý cơ bản vềẩm thực Việt ngay tại nhà tôi, kể cả cách nấu phở và làm món gỏi cuốn. (Sau này) Oliver còn nấu ăn cho khách tại câu lạc bộẩm thực của tôi, cùng dự những bữa ăn tối với chúng tôi tại câu lạc bộ. Chính điều đó đã thôi thúc tôi tổ chức lớp dạy nấu ăn Việt Nam, cho tới nay là lớp học duy nhất loại này tại Anh; ở đó cứ mỗi khóa học tôi hướng dẫn cho các học viên cách chế biến tới mười món ăn Việt Nam”.
Uyên Lưu đã tìm thấy chính mình, sự nghiệp đích thực của mình khi hướng dẫn cho Jamie Oliver cách làm món gỏi cuốn trong một chương trình dạy nấu ăn của Oliver trên màn ảnh nhỏ. Cùng thời gian ấy, cô thường nấu ăn cho bè bạn thưởng thức: “Tất cả bạn bè đến đây còn tôi thì nấu ăn. Và tất cả đều bảo rằng tôi nên thử sức mình trong ngành ẩm thực”.
Và quả là khó tin khi chỉ cách đây sáu năm Uyên Lưu còn chưa biết gì về bếp núc, nói chi tới nghệ thuật ẩm thực Việt. “Năm đó (2009), tôi nấu khá nhiều món Ý bởi cho tới lúc tôi trưởng thành thì má tôi chưa bao giờ cho phép tôi vào bếp”, Uyên Lưu kể. Chưa hết, mẹ cô còn rất nghiêm ngặt với chế độ ăn uống kiêng khem của các con. Nhưng rồi cô đã thuyết phục được mẹ dạy cô nấu nướng. Chỉ sau vài năm, từ một kẻ “ngoại đạo” với lĩnh vực bếp núc, Uyên Lưu đã thành danh trong nghềẩm thực tại London.
Song chỉ tới khi cảm thấy mình đã đạt được các tiêu chuẩn nấu ăn như của mẹ cô, thì Uyên Lưu mới dám mở câu lạc bộ Love, Leluu ở ngay nhà của cô. “Một khi bạn hiểu rõ các nguyên tắc: làm thế nào để cân bằng mặn, ngọt và chua cũng như nấu nướng (món ăn) ra sao, lúc đó thật dễ dàng để nắm vững các nguyên tắc ấy”.
Trong tình hình các nhà hàng quán ăn Việt Nam đang rộ lên tại Anh hiện nay, Uyên Lưu không khỏi băn khoăn khi món ăn Việt đang bị biến dạng. Theo cô, ẩm thực Việt rất chính xác, kỹ lưỡng về nguyên vật liệu cũng như công thức chế biến. Chẳng hạn, món phở sẽ hỏng nếu dùng không đúng loại bánh phở hay các loại thảo mộc gia vị. Uyên Lưu cũng cho rằng món ăn tác động tới cảm xúc. Trong văn hóa Việt, cô cho biết, ăn uống gần như là sự thăng hoa cảm xúc: “Với tôi, nấu ăn tràn đầy cảm xúc, nó gắn bó với lịch sử gia đình tôi và nó đem mọi người đến gần nhau”.
Hướng dẫn ẩm thực Việt cho người Anh
Những người dân London yêu thích ẩm thực Việt đã bỏ ra 95 bảng để dự khóa học tại nhà của Uyên Lưu. Ở đó, họ được cô hướng dẫn chế biến mười món gồm: phở, bò nướng lá lốt, gỏi cuốn, bánh xèo, gà xé phay bóp rau răm, cá mú chưng tương, canh đậu hũ nấu cải xanh và gừng, thịt kho nước dừa, rau muống xào, chuối chiên. Các học viên được truyền đạt những gia vị căn bản trong ẩm thực Việt, sự cân bằng âm – dương trong từng món ăn và được biết về các món ăn điển hình trong bữa điểm tâm, bữa trưa, bữa chiều của người Việt.
Nếu muốn, họ có thể cùng Uyên Lưu đi chợ tại các siêu thị chuyên bán thực phẩm và gia vị Việt tại London để biết loại thực phẩm và gia vị nào được cô chọn làm món ăn. Lớp học của cô được đông đảo cư dân London biết đến khi đầu bếp lừng danh Raymond Blanc(2) đến thăm để thực hiện một chương trình truyền hình. Cũng chính Raymond Blancđã viết giới thiệu cho cuốn sách đầu tiên của Uyên Lưu – Căn bếp Việt của tôi (My Vietnamese Kitchen – NXB Ryland Peters & Small), được phát hành tại Anh và tại Mỹ vào tháng 10-2013: “Uyên Lưu kể cho chúng ta thật chính xác các thành phần nào cần thiết cho các món ăn Việt Nam bằng kinh nghiệm đáng tin cậy nhất của cô (và chúng ta có thể cảm ơn, biết ơn những người Việt Nam nhập cư đã sống tại đây cũng như rất nhiều người Việt nhập cư khác đang sống trên đất nước Anh).
Thế nhưng Uyên Lưu không phải là người ồn ào: thậm chí cô còn đưa ra một công thức khá hài hước về món spaghetti của xứ Bologna (Ý), khi cho vào món ăn đó một chút nước mắm – mà bạn phải xem kỹ mới thấy – đem đến một sự pha trộn Việt Nam tinh vi… Thật tuyệt hảo”.
Còn đây là những ngợi ca của một tài năng ẩm thực khác khi đến dùng bữa tối tại câu lạc bộ Love – Leluu: “Tối qua tôi đã có một bữa ăn Việt Nam tuyệt vời tại một câu lạc bộẩm thực đáng yêu nằm khuất ở Đông London. Cảm ơn Love Leluu. Món cháo cá mú ăn kèm với rau cải xanh và gừng quá tuyệt! Rồi món phở hảo hạng, món salad rau củ trộn dầu giấm kỳ diệu, và món gỏi cuốn Sài Gòn quá ít!!!” (Jamie Oliver).
Thật ra, ngoài chuyện bếp núc, Uyên Lưu vẫn dính dáng tới những công việc nghệ thuật mà cô được đào tạo ở đại học: làm stylist (tạo phong cách) cho các món ăn trên truyền hình và các ấn phẩm cũng như thường có mặt trong các chương trình truyền hình của Raymond Blanc và Jamie Oliver, qua đó cô nói về những bí quyết của ẩm thực truyền thống Việt. Cần nói thêm, trước khi trở thành một chuyên gia ẩm thực thì vào năm 2001 Uyên Lưu đã nhận được một giải thưởng về phim tài liệu của Hội đồng Anh. Bộ phim có tên là Phở. Uyên Lưu đang làm việc với nhiều dự án phim khác.
(1) Sinh năm 1975, Jamie Oliver là đầu bếp, người quản lý nhà hàng và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng với những chương trình dạy nấu ăn qua truyền hình, sách hướng dẫn ẩm thực và những chiến dịch nhằm cải thiện ẩm thực trong các trường học cũng như trong gia đình tại Anh. Chương trình truyền hình Naked Chef (Đầu bếp không giấu nghề) đã mang đến một làn gió mới và truyền cảm hứng nấu ăn cho công chúng Anh, sau đó được phát sóng trên truyền hình Mỹ vào năm 1999. Cuốn sách cùng tên được xuất bản năm đó, trở thành sách bán chạy nhất.
(2) Đầu bếp người Pháp, sinh năm 1949, là một trong những chuyên gia ẩm thực được kính trọng bậc nhất tại Anh dù là người tự học nghề bếp núc. Nhà hàng Le Manoir aux Quat’ Saisons của ông ở Oxfordshire được phong hai sao Michelin còn Raymond Blanc được phong tước hiệp sĩ của Hoàng gia Anh.