Cuộc chiến về đất hiếm đã thực sự diễn ra khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 13-3 vừa qua, trong đó cáo buộc Bắc Kinh cố tình hạn chế xuất khẩu đất hiếm nhằm hạ giá loại khoáng sản này ở trong nước, tăng giá xuất khẩu và buộc các hãng sản xuất quốc tế phải chuyển hoạt động đến Trung Quốc. Điều này khiến các công ty nước ngoài từ Mỹ, châu Âu, Nhật phải mua đất hiếm với giá quá cao dẫn đến hậu quả là các sản phẩm công nghệ cao mất lợi thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm của các công ty Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama khẳng định đây là một hình thức cạnh tranh không công bằng và nhấn mạnh Trung Quốc cần phải tuân thủ đúng Luật Thương mại quốc tế.
Một số mẫu đất hiếm
Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht cũng nhận xét, chính sách của Trung Quốc đã làm tổn thương các ngành công nghệ cao của châu Âu.
Giới chuyên gia thương mại phương Tây thì cho rằng Trung Quốc đang sử dụng đất hiếm như là một vũ khí kinh tế – chính trị khiến cả Mỹ, Nhật và EU phải đau đầu.
Theo báo Wall Street Journal, năm 2011 Bắc Kinh đã đặt hạn ngạch xuất khẩu 33.353 tấn đất hiếm, nhưng rồi chỉ xuất khẩu 18.586 tấn. Sang năm 2012 thì hạn ngạch rút xuống chỉ còn 30.000 tấn. Chính vị thế gần như độc quyền về đất hiếm đã cho phép Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường này, điển hình là đẩy giá xuất khẩu đất hiếm tăng trung bình 300% kể từ năm 2008.
Tất nhiên Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc này qua tuyên bố mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao: “Những cáo buộc nhắm vào các chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc là vô lý. Nhu cầu thế giới chỉ bằng 50% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc năm 2011”. Trung Quốc cũng khẳng định đã tuân thủ đúng luật WTO và biện minh rằng chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm là nhằm bảo vệ môi trường, lý do là các mỏ khai thác và tinh lọc đất hiếm tiêu tốn nhiều axit và thải ra môi trường phóng xạ có nồng độ thấp.
Theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc có 10 ngày để phản ứng với WTO về cáo buộc trên và có 60 ngày để thương thuyết với Mỹ, EU và Nhật. Nếu đàm phán không thành, Mỹ sẽ yêu cầu WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để phân xử. Khi ấy sự việc được nâng lên thành một vụ kiện, có thể kéo dài hai năm nếu Bắc Kinh kháng án.
Vụ kiện nói trên rõ ràng phản ánh những căng thẳng thương mại đang ngày một tăng lên giữa Trung Quốc và phương Tây.
Đất hiếm – Một vũ khí lợi hại
Đất hiếm, được phát hiện từ thế kỷ XVIII, bao gồm 17 loại khoáng sản (như lanthane, néodyme, dysprosium, thulium, tungstene, molybdène, cérium, lithium…) cần cho các ngành công nghệ.
Mỏ đất hiếmtạiMountainPass, nằm tại sa mạc Mojave củaCalifornia
Trữ lượng đất hiếm được phân bố đồng đều giữa các đại lục. Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát địa lý của Mỹ năm 2007, Trung Quốc có nguồn dự trữ đất hiếm nhiều nhất thế giới với 37%, Mỹ chiếm 13%, Nga 22% và Úc khoảng 5%.
Những năm đầu thập niên 1980, sản lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc là không đáng kể, bởi khi đó Mỹ đang cung ứng một phần ba sản lượng đất hiếm cho thị trường thế giới.
Trước khi dysprosium và thulium trở thành những loại khoáng sản chiến lược cho ngành công nghiệp mũi nhọn thì vào giữa những năm 1990, Trung Quốc đã tăng sản lượng đất hiếm nhờ hạ thấp giá thành và chấp nhận những tác hại về nhiễm xạ từ việc khai thác tài nguyên quý này.
Do không cạnh tranh nổi với Trung Quốc, Mỹ và cả các nước khác phải lần lượt đóng cửa các mỏ khai thác đất hiếm, trong đó có Malaysia đã đóng cửa mỏ khai thác đất hiếm vào năm 1992.
Hai năm trước đây khi quan hệ với Nhật căng thẳng vì sự kiện tranh chấp quần đảo Senkaku (Điểu Ngư), Trung Quốc dùng ngay lá bài đất hiếm để dằn mặt khiến Nhật lo lắng vì đang phải nhập đến 97% đất hiếm từ Trung Quốc.
Năm 2009, Trung Quốc còn dọa ngưng xuất khẩu ra thị trường thế giới 5 trong 17 loại đất hiếm.
Tháng 9-2010, một bài báo trên China Business Times đã khẳng định đất hiếm là “lá bài cực mạnh mà Trung Quốc có thể dùng trong các cuộc đàm phán tương lai với thế giới”. Thật ra điều này từng được ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố trong hai thập niên trước đây rằng “Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm”.