Vũ khí đất hiếm lợi hại vì được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Chúng có mặt trong những chiếc iPhone, ổ cứng máy tính, tivi màn hình phẳng, đèn tiết kiệm năng lượng, laptop, thiết bị không gian, cáp quang, hạt nhân, công nghiệp xe hơi, thiết bị công nghệ xanh… Quan trọng hơn, chúng còn được dùng trong công nghiệp quốc phòng, như hệ thống điều khiển xe tăng, cánh quạt điều khiển của bom thông minh, rađa của hải quân, vệ tinh, thiết bị nhìn xuyên đêm…
Công nhân khai thác đất hiếm tại Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc
Mỗi năm, khoảng 130.000 tấn đất hiếm được sản xuất khắp thế giới và nhu cầu ngày càng tăng. Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, con số này có thể lên đến 200.000 tấn/năm kể từ năm 2014.
Sự khống chế nguồn xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc bắt đầu khiến giá tăng vọt. Giá mỗi loại đất hiếm tăng từ 22 đến 720%, cụ thể cerium oxide tăng từ 4,7 USD/kg (giá tháng 4-2010) lên 36 USD/kg (giá tháng 10-2010), neodymium tăng từ 41 USD/kg (tháng 4-2010) lên 92 USD/kg (tháng 10-2010).
Có thể nói, tương lai của các trạm phong điện, xe hơi sạch, siêu bán dẫn, laser… sẽ lệ thuộc rất nhiều vào cuộc chiến thương mại đất hiếm sắp tới.
Thế giới tìm nguồn đất hiếm khác
Đất hiếm thật ra không… hiếm, chẳng qua là vì công nghệ khai thác và xử lý thường đắt cùng với yếu tố rủi ro cao đối với khả năng gây tổn hại môi trường. Do vậy, hầu hết phương Tây lâu nay nhường sân khai thác đất hiếm cho Trung Quốc, nơi mà phí nhân công thấp và luật môi trường lỏng lẻo giúp cho ngành công nghiệp khai thác đất hiếm của Trung Quốc có một ưu thế mà chẳng đối thủ nào địch lại.
Đến khi giá cả tăng cao và mức cầu thế giới tăng vọt, các tập đoàn khai thác khoáng sản thế giới nay đã bắt tay khai thác trở lại.
Mỹ đã rút ra bài học cay đắng khi bỏ rơi công nghiệp khai thác đất hiếm vào thập niên 1990. Năm 2002, mỏ đất hiếm tại Mountain Pass – cách Las Vegas khoảng 50 dặm, nằm tại sa mạc Mojave của California, được khai thác từ những năm 40 của thế kỷ trước – do Molycorp Minerals LLC làm chủ đã đóng cửa sau khi xảy ra vụ rò rỉ ống dẫn làm thoát nguồn nước phóng xạ khiến giới chức địa phương hoãn việc cấp mới giấy phép hoạt động.
Công nhân khai thác đất hiếm ở Trung Quốc lao động vất vả
Vào lúc đỉnh điểm hoạt động hai thập niên trước đây, mỏ Mountain Pass đã sản xuất 20.000 tấn ôxit đất hiếm mỗi năm, đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Mỹ và chiếm giữ một phần ba nhu cầu thế giới. Nhưng khi sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt khiến giá đất hiếm giảm mạnh, Molycorp đã phải cắt giảm sản xuất. Một số kỹ sư Molycorp ngay sau đó đã được Trung Quốc thuê để tham gia việc khai thác đất hiếm ở trong nước.
Nay thì chẳng riêng Mỹ mà nhiều nước cũng bắt đầu tìm nguyên liệu đất hiếm ngoài Trung Quốc.
Molycorp đã bắt đầu khai thác lại tại Mountain Pass và trong tương lai sản lượng của nó có thể cung ứng 40.000 tấn trên tổng nhu cầu 100.000 tấn/năm của thế giới.
Ngoài mỏ Mountain Pass, Mỹ còn có mỏ Lemhi Pass cùng Diamond Creek ở Bắc Idaho và mỏ Bokan ở Nam Alaska… mà gần đây được xác định có trữ lượng đáng kể, từ hệ thống dò tìm của Tập đoàn hàng không Boeing hợp tác với Công ty U.S. Rare Earths Inc.
Great Western Minerals Group củaCanadacũng đã được cấp giấy phép khai thác đất hiếm tại mỏ Steenkampskraal (Nam Phi).
Lynas Corp của Úc đang xây một nhà máy xử lý đất hiếm thô tại Malaysia, trong khi Glencore International AG (Thụy Sĩ) hợp tác với Wings Enterprises (Mỹ) khai thác mỏ đất hiếm tại Pea Ridge thuộc bang Missouri…
Nhật Bản thì hướng tới ViệtNamnhư nguồn cung cấp đất hiếm nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việt Nam và Nhật bắt tay hợp tác khai thác đất hiếm qua tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi cuối năm 2010 sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nhân chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt Nam.
Thủ tướng Naoto Kan khẳng định Nhật Bản sẽ đáp ứng các điều kiện mà Việt Nam đưa ra như hỗ trợ nghiên cứu khả thi dự án liên quan đến đất hiếm, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, sử dụng công nghệ tiên tiến và an toàn ở mức cao nhất, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải, cung cấp nhiên liệu ổn định trong toàn bộ thời gian dự án. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ phía Nhật Bản, hợp tác lâu dài trong ngành công nghiệp khai thác đất hiếm của hai nước sẽ tiến triển tốt đẹp.