Trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến chậm chạp thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và Canada đã tăng lần lượt 11,2% và 36,7% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu được thấy rõ và cụ thể sau ba tháng chính thức có hiệu lực.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý I-2019 đạt 4,62 tỉ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn tính riêng tháng 3-2019, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,68 tỉ USD, tăng mạnh 62,25% so với tháng 2-2019 và tăng 2,71% so với tháng 3-2018. Xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh trong quý I-2019 được cho là nhờ CPTPP.
Theo đó, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, Canada cũng được đánh giá là một trong những thị trường mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong CPTPP.
Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, Canada là thị trường có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Canada đã tăng gấp ba lần từ 1,14 tỉ USD năm 2010 lên 3,85 tỉ USD năm 2018; trong đó Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada, năm 2018 giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỉ USD.
Sự kết nối thương mại giữa Việt Nam – Canada ngày càng được tăng cường thông qua việc tham gia CPTPP. Chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) phân tích, dệt may và da giày là hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực; trong đó mức thuế nhập khẩu hàng dệt may được giảm từ 16 – 17% xuống còn 0% theo lộ trình bốn năm; da giày được giảm thuế từ 18% xuống còn 0% trong lộ trình 7-11 năm.
Với một số mã sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP có thể được xem xét xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay tại thời điểm hiện tại.
Mức chênh lệch khá cao về thuế suất nhập khẩu sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu hàng dệt may và da giày vào Canada thời gian tới.
Một ngành hàng khác cũng có nhiều dư địa để hợp tác với Canada là chế biến, xuất khẩu gỗ. Theo đó, Việt Nam và Canada có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau trong quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Cụ thể, Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Canada phục vụ ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh sang Canada.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực từ đầu năm đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chúng ta, thế nhưng cần thiết phải bổ sung và điều chỉnh một số luật lệ để tạo sự tương thích và phù hợp tập quán làm ăn với các nước thành viên khác.
Mới đây, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra, kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.
Nhiều vấn đề chưa phù hợp với điều kiện áp dụng, quy định pháp luật hiện hành, cũng như chưa tương thích với cam kết trong CPTPP liên quan đến kinh doanh bảo hiểm, sở hữu trí tuệ được nêu ra cụ thể và thuyết phục.
Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan liên quan, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn về tính pháp lý cho quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, không chỉ quan tâm đến các cam kết trong CPTPP, mà đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cái nhìn toàn diện, soi chiếu với các cam kết quốc tế khác mà nước ta đã và sẽ tham gia.
Có như vậy mới tạo sự thống nhất, thuận lợi cho Việt Nam trong triển khai áp dụng. Theo ý kiến của Quốc hội, khi sửa đổi hai luật này có tính tới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đang đàm phán, ký kết, hoặc sắp tiến hành đàm phán trong thời gian tới.
Giải trình về những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, các cam kết trong CPTPP tương đồng với cam kết liên quan của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những cam kết này cũng đang được áp dụng cho tất cả quốc gia thành viên WTO.
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng các chính sách trong dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Do đó, đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự án luật từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua, cơ quan soạn thảo có hình thức phù hợp để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của dự án luật.
Để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là tám luật, trong đó Luật Lao động, Luật Phòng – chống tham nhũng, Luật Tố cáo hiện đã đáp ứng yêu cầu của CPTPP.
Riêng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm còn phải sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với quá trình thực thi hiệp định này.
Trong một diễn biến liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung luật lệ, vào trung tuần tháng 4 Thường trực Chính phủ họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Quy định thanh toán dự án BT đã trải qua nhiều cuộc họp, nhiều lần lấy ý kiến Chính phủ bởi đây là vấn đề khó, có nhiều quy định chồng chéo, lại phải bảo đảm quy định chặt chẽ để chống thất thoát, lãng phí tài sản công.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh việc ách tắc trong triển khai dự án BT. Đây được xem là một khâu chưa được khơi thông trong dòng chảy kinh tế, nếu không tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá và việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất.
Vướng mắc lớn hiện nay là quan điểm đấu giá đất hay thanh toán ngang giá. Việc thực hiện thanh toán ngang giá được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố xác định theo năm phương pháp theo Nghị định 44 năm 2014 về giá đất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công.
Mặt khác, có ý kiến cho rằng, nếu đấu giá đất thì tiền thu được phải đưa vào ngân sách để đầu tư theo Luật Đầu tư công, như vậy, hình thức BT không còn tồn tại.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện Nghị định với tinh thần bảo đảm tính thực tiễn để đi vào cuộc sống, nhằm phát huy tác dụng phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế 2019 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chống tham nhũng, tiêu cực.