Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực giữa tháng 1-2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng sắp có hiệu lực. Thế nhưng cơ hội không dành cho tất cả doanh nghiệp chúng ta bởi vẫn còn những vấn đề nội tại chưa được giải quyết.
Là người quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong phát biểu tuần qua cho biết có tất cả 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương cũng như đa phương mà Việt Nam đã tham gia cũng như đang thảo luận, ký kết. Do vậy chúng ta cần thấy rõ tác động của các hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế để tăng cường thương mại cũng như đầu tư của Việt Nam.
Việt Nam là nước thứ bảy trong số 11 nước thành viên phê chuẩn hiệp định. Quyết định của Việt Nam khi tham gia cùng các nước thảo luận đi đến ký kết CPTPP vì đây là FTA thế hệ mới, có những cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Theo tính toán, CPTPP có thể mang lại tăng trưởng trên 1,3% cho GDP Việt Nam hay xuất khẩu tăng trên 4%, tạo ra công ăn việc làm. Nếu tận dụng được hết những điều khoản hay dòng thuế mà chúng ta được hưởng trong CPTPP thì mới đạt được như vậy. Điều này nói lên rằng, cơ hội trong CPTPP là rõ ràng nhưng thách thức cũng không ít, đặc biệt là khả năng cạnh tranh. Tăng cường khả năng này doanh nghiệp sẽ hưởng được thuận lợi. Thách thức và cơ hội luôn đan xen nhau và một điều luôn luôn đúng là việc biến thách thức thành cơ hội phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.
Với CPTPP, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau ba năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu trong thời gian 5-10 năm.
Theo điều khoản của CPTPP, các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Việt Nam cũng cam kết minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố cũng như Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Các nghĩa vụ của hiệp định chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước vượt ngưỡng doanh thu nhất định. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước có doanh thu hằng năm dưới 16.000 tỉ đồng (vào thời điểm khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỉ đồng (khi hiệp định có hiệu lực được năm năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của hiệp định. Như vậy, với điều khoản này, một loạt các doanh nghiệp đầu ngành thuộc sở hữu nhà nước sẽ phải thay đổi cách thức hoạt động cho phù hợp với cam kết trong CPTPP.
Việt Nam bảo lưu loại trừ khỏi việc thực thi các quy định về doanh nghiệp của hiệp định đối với tất cả các doanh nghiệp công ích, các hoạt động thực hiện các chương trình có ý nghĩa quan trọng chiến lược và các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng – an ninh. Riêng một vài doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an tham gia kinh doanh thông thường trên thị trường và có cạnh tranh với doanh nghiệp thông thường của các nước CPTPP thì vẫn phải tuân thủ cam kết.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải cung cấp thông tin về chính sách trợ cấp, cơ sở pháp lý, lãi suất cho vay khi có yêu cầu của thành viên CPTPP. Theo nhận định của giới chuyên gia, điều khoản này của CPTPP sẽ giảm vai trò của công ty quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng với khối doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng cam kết này của Việt Nam rất phù hợp với định hướng cải cách, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Những lĩnh vực nào Nhà nước không quá chú trọng thì nên chuyển cho tư nhân. Những lĩnh vực nào còn lại, phải làm việc hiệu quả hơn, và hiệu quả này dựa trên nguyên tắc cơ bản là cạnh tranh, minh bạch.
Vị chuyên gia đánh giá cam kết này cơ bản là phù hợp và có đóng góp quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, đàng hoàng cho doanh nghiệp làm ăn và phát triển.
Cho dù đứng trước thách thức của thời kỳ CPTPP, tăng trưởng kinh tế năm 2019 được dự báo đạt 6,93%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%, thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỉ USD. Mức tăng giá tiêu dùng (bình quân năm 2019 so với bình quân năm 2018) là khoảng 3,88%. Dự báo trên đây được Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong điều kiện diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Việt Nam không nên quá lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, bởi cả hai bên đều biết cạnh tranh quyền lực không chỉ nằm ở vấn đề thương mại.
Nhấn mạnh thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô, báo cáo của CIEM cũng nêu nhiều kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô.
Đó là, thường xuyên đánh giá các diễn biến theo chu kỳ của tăng trưởng kinh tế và rủi ro tác động từ môi trường kinh tế bên ngoài năm 2019. Tái khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Không nên quá kỳ vọng vào kịch bản có thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung, vẫn phải chuẩn bị cho trường hợp căng thẳng tiếp diễn để có các ứng phó phù hợp, nhóm nghiên cứu lưu ý.
Về chính sách tiền tệ, kiến nghị của CIEM là sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách về tài chính số (gồm cả ngân hàng số và chứng khoán số) để có biện pháp ứng xử, quản lý phù hợp đối với tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số.
Các tác giả báo cáo cũng khuyến nghị tránh giảm lãi suất cho vay một cách hành chính, nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới. Đồng thời, tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và cải thiện chất lượng nợ xấu. Rà soát hành vi cạnh tranh của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại yếu kém nhằm tránh méo mó đối với diễn biến lãi suất.
Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán…). Đánh giá thấu đáo hơn thực trạng tín dụng tiêu dùng để có chính sách, quy định phù hợp.
Khuyến nghị tiếp theo là tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá. Truyền thông về các đánh giá, kiến nghị liên quan đến chính sách tỷ giá cần được thực hiện rõ ràng, trung tính hơn. Tránh đề ra các mục tiêu “cứng” đối với công tác điều hành tỷ giá.
Nằm trong kiến nghị về chính sách tiền tệ còn có điều hành linh hoạt thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, phát hành trái phiếu chính phủ, phòng ngừa và ứng phó với biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối.