Bắt đầu từ tháng 12.2019 tại Vũ Hán – Trung Quốc và đến bây giờ (cuối 8.2020), COVID-19 đã lan ra 213 quốc gia/vùng lãnh thổ với trên 23 triệu người nhiễm và trên 800 ngàn người chết. Gần một năm thế giới bị dịch bệnh hoành hành, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ngay như nguồn gốc của virus này cũng là điều đang tranh cãi…
_______
Nguồn gốc của virus?
Có một số người cho là tác nhân SARS-COV-2 có nguồn gốc nhân tạo, nghĩa là được tạo ra từ phòng thí nghiệm rồi do sơ ý hay cố ý bị lọt ra bên ngoài. Tuy nhiên giả thiết này đã bị nhiều nhà khoa học bác bỏ vì khi phân tích bộ gene của virus người ta không thấy được bất cứ trình tự nào liên quan đến công nghệ di truyền chứng minh bộ gen của virus là có dấu tích của sự lắp ghép gen.
Vậy thì nguồn gốc thật sự của virus là từ đâu thì cho đến nay vẫn có hai giả thuyết. (i) Một giả thuyết cho là SARS-COVI-2 có nguồn gốc từ dơi vì bộ gen của nó tương đồng đến 96% Coronavirus của dơi. Tuy nhiên khi phân tích về gene chịu trách nhiệm cho protein gai (S=spike protein) là protein giúp cho virus bám vào thụ thể ACE2 trên tế bào biểu mô đường hô hấp người thì người ta lại thấy Coronavirus từ dơi lại không có protein gai có ái lực cao với ACE2. (ii) Một giả thuyết lại cho là SARS-COV-2 có nguồn gốc từ tê tê vì khi phân tích gene liên quan đến protein gai thì thấy Coronavirus của tê tê lại giống với SARS-COV-2 hơn.
Như vậy thì chỉ có một giả thiết có thể cắt nghĩa được, đó là SARS-COV-2 là một Coronavirus được tái tổ hợp tự nhiên từ hai nguồn Coronavirus ở dơi và ở tê tê sau khi xâm nhập vào người hay trước khi xâm nhập vào người tại dơi hoặc tê tê. Tuy nhiên đây mới là giả thiết mà cho đến hiện nay vẫn chưa có một chứng minh khoa học thuyết phục nào.
_______
Sự lây truyền của COVID-19?
Có ba con đường lây truyền của virus SARS-COV-2 gây COVID-19. Con đường thứ nhất là lây qua không khí từ giọt bắn từ người nhiễm bệnh khi ho và hắt hơi. Con đường thứ hai là lây qua tiếp xúc trực tiếp từ người nhiễm sang người lành qua các dụng cụ dùng chung hay tiếp xúc gần. Con đường thứ ba là lây qua các vật liệu trung gian trong môi trường công cộng bị nhiễm virus như tay nắm cửa, cầu thang, ly, chén, muỗng, nĩa…
Cái mà hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác là SARS-COV-2 có lây xa trong không khí hay không? Có những nghiên cứu cho thấy trong môi trường kín có nhiều bệnh nhân COVID-19 thì SARS-COV-2 có thể lây xa đến hơn 4,5m qua con đường khí dung từ bệnh nhân thải ra khi phải thở máy hay thở oxy. Nếu vậy thì SARS-COV-2 hoàn toàn có thể nằm trong những giọt nhỏ chứ không chỉ là giọt bắn kích thước lớn.
Và trong các giọt nhỏ thì SARS-COV-2 có thể lây xa vì các giọt nhỏ có thể bốc hơi rồi lơ lửng trong không khí để gió thổi đi xa. Liệu cơ chế lây lan này có hay không? Nếu không thì tại sao người ta vẫn tìm thấy SARS-COV-2 trên da của người không có tiền sử tiếp xúc bệnh? Đây là một vấn đề mà câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
_______
Ích lợi thật sự của khẩu trang
Hiện nay đa số mọi người đều công nhận ích lợi thật sự của khẩu trang. Rõ ràng là đeo khẩu trang sẽ giúp người mang virus SARS-COV-2 không có triệu chứng (hay chỉ có triệu chứng nhẹ) giảm thiểu được sự lây nhiễm virus ra chung quanh và ra cộng đồng. Khẩu trang sẽ ngăn virus bắn ra bên ngoài khi ho hay hắt hơi.
Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh bảo vệ người đeo khẩu trang khỏi bị lây nhiễm thì cần phải xem lại cách sử dụng khẩu trang có đạt được mục đích này không? Để tránh bị lây nhiễm thì phải đeo khẩu trang cho đúng, tránh chạm tay vào mặt trước của khẩu trang; tránh dùng lại khẩu trang…Những điều này có mấy ai tuân thủ. Đa số dùng khẩu trang khi ra ngoài rồi lại vô tư chạm vào mặt trước để tháo ra cất lại vào túi, rồi dùng lại… Cách dùng khẩu trang như vậy thì chắc chắn không thể bảo vệ mình khỏi bị lây bệnh mà có khi lại làm tăng nguy cơ lây bệnh nữa.
- Xem thêm: Cuộc đua vaccine: Dục tốc bất đạt
Một vấn đề nữa của khẩu trang là rác thải. Không chỉ do người dùng thiếu ý thức thải ra môi trường, mà còn vấn đề làm sao sử lý số lượng khẩu trang đã càng ngày càng nhiều. Đây chính là vấn đề mà cũng rất cần câu trả lời vì hiện đang bị bỏ ngỏ.
_______
Cũng tiếp xúc với nguồn lây, có người bị lây có người không?
Có rất nhiều trường hợp như vậy. Cả nhà cùng tiếp xúc với người bệnh nhưng chỉ hai vợ chồng bị lây trong khi hai con lại không? Ở nơi cách ly dù sống chung phòng nhưng chỉ có một vài người bị lây, tại sao? Có phải người bị lây là do nhiễm một lượng nhiều virus hơn? Vậy thì lượng tối thiểu virus để bị lây là bao nhiêu?
Xét ở tầm quốc gia thì các nhà khoa học cũng nhận xét các quốc gia châu Á bị nhiễm virus thấp hơn, tỷ lệ tử vong thấp hơn Âu, Mỹ. Nhiều người cho rằng những quốc gia còn duy trì việc chủng ngừa BCG (ngừa lao) thì tỷ lệ nhiễm, tử vong thấp hơn những quốc gia đã ngưng chương trình. Song, điều này còn phải chờ các nghiên cứu có bằng chứng thuyết phục.
_______
COVID-19 và miễn dịch cộng đồng
Cứ tưởng nếu kiểm soát chặt nguồn lây thì sẽ ngăn được dịch bệnh và sau đó sẽ phát triển kinh tế bù đắp lại cho nên nhiều quốc gia sau khi thấy các ca nhiễm giảm xuống liền đã nới lỏng kiểm soát để phát triển kinh tế. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh chỉ một thời gian ngắn sau khi nới lỏng cách ly thì làn sóng COVID-19 thứ hai xuất hiện với số ca nhiễm bệnh được ghi nhận tăng lên lại. Thế là lại siết chặt cách ly để kiểm soát nguồn lây. Chắn chắn, nếu nới lỏng cách ly khi số ca nhiễm thấp xuống thì sẽ tiếp tục có làn sóng thứ 3 và thứ 4… Cứ tiếp tục như vậy thì chắc chắn kinh tế của đất nước đó sẽ không thể nào khôi phục được. Kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đi xuống. Chính vì vậy nên hiện nay niềm hy vọng duy nhất để thế giới sớm mở của lại kinh tế chính là vaccine.
Tuy nhiên cho đến ngày có một vaccine đảm bảo hiệu quả và an toàn thì cũng không thể sớm được. Hiện nay người ta đang nhìn lại các quốc gia duy trì chính sách phát triển kinh tế trên hết, tiêu biểu nhất là Thụy Điển. Quốc gia này ngay từ những ngày đầu họ đã chủ trương không đóng cửa các hoạt động công cộng và cộng đồng mà vẫn ưu tiên phát triển kinh tế. Họ phải qua một giai đoạn số ca nhiễm cao, tử vong nhiều, nhưng hiện nay không có làn sóng COVID-19 thứ 2 và tỷ lệ tử vong đang được duy trì mức thấp.
Dĩ nhiên miễn dịch cộng đồng đang chịu rất nhiều chỉ trích vì trong giai đoạn đầu khi COVID-19 nhiễm vào các người có nguy cơ tử vong cao sẽ đẩy tình trạng y tế đến quá tải và số người chết sẽ rất cao.
Có lẽ câu trả lời là phải trung dung trong vấn đề này. Không thể ngăn dịch bằng đóng cửa, bằng ngăn sông cấm chợ. Nhưng phải duy trì việc này tại các nơi xảy ra dịch và cố khu trú nhỏ chừng nào tốt chừng đó. Mặc dù vậy, câu trả lời là có nên để miễn dịch cộng đồng hay không (đặc biệt là hiện nay tại các quốc gia đã có làn sóng thứ nhất quét qua, các cá nhân có nguy cơ tử vong cao đã phần lớn tử vong, dân số còn lại đa số có nguy cơ tử vong rất thấp và COVID-19 đối với họ chẳng qua chỉ như cúm mùa…) vẫn còn bỏ ngỏ vì thật ra đâu có ai dám nói chắc được nên như thế nào?
_______
Vaccine ngừa COVID-19 thế nào là hiệu quả?
Câu hỏi thứ nhất là nhiều phòng thí nghiệm đã cấy được SARS-COV-2, sao không dùng chính những virus này rồi giết chết hay làm yếu đi để làm vaccine? Câu trả lời là SARS-COV-2 là tác nhân nguy hiểm, vì vậy điều kiện nuôi cấy phải là các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3. Mà ở quy mô sản xuất vaccine thì lập phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 cực kỳ tốn kém.
Câu hỏi thứ hai là chúng ta đã biết kháng nguyên kích thích miễn dịch bảo vệ đối với COVID-19 là protein S (gai) thì sao không chế các protein S tái tổ hợp từ vi khuẩn E. coli hay vi khuẩn nào đó để làm vaccine? Câu trả lời là nếu dùng vi khuẩn để làm tế bào chủ tạo protein S tái tổ hợp thì protein S này không thể có cấu trúc kháng nguyên giống nguyên bản và không tạo được miễn dịch. Cho nên phải dùng tế bào động vật làm tế bào chủ. Nếu vậy thì hiệu suất không cao và rất tốn kém (ước tính 2mg giá 4.000 USD).
- Xem thêm: Những đại dịch đã qua và sắp đến
Câu hỏi thứ ba là vaccine RNA của Moderna (Mỹ) thì thế nào? Cái lợi của vaccine này là người ta tổng hợp hoàn toàn các trình tự RNA mã hóa protein S mà không cần dùng tế bào nào làm tế bào chủ. RNA này khi được chích vào người sẽ đi vào tế bào và nhờ tế bào tổng hợp ra các protein S. Cái khó của vaccine này là phải bọc chúng vào các hạt có màng lipid để chúng thấm vào tế bào và phải kiểm soát được độ bền của vaccine cũng như hiệu quả thật sự của nó.
Câu hỏi thứ tư là vaccine của Đại học Oxford sao phải dùng Adenovirus có nguồn gốc từ khỉ? Từ bài học sử dụng Adenovirus type 5 hay type 26 là các Adenovirus gây cảm thường làm vaccine HIV bị thất bại do hai nguyên nhân: (1) nhiều người có kháng thể tự nhiên chống hai type Adenovirus này nên làm mất hiệu quả của vaccine; (2) Adenovirus người mang protein làm vaccine lại kích thích sự tăng sinh tế bào Lympho T4 là đích cho virus HIV nên vô tình làm cho người được chích vaccine có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn.
Vì lý do đó Oxford đã dùng một loại Adenovirus từ khỉ và làm yếu đi để chèn gene sản xuất protein S vào. Virus này sau khi được chích vào người sẽ xâm nhập tế bào và sản sinh protein S. Tuy nhiên vaccine này chỉ được chích một lần để tránh miễn dịch cơ thể chống Adenovirus đã chích trước đó làm mất hiệu quả của lần chích hai. Câu hỏi là liệu có an toàn không khi dùng Adenovirus của khỉ chích cho người?
Câu hỏi thứ năm là vaccine Sputnik của Nga có gì khác biệt? Nga không dùng Adenovirus để tạo ra protein S mà lại dùng Adenovirus làm vector chở đoạn gene mã hóa protein S vào tế bào người rồi tế bào người sẽ sản xuất protein S. Vaccine của Nga dùng hai type Adenovirus mang gene, lần đầu là type 26, lần 2 là type 5 để chuyên chở gene vào tế bào người khi chích. Lý do phải dùng hai type khác nhau là để tránh cơ thể tạo miễn dịch chống Adenovirus chích lần đầu. Hai lần chích cách nhau gần một tháng. Câu hỏi là nếu người đã có kháng thể chống Adenovirus type 5 hay type 26 do trước đó họ đã nhiễm các Adenovirus này rồi thì sao?
Câu hỏi thứ sáu là vaccine của Trung Quốc như thế nào? Sinovac Biotech của Trung Quốc cũng mới vừa được cấp bằng sáng chế về vaccine COVId-19. Vaccin này dùng adenovirus type 5 chèn gen sản xuất protein S để chích vào người. Khi xâm nhập tế bào người thì adenovirus sẽ làm tế bào sản xuất protein kích thích miễn dịch. Tuy nhiễn cũng lại với thắc mắc cần phải trả lời là: (i) Nếu người chích đã có kháng thể chống type 5 thì liệu có hiệu quả không? (ii) có làm tăng nguy cơ nhiễm HIV không vì adenovirus mang protein vaccine sẽ kích thích gia tăng tế bào T4 là đích nhắm cho HIV.
Câu hỏi thứ bảy là tại sao để có vaccine thì phải qua nhiều giai đoạn và tốn thời gia nhiều như vậy? Có thể rút ngắn được không? Đúng là cần tối thiểu ba giai đoạn: Phase I là thử an toàn trên người tình nguyện; Phase II là thử hiệu quả qua đo lường miễn dịch bảo vệ trên người tình nguyện. Hai phase này có thể chỉ thử trên vài chục đến vài trăm người. Tuy nhiên qua đến phase III là phase thử hiệu quả bảo vệ của vaccine và an toàn trên đối tượng có nguy cơ thì phải thử trên số lượng rất nhiều người có khi lên đến trên 50.000 người và có đối chứng mới nói được có hiệu quả bảo vệ và có an toàn không.
Chính vì phải qua phase III (là phase bắt buộc để được FDA approved) nên nghiên cứu ra một vaccine phải kéo dài lâu, tối thiểu hai năm. Phase III thật sự là quan trọng để nói được một vaccine có hiệu quả và an toàn. Một bài học rất rõ là vaccine HIV qua phase I và phase II thì rất tốt, nhưng phase III thì thất bại vì không chứng minh được hiệu quả bảo vệ và an toàn.
Về câu hỏi có thể rút ngắn được không thì đối với quốc tế chắc chắn sẽ rất khó vì qui trình không thể thay đổi được. Tuy nhiên nếu dịch bệnh khẩn cấp thì có thể tùy đánh giá của từng quốc gia, họ có thể rút ngắn nhưng phải chịu sự rủi ro. Vaccine của Nga hiện nay có lẽ họ đang nhập phase III vào cùng với phase ban hành vaccine.
_______
Đợt COVID-19 lần này tại Đà Nẵng có phải do chủng SARS-COV-2 mới không?
SARS-COV-2 là một virus mà bộ gen của nó rất ít thay đổi. Dĩ nhiên khi phân tích cây di truyền qua giải trình tự bộ gen của virus thì người ta cũng ghi nhận có những thay đổi nhỏ. Nhưng có một thay đổi rất đáng để ý do qua quá trình lây lan của virus đã chọn lọc ra. Lúc ban đầu, SARS-COV-2 có cấu trúc protein gai chưa thay đổi và khả năng bám của virus vào thụ thể ACE2 trên tế bào biểu mô của hô hấp cũng không thay đổi. Tuy nhiên đến khi virus lan sang châu Âu thì có một sự biến đổi trên protein S này, tức là ở vị trí amino acid 614 thay vì là aspartic acid (D) thì nó lại là Glycine (G). Sự thay đổi này làm cho protein S bám vào ACE2 chắc hơn và mạnh hơn, làm cho virus dễ lây lan hơn.
Chính vì vậy cho nên từ tháng 4 thì dòng G đã ngày càng chiếm ưu thế và đến hiện nay dần dần thay thế hoàn toàn dòng D do nó lây lan nhanh hơn. Có lẽ dòng SARS-COV-2 lần này tại Đà Nẵng và đang lan nhiều nơi tại Việt Nam là dòng G này chăng? Câu trả lời đang ở phía trước và đang chờ từ các nhà khoa học của chúng ta.
_______
Hydroxychloroquine có thật sự hiệu quả không trong điều trị hay phòng ngừa COVID-19
Về mặt lý luận thì Chloroquine có thể có ích lợi trong việc ngăn chặn SARS-COV-2 nhân bản, nhất là khi có sự hiện diện của ion kẽm (Zn). Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng để thuyết phục các nhà khoa học. Dù sao đi nữa đây cũng là phương thuốc đơn giản, rẻ tiền nên cũng được nhiều người sử dụng vì thật ra cho đến nay vẫn chưa có thuốc ngừa, chưa có giải pháp nào chứng tỏ hiệu quả mà có thể áp dụng rộng rãi.