“Hôn nhân không khuôn mẫu” là chiến dịch mở đầu cho Tôi đồng ý giai đoạn 2022 – 2024 nhằm khơi gợi các thảo luận về hôn nhân cùng giới trong xã hội, tạo tiền đề cho các thảo luận về sửa đổi luật pháp trong tương lai…
Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), là gương mặt nổi tiếng trong cộng đồng LGBT (*) Việt Nam. Anh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành luật và tính dục (Đại học Luật, Đại học California, Los Angeles – Hoa Kỳ), là thành viên LGBT đầu tiên tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Mới đây, chiến dịch Tôi đồng ý chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu” do Huy khởi xướng đã tái khởi động.
Theo các nghiên cứu được ban tổ chức Tôi đồng ý công bố, tuy hôn nhân cùng giới đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng nhưng các cặp đôi cùng giới vẫn còn gặp nhiều trở ngại khi chưa được hợp pháp hóa hôn nhân với những quyền lợi và trách nhiệm như những cặp đôi dị tính. Đó là những khó khăn trong thủ tục pháp lý, các giấy tờ hộ tịch, sở hữu nhà đất, tài sản chung…, hay trở ngại trong đại diện hợp pháp cho người yêu, bạn đời. Không chỉ vậy, rất nhiều cặp đôi cùng giới còn phải đối mặt với những khó khăn do định kiến và sự phân biệt đối xử từ cộng đồng bởi khuôn mẫu cố hữu về “một gia đình thực thụ”.
“Hôn nhân không khuôn mẫu” là chiến dịch mở đầu cho Tôi đồng ý giai đoạn 2022 – 2024 nhằm khơi gợi các thảo luận về hôn nhân cùng giới trong xã hội, tạo tiền đề cho các thảo luận về sửa đổi luật pháp trong tương lai. Lương Thế Huy đã dành cho Người Đô Thị cuộc trò chuyện về hành trình của Tôi đồng ý.
____
Với Tôi đồng ý – Hôn nhân không khuôn mẫu, anh mong đợi nhất điều gì? Liệu 250.000 chữ ký có tác động làm thay đổi Luật Hôn nhân và Gia đình không?
Tôi đồng ý trở lại với mục tiêu vẫn giữ nguyên, đó là kêu gọi sự ủng hộ của người dân Việt Nam với hôn nhân đồng giới. Các hoạt động ở Việt Nam nhằm thay đổi nhận thức thì nhiều nhưng để thấy được rõ ràng sự thay đổi đó thì chúng tôi chọn hình thức lấy chữ ký. Ở Việt Nam không có quy định về mặt pháp luật khi có nhiều người dân tham gia ký tên lên tiếng về vấn đề nào đó thì sẽ có thay đổi về mặt pháp lý. Một vài nước, ví dụ có 10.000 chữ ký hoặc một con số cụ thể gửi đến chính phủ thì chính phủ sẽ thảo luận và phản hồi kiến nghị đó. Ở nước mình thì không.
Hoạt động chữ ký hướng nhiều đến công chúng, tạo một không gian để những người ủng hộ có thể lên tiếng và kết nối, thảo luận nhiều hơn. Mọi người có thể chia sẻ tích cực về hôn nhân đồng giới. Bên cạnh đó, những người không đồng ý cũng có thêm cơ hội để đối thoại. Trước khi Bộ Tư pháp tổng kết 10 năm Luật Hôn nhân và Gia đình, theo thông lệ, Bộ sẽ tổng kết thi hành, đánh giá hiện trạng, vấn đề thực hiện luật. Nếu tạo được sự thảo luận sôi nổi thời điểm này sẽ giúp cơ quan nhà nước nhận thấy đây là vấn đề cần xem xét trong tiến trình sửa đổi pháp luật.
____
Là một nhà hoạt động xã hội nhiều năm, vận động chính sách cho cộng đồng LGBT, giờ đây anh vẫn còn nghe những câu như “chữa bệnh đồng tính, lây lan đồng tính…”, phản ứng đầu tiên của anh là gì, có tức giận hay không?
Tức giận thì không vì mình tiếp xúc với thái độ đó hằng ngày, nếu tức giận sẽ không có tâm trạng để làm gì hết. Một trong những cái không vui của việc hoạt động xã hội là mình bị phơi ra rất nhiều, mình có nhiều ủng hộ nhưng cũng gặp nhiều phản đối và quan điểm sai lệch, đôi khi họ thiếu kiến thức, đôi khi họ có kiến thức nhưng lại phán xét với thành kiến cá nhân. Khi nghe thông tin này, mình hay suy nghĩ rằng vì sao họ lại nghĩ như vậy, điều gì trong quá khứ, trong gia đình hay trong những trải nghiệm cuộc sống khiến họ suy nghĩ, lên tiếng, lan truyền những thông tin sai lệch về mặt khoa học như vậy? Có một lý thuyết về bất bình đẳng xã hội của Nancy Fraser nói rằng có những nhóm yếu thế về mặt kinh tế sẽ bị coi là vị thế xã hội thấp hơn, có nhóm yếu thế về mặt đạo đức, bị lề hóa ra ngoài các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. LGBT là một nhóm như thế.
Mặc dù có những cá nhân trong cộng đồng LGBT rất thành đạt, có tài sản, hoàn toàn thoải mái về cuộc sống cá nhân, nhưng trong mắt cộng đồng, họ vẫn là những cá nhân lệch chuẩn. Khi mình nói đồng tính không phải là bệnh, nhiều người nói ừ, không phải là bệnh, nhưng là bệnh hoạn. Từ “bệnh hoạn” không nói về bệnh lý mà nói đến tiêu chuẩn về mặt đạo đức không khớp với tiêu chuẩn của số đông.
Ngày xưa, nhiều người từng nghĩ có những điều khó chấp nhận như hai người không lấy nhau mà sống chung, quan hệ tình dục, hoặc việc làm bố, mẹ đơn thân. Nhưng dần dần, cuộc sống hiện tại đã cho người ta nhiều tự do và lựa chọn để sống theo cách họ cảm thấy hạnh phúc.
____
Vẫn có nhiều người được xem là thành phần tiến bộ trong xã hội nhưng lại dè bỉu các hoạt động vận động chính sách và cho rằng những người LGBT đang làm quá lên khi hô hào đòi sửa Luật Hôn nhân và Gia đình để có quyền bình đẳng như các cặp đôi dị tính, anh nghĩ sao về quan điểm này?
“Đòi quyền” vốn là một từ không có vấn đề gì, nhưng hay được gắn với ý nghĩa tiêu cực là “lợi dụng cái này để làm cái kia” của những nhóm thiểu số. Những quyền mà người đồng tính vận động có phải là quyền mới, quyền thêm vào, hay quyền lấy từ ai khác không? Hoàn toàn không! Đó là quyền giống như những người khác: được gia đình chấp nhận, bảo vệ khỏi sự kỳ thị trong trường học, công bằng trong việc làm, sống với người mình yêu và được pháp luật thừa nhận.
Nói “tôi không kỳ thị nhưng tôi không thích họ vận động đòi hỏi này nọ” chính là bảo “hãy cứ im lặng và chấp nhận những gì đang có”. Nếu là người khuyết tật và đòi vỉa hè phải có lối tiếp cận để họ cũng có thể đi giống như bạn, liệu bạn có nói họ đang “đòi quyền”? Hãy thấy may mắn vì bạn không phải vận động để có thứ mà ai cũng có vì bạn không thuộc nhóm thiểu số.
Bảo “cứ chung sống bình thường, bình đẳng không vấn đề gì” thì đó là nhãn quan của nhóm đa số. Hai người cùng giới sống chung với nhau tạo dựng tài sản, một người mất không có di chúc, người kia hưởng cái gì? Lấy người nước ngoài cần bảo lãnh người kia, pháp luật có công nhận một cặp cùng giới? Một người qua đời ai quyết định được thân thể của người kia? Một người trong tình trạng khẩn cấp y tế cần người nhà quyết định, ai là người hiểu người đang nằm bất tỉnh kia nhất, hoặc nếu không bất tỉnh và họ chỉ vào người đang đứng ở ngoài “bạn tôi sẽ quyết định trong lúc tôi không còn ý thức” và nhận được câu trả lời của bác sĩ “chúng tôi cần người nhà của anh/chị” thì nỗi đau tinh thần đó ai có thể cảm nhận? Đó không chỉ là quyền pháp lý, mà còn là quyền than khóc, quyền được liên quan (right to relate).
Thuế, bảo hiểm, hộ gia đình, con cái, tới cả năm ngoái dịch bệnh cũng thấy ý nghĩa thực tế, thiết thân của “quyền được là người thân” là như thế nào trước khi những thứ hệ trọng kia xảy ra. Bao nhiêu thứ chứ đâu chỉ một câu “cứ sống bình thường” là xong? Hồi 2013, mình thống kê trong Luật Hôn nhân và Gia đình rằng việc trở thành vợ chồng hợp pháp khiến hai người trong mối quan hệ hôn nhân tự động phát sinh 237 quyền và nghĩa vụ với nhau. Hai người cùng giới sống với nhau, pháp luật coi họ khác gì hai người bạn cùng phòng?
Hiến pháp quy định mọi người bình đẳng, nhưng để làm được thì cần luật hóa cụ thể. Một vài thứ cần quy định chung là được nhưng vài thứ khác lại cần quy định riêng, đấy không phải vì “ưu ái” hay “đặc quyền”. Nếu ai cũng bình đẳng rồi thì cần gì Luật Người khuyết tật, cần gì Luật Bình đẳng giới, cần gì Luật Trẻ em, cần gì Luật Người cao tuổi…
____
Anh có thể chia sẻ ở góc độ luật pháp Việt Nam đối với vấn đề LGBT để so sánh với các nước? Hành trình vận động cho quyền của người đồng tính của Tôi đồng ý có học hỏi từ hoạt động cộng đồng của các nước?
Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thoải mái trong thảo luận chính sách. 6/11 nước Đông Nam Á vẫn xem quan hệ tình dục đồng tính là vi phạm pháp luật. Trong 6 nước này có 2 nhóm, nhóm các nước Hồi giáo và nhóm các nước thừa hưởng pháp luật từ Anh. Mặc dù ở Anh bây giờ điều đó đã trở thành luật cũ xưa, không còn thực thi nữa nhưng ở các nước Anh từng đô hộ thì luật này vẫn còn. Ở các nước này có những khó khăn rất lớn về mặt thảo luận chính sách. Việt Nam, đứng ở khía cạnh nào đó rất may mắn, các quy định về pháp luật từ trước đến giờ không đề cập đến vấn đề LGBT, nó như tờ giấy trắng, điều đó tạo thuận lợi là khi mọi người bắt đầu thảo luận thì sẽ bắt kịp, tiệm cận với thế giới.
Các nước thuộc địa của Anh cũ, ví dụ Singapore, tuy không thực thi nhưng luật hình sự hóa hành vi quan hệ tình dục đồng tính vẫn còn thì sẽ không thảo luận các vấn đề khác được. Vấn đề của họ là phải bỏ đi các tàn tích đó rồi mới có thể thảo luận tiếp. Hoặc các nước khác phải vượt qua các vấn đề tôn giáo mới thảo luận tiếp. Ở Việt Nam thì khác, các vấn đề tiến bộ nào của cộng đồng LGBT đang được thảo luận trên thế giới thì lập tức cũng trở thành đề tài thảo luận, bài học, điển hình tại Việt Nam.
Sự chia sẻ thông tin trong cộng đồng thế giới cũng rất thú vị. Năm 2011, mình biết nhiều nước có tổ chức PFLAG – tên viết tắt của “Parents, Families, and Friends of Lesbians and Gays” nghĩa là “Cha mẹ, người thân và bạn bè của người đồng tính” thì mình thấy quá phù hợp với Việt Nam. Ở Việt Nam, mỗi cá nhân liên quan rất nhiều đến gia đình, sự chấp nhận của gia đình tại Việt Nam cực kỳ quan trọng. Ở nước ngoài, 18 tuổi là ra khỏi gia đình nhưng ở Việt Nam thì mối quan hệ với gia đình là suốt đời. Kể cả đi làm, thì gắn kết về tinh thần và tài chính với gia đình cũng rất lớn.
Mình liên hệ tổ chức này để hỏi xin có thể dùng cái tên PFLAG để hoạt động ở Việt Nam được không, thì họ hoàn toàn đồng ý và sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm. Một người bạn ở Campuchia biết Việt Nam có PFLAG cũng đã bắt xe buýt qua để tìm hiểu và sau đó tổ chức PFLAG ở Campuchia. Khi thấy Campuchia có nhiều hoạt động LGBT ở nông thôn, mình nhận ra Việt Nam đang thiếu nên cũng học hỏi ngay. Cộng đồng LGBT truyền cảm hứng từ nhau rất nhiều, đó là chưa kể sự chia sẻ về nguồn lực, thông điệp truyền thông.
Ví dụ thêm, biểu tượng của cộng đồng là cờ cầu vồng thì cũng là tài sản chung của LGBT toàn thế giới. Người thiết kế lá cờ đã phải đấu tranh để lá cờ cầu vồng này không ai được sở hữu bản quyền, không bị thương mại hóa, để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng biểu tượng này.
____
Anh đánh giá thế nào về quyết định của Bộ Y tế trong việc coi LGBT không phải là bệnh?
Đó chính là giấc mơ giữa ban ngày của những người LGBT thế hệ 8X như mình. Lớn lên trong một bể định kiến xã hội nào là bệnh hoạn, lệch lạc, đua đòi… gia đình thì cho rằng “không cố gắng đủ” để “trở lại bình thường”. Và dù kiến thức về LGBT ngày mỗi phổ biến hơn thì sự kỳ thị và hiểu biết sai vẫn sống dai dẳng như loài cỏ dại, bén rễ bất kỳ nơi đâu dù căn cứ khoa học của nó yếu ớt tới mức nào. Thì đây chính là bóng mát từ chiếc cây lớn nhất giữa làng, vừa bảo vệ được phẩm giá cho tất cả mọi người, vừa đủ để ánh sáng của tri thức soi rọi tới những ngóc ngách tối tăm của định kiến.
Mình thấy nhiều chỗ đặt tựa là “Bộ Y tế không coi LGBT là bệnh” là đúng nhưng rất chưa đủ. Khẳng định LGBT không phải bệnh thì Bộ khẳng định nhiều lần rồi, việc khẳng định lần này nằm trong việc điều hành, chỉ đạo các cơ sở y tế không được phép tiến hành “chữa” đồng tính, chuyển giới, thay vào đó chỉ đưa ra hỗ trợ tâm lý và do người có kiến thức LGBT thực hiện, với mục đích là cung cấp thông tin đúng.
Điểm số 4 và 5 trong công văn thể hiện rất mạnh điều này, gồm cả việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế, chấn chỉnh tình trạng các cơ sở y tế hay chuyên gia tâm lý, vì thiếu cập nhật kiến thức hay do nghe yêu cầu của phụ huynh người LGBT mà cố gắng kê thuốc an thần hay đưa ra lời khuyên “thay đổi lối sống” nhằm thay đổi xu hướng tính dục và bản dạng giới của người LGBT.
____
Anh nhận định gì về hoạt động của các tổ chức xã hội công dân tại Việt Nam?
Ở miền Nam, các hoạt động xã hội thường hướng về môi trường, xóa đói giảm nghèo, sinh kế, đô thị. Miền Bắc hướng nhiều về chính sách, nâng cao năng lực, các chủ đề liên quan nhiều đến pháp luật. Mình thấy càng ngày các tiếng nói của các tổ chức xã hội càng đa dạng về chủ đề, cách thức hoạt động. Hiện nay, các bạn trẻ, sinh viên tham gia rất nhiều vào hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận; chính sức trẻ của các bạn là thành tố vô cùng quan trọng trong sự sáng tạo, thông điệp, cách thực hiện của các tổ chức.
iSEE là tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam hoạt động vì quyền của các nhóm thiểu số nhằm hướng đến một xã hội công bằng, tự do và khoan dung. Từ năm 2007, iSEE đã đồng hành cùng cộng đồng LGBTI Việt Nam thực hiện các nghiên cứu nền tảng, nâng cao năng lực và vị thế cho họ nhằm trở thành những người tiên phong trong quá trình vận động chính sách và thay đổi nhận thức xã hội. Cùng với nhiều đối tác, iSEE đã thành công trong quá trình vận động bỏ cấm hôn nhân cùng giới (Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) cũng như công nhận quyền chuyển đổi giới tính tại Việt Nam (Bộ luật Dân sự 2015).
Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự ủng hộ của xã hội với hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, iSEE và ICS tái khởi động chiến dịch Tôi đồng ý với chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu” diễn ra từ tháng 8 đến 12.2022. Chiến dịch đồng hành cùng các nhân vật có sức ảnh hưởng tại Việt Nam với vai trò là đại sứ của chương trình, giới thiệu các hoạt động hướng đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội như chương trình Unitour nói chuyện với sinh viên 10 trường đại học, ra mắt quyển sách đầu tiên về đề tài hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, công bố nghiên cứu mới nhất về những tác động tích cực của việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới đến nền kinh tế – xã hội. Chiến dịch dự kiến thu hút 250.000 người tham dự và ký tên đồng ý ủng hộ hôn nhân cùng giới tại Việt Nam qua website toidongy.vn.
Sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình được thông qua vào năm 2014, chiến dịch Tôi đồng ý 2013 tạm khép lại với kết quả: 80.000 người theo dõi fanpage Tôi đồng ý, 12.000 chữ ký gửi tới Quốc hội; 5.000 ảnh và 200 video đăng tải ủng hộ chiến dịch và hơn 2.000 người tham gia ngày hội Tôi đồng ý. Sau gần một thập kỷ, Tôi đồng ý 2022 trở lại và tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của xã hội với hôn nhân cùng giới tại Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Viện iSEE năm 2022, việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho Việt Nam từ 1,65% đến 4,36% gia tăng trong GDP mỗi năm do kết quả của việc tăng năng suất lao động và tạo ra môi trường làm việc dung nạp, hòa nhập hơn. Bên cạnh đó, việc công nhận hôn nhân cùng giới cũng mang lại cho các ngành công nghiệp có liên quan đến tổ chức tiệc cưới và xây dựng gia đình gia tăng trong doanh thu từ 5,26% đến 12,36% so với trường hợp không công nhận.
Ngoài ra, năm 2019, nghiên cứu về quan hệ chung sống của người LGBT do Viện iSEE thực hiện cho thấy tỷ lệ sống chung của các cặp đôi là 26,8% và lên tới 73% với nhóm độ tuổi từ 35 trở lên, tăng đáng kể so với con số được ghi nhận năm 2013 là 15%. Nghiên cứu này đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết của các cặp đôi cùng giới đối với sự công nhận và bảo hộ của pháp luật để giải quyết những khó khăn khi chung sống, bao gồm khó khăn trong quan hệ về tài sản và các thủ tục pháp lý.
Một trong những nghiên cứu đầu tiên về gia đình của người LGBT tại Việt Nam (iSEE, 2022) đã chỉ ra những nỗ lực làm cha mẹ của các cặp đôi LGBT với các giá trị gia đình mà họ xây dựng, cùng các thành quả từ việc nuôi dạy con đều tương tự những người cha mẹ khác. Bên cạnh đó, hành trình làm cha mẹ của người LGBT còn gặp nhiều thách thức hơn đến từ yếu tố gia đình hay những cản trở từ cộng đồng, xã hội. Kết quả nghiên cứu là minh chứng nhằm góp phần xóa bỏ định kiến xã hội gắn người LGBT với những đặc tính như không chung thủy, thiếu trách nhiệm với gia đình hoặc phủ nhận nhu cầu và năng lực làm cha mẹ của họ.
– Ảnh: NVCC