Ngày 17-7 vừa qua, UPS đã chính thức công bố kết quả Nghiên cứu về động lực mua hàng công nghiệp năm 2019 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho thấy các doanh nghiệp ở đây đang thực hiện rất nhiều giao dịch trực tuyến; đồng thời vẫn phụ thuộc vào các mối quan hệ trực tiếp và luôn tìm kiếm dịch vụ hậu mãi tốt nhất.
Nghiên cứu khảo sát 600 người mua hàng công nghiệp tại khắp các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, cung cấp những kiến thức thông tin giá trị về khu vực, cũng như những đặc điểm thị trường cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp B2B kết nối tốt hơn với người mua ở châu Á.
Ở các khu vực khác, nhân khẩu học ảnh hưởng đến hành vi mua hàng nhiều hơn; trong khi để thành công ở châu Á, yếu tố quốc tịch hay độ tuổi không quan trọng bằng trách nhiệm trong công việc của người mua hàng. Theo nghiên cứu, châu Á là một khu vực có độ phức tạp cực lớn, nơi mà tất cả người mua đều tập trung phục vụ các nhu cầu dịch vụ mục tiêu cho tổ chức của họ.
Báo cáo cho thấy việc mua hàng trực tuyến vẫn tiếp tục tăng lên và người mua hàng công nghiệp tại châu Á sẽ sử dụng kênh mua hàng này nhiều hơn trong vòng năm năm tới. Trong số những người thích mua hàng trực tuyến, Nhật Bản mua sắm với tỷ lệ cao hơn so với Trung Quốc và Thái Lan (31% ở Nhật Bản và 14% ở Trung Quốc và Thái Lan). Trong khi đó tại Thái Lan, các công ty có ngân sách cao hơn báo cáo rằng trong ba đến năm năm tới, các doanh nghiệp này có nhiều khả năng chuyển sang mua hàng trực tuyến; ở Trung Quốc, việc mua hàng trực tuyến trên điện thoại đang gia tăng mạnh hơn so với các quốc gia châu Á khác.
Mặc dù dự đoán có sự gia tăng về xu hướng mua hàng trực tuyến giữa những người mua châu Á, báo cáo cũng chỉ ra rằng việc trao đổi qua điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp xảy ra ở châu Á thường xuyên hơn ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Người mua hàng ở châu Á đặc biệt coi trọng việc thiết lập mối quan hệ trực tiếp trước khi mua hàng trực tuyến – điều này được thấy rõ nhất ở Trung Quốc, nơi mà tạo niềm tin là một bước quan trọng trước khi thực hiện quá trình giao dịch.
Khi được hỏi về những rào cản đối với việc mua hàng quốc tế, ba yếu tố hàng đầu được người trả lời ở châu Á liệt kê là thời gian vận chuyển dài hơn (60%), chậm trễ thông quan (55%) và các vấn đề về trả lại hàng (45%).