“Không ngừng” là triển lãm cá nhân thứ tư của Nguyễn Thị Kim Chi, một họa sĩ tự học. Chín mươi bức tranh sơn dầu nhiều kích cỡ được bày kín tầng trệt khu triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 8-11 đến 16-11-2014).
Kim Chi có lẽ là một trong những họa sĩ nữ đặc biệt của Sài Gòn. Cô bắt đầu vẽ không sớm lắm, một họa sĩ độc lập, chưa từng qua trường lớp nào. Cô vẽ bằng một hứng thú, một niềm vui, một niềm đam mê thôi thúc. Sức làm việc của người phụ nữ trẻ này làm chúng ta kinh ngạc. Chỉ trong vòng bảy năm (2007-2014) cô đã có bốn cuộc triển lãm cá nhân ở Sài Gòn và một ở Boston (Mỹ). Thêm vào đó là 24 lần tham gia các triển lãm nhóm ở Việt Nam và tại Singapore, Đài Loan, Chile, Mông Cổ, Mỹ.
Nguồn cảm hứng của Kim Chi rất hồn nhiên, tuy vậy vẫn ẩn chứa tư duy sâu sắc về cuộc sống. Lần này nguồn cảm hứng sáng tạo của cô đến từ những con rối và những chiếc chong chóng, được cô thể hiện mạnh mẽ, không câu nệ về mặt kỹ thuật, dung chứa những cảm nghĩ về cuộc sống của chính mình. Những vòng quay quay mãi không ngừng (Chong chóng, 2011) đôi khi chúng khiến chúng ta quay cuồng, đôi khi chính chúng ta đã làm cho chúng quay cuồng. Trong tranh, những con người thật ngoài đời, và cả các bạn bè của Kim Chi mang hình ảnh những con rối với tâm trạng khắc khoải như nhìn qua một tấm kính. Những khuôn mặt làm ta nhớ đến Chaim Soutine – mạnh mẽ trong nét vẽ, dữ dội trong cách tô màu. Cô thường dùng màu đỏ, hồng làm màu chủ đạo, tô điểm bằng những đường viền đậm, những phông màu xanh – lam – thẫm làm đối trọng. Các nhân vật hồn nhiên ấy lại ẩn chứa một sức mạnh vừa giễu cợt vừa ẩn chứa nỗi khổ đau quằn quại. Chính những bàn tay, bàn chân tật nguyền của các nhân vật đã lộ rõ cho chúng ta thấy điều ẩn chứa phía sau. Thỉnh thoảng các nhân vật như trầm lắng xuống, tâm trạng bình yên như một khoảng lặng của một bản nhạc đầy âm thanh dữ dội (Tôi và người bạn, 2011). Có một bức tranh mà tác giả có vẻ rất vừa ý, có lẽ là do một ý tưởng táo bạo: Tháp trung tâm Sài Gòn (2014). Theo Kim Chi, cô đã vẽ đời sống bên trong của nó. Những nét vẽ mạnh mẽ phóng khoáng ấy khiến ta nghĩ đến ngày tận thế – ngôi tháp được nhân hóa thành một người khổng lồ, khỏe mạnh, quằn quại, đang tìm cách thoát ra khỏi bi kịch của chính mình…
Xem tranh của Kim Chi xin hãy bỏ qua cố tật của người “sành điệu”, đòi hỏi sự chỉn chu. Xin hãy thả lỏng tâm hồn mình để hòa cùng tâm hồn tự do của Kim Chi, hòa cùng sự tự do biểu hiện mạnh mẽ, bất ngờ về con người, về cuộc sống của riêng cô. Để khám phá nó, ta cần có nhiều thời gian hơn. Để tự khám phá mình, cô ấy cũng cần nhiều thời gian hơn nữa.
Những vòng chong chóng của Kim Chi cứ quay mãi không bao giờ dứt, chúng ta hãy chờ xem những diễn biến của những vòng quay đó.
- Nguyễn Trung