Kỷ niệm một năm ngày mất và 60 năm ngày sinh của cố họa sĩ Trần Hữu Tri, một triển lãm hồi cố các tác phẩm của ông đã được tổ chức trang trọng tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (218 Pasteur, Q.3, từ 6-11 đến 13-11-2014) với sự tham dự của nhiều thế hệ thầy và trò Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nơi Trần Hữu Tri giảng dạy trong nhiều năm. Cùng với triển lãm là một tập sách tranh của ông.
Sinh thời, họa sĩ – nhà giáo Trần Hữu Tri từng góp mặt trong nhiều triển lãm nhóm nhưng với rất ít tác phẩm và gần như chưa từng có một triển lãm cho riêng mình; do vậy ngoài bạn bè, đồng nghiệp và học trò của ông, không có mấy người biết đến thế giới hội họa phong phú và đặc sắc của Trần Hữu Tri. Chính vì thế, triển lãm hồi cố có tên “Để nhớ” dịp này là cơ hội để công chúng yêu hội họa không chỉ thưởng lãm một phòng tranh có giá trị nghệ thuật mà còn nhận biết được bức chân dung đích thực của một họa sĩ có bản lĩnh nghề nghiệp, lại tâm huyết với nghề – cả trong sáng tác lẫn giảng dạy hội họa.
Mảng tranh thuần khiết, nhiều cảm xúc và hồn nhiên nhất
Triển lãm hồi cố (restrospective) là cách gọi một cuộc trưng bày tác phẩm của một họa sĩ mà thời gian sáng tác thường trải rộng trong nhiều năm, thậm chí là cả cuộc đời sáng tác của tác giả ấy. “Để nhớ” mang đầy đủ ý nghĩa của một triển lãm hồi cố. Đến với phòng tranh, người xem thấy được khá bao quát hành trình đến với hội họa của Trần Hữu Tri. Bắt đầu từ loạt ký họa chiến trường được vẽ trong những năm 1972-1975, khi chàng họa sĩ tuổi mười tám đôi mươi khoác áo lính vượt Trường Sơn đi vào các mặt trận miền Nam, rồi về công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V, cho đến những ký họa sau ngày đất nước thống nhất không lâu. Trong số hàng trăm ký họa ấy của Trần Hữu Tri, chỉ có vài chục bức được trưng bày dịp này song cũng đủ cho thấy sự chắc tay về hình họa và phong cách trực họa sinh động của tác giả.
Bên cạnh những màu nước hay bút sắt là loạt ký họa sơn dầu được ông vẽ trong nhiều năm, vào những đợt đi thực tế sáng tác dài ngày hay những lần hướng dẫn sinh viên đi vẽ ở nhiều địa phương. Thật tiếc khi rất nhiều bức ký họa sơn dầu ấy chưa được tác giả nâng lên thành tác phẩm, tuy nhiên những ký họa được sắp xếp thành mảng ấy vẫn thu hút thị giác người xem. Chỉ bằng vài nét cọ, một góc biển heo hút, một con đường quê thôn lấm, một xóm nhỏ yên bình dưới bóng dừa… đã hiện ra thật lung linh, sống động, đầy tình cảm. Theo họa sĩ Trần Anh Tuấn, người chịu trách nhiệm bản thảo tập sách tranh của bạn mình thì: “Ký họa có lẽ là mảng tranh xuyên suốt sự nghiệp của Tri, mảng tranh thuần khiết, nhiều cảm xúc và hồn nhiên nhất… Rất nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn nhận ra, nhớ ra cả hoàn cảnh ra đời nhiều bức Tri vẽ trên những chặng đường chúng tôi đi cùng nhau. Nên xem tranh Tri còn như xem nhật ký: nhật ký ghi lại một khoảng thời gian của đất nước”. Còn họa sĩ Trần Luân Tín, người đồng nghiệp thân thiết với Trần Hữu Tri, bày tỏ trong tập sách: “Tri là người say sưa giữa những người say sưa. Say sưa sống, học, nghĩ ngợi, say sưa thực hiện những điều tâm đắc. Ai từng sống cùng anh khó mà quên được tấm lòng nhiệt thành của bạn Trần Hữu Tri, họa sĩ Trần Hữu Tri, thầy Trần Hữu Tri…”.
Tay nghề của một bậc thầy
Nhưng tranh Trần Hữu Tri tại triển lãm mới cho thấy trọn vẹn tài năng của ông. Hầu hết các tác phẩm của nhà sư phạm giỏi nghề, từng phụ trách khoa Hội họa quan trọng bậc nhất của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã không chăm bẵm hiện thực mà là những tìm kiếm, có khi thật táo bạo, về bố cục, hình khối và màu sắc. Có thể thấy được những yếu tố của các trào lưu hội họa hiện đại được đưa vào tranh một cách kín đáo, nhuần nhuyễn. Thi thoảng đâu đó là một chút Gauguin, một thoáng Dã thú, một hơi hướm Picasso – Lập thể hay dấu ấn dễ nhận của trường phái Paris… nhưng tất cả đã được “Trần Hữu Tri hóa” trong những chân dung thiếu nữ và em nhỏ hiền hòa, con bò đỏ rực trong cơn giận dữ, con trâu sậm đen ngờ nghệch, góc phố đêm im vắng và buồn bã, chậu sen đá nở hoa dưới những tán lá xanh lục như đang tỏa hương thơm… Xem phòng tranh khá kỹ, một họa sĩ cao niên, nổi tiếng của Sài Gòn cũng phải thừa nhận (với người viết bài này) rằng: “Nhiều bức cho thấy tay nghề của một bậc thầy!”. Cũng thật tiếc khi một số tranh đã xuống sắc khá rõ, bị bong tróc màu hay rạn chân chim, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do nền tranh chưa làm đúng quy cách, hay vì thiếu nguyên vật liệu cần thiết bởi được vẽ vào thời kỳ kinh tế còn quá khó khăn (có bức còn được vẽ trên vải bao gạo lộn ngược!).
Sinh ngày 10-10-1954, Trần Hữu Tri học lớp hội họa sơ – trung cấp bảy năm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp năm 1972 rồi vào Nam chiến đấu. Sau ngày hòa bình ông tiếp tục học bậc đại học và cao học mỹ thuật. Trần Hữu Tri vĩnh biệt người thân, bè bạn, học trò ngày 16-11-2013 vì bệnh ung thư, để lại nhiều mong muốn chưa thực hiện được như lời họa sĩ Trần Luân Tín: “Tri là người đa đoan trong hội họa. Trong đời sống anh vô tư, thế mà nghĩ về nghề, làm nghề thì lại bận bịu quá với bao nhiêu ý muốn. Rồi khi tâm hồn anh vừa mở ra sau nhiều trăn trở, anh đã vội ra đi…”.
Từng là chủ nhiệm các khoa Tại chức và Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, họa sĩ Trần Hữu Tri được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú năm 2010.