Cả kinh kỳ bao la nghìn năm này chỉ độc một con phố ấy không ngang bằng sổ thẳng mà lại uốn như rồng lượn khúc. Chưa đầy nửa cây số, nó đi một đường sin lệch chếnh choáng – đầu vát lên đường Lê Duẩn tấp nập người và xe xuôi ngược tối ngày, đuôi hạ hẳn xuống phố Nguyễn Thái Học xô bồ, ngày đêm xình xịch xe lửa vắt ngang. Nơi đây vốn là đường hào chân tường thành Thăng Long thời trước, từ cửa Đông Nam sang cửa Tây Nam.
Người Pháp trọng phép phong thủy bản xứ mà du di quy hoạch ô vuông văn minh châu Âu. Song giữ nghiêm nguyên tắc quy hoạch đến đâu trồng cây đến đó. Có thể con phố không thênh thang như đại lộ Hoàng Diệu oai phong đâm ngang, cũng tăm tắp hàng cây xanh thắm hai hè phố nên thơ: Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy (thơ Nguyễn Đình Thi). Từ các tán lá sum suê ấy mà thêm tươi tắn, thanh bình những ngôi biệt thự xinh xắn không nhú lên ống khói lò sưởi cũng thấp thoáng qua kẽ lá ô cửa sổ uốn vòm độc đáo kiến trúc Pháp.
- Xem thêm: Chùa trong phố
Dạo trước, những lứa đôi lãng mạn thường chọn con phố nhỏ này làm nơi hẹn hò, lần bước thủ thỉ những lời ngọt ngào. Nó quyến rũ ở nét duyên kín đáo, êm ả. Về khuya càng đằm thắm hương hoa lài, hoa sói, hoa lan… từ vườn cây bên trong các ngôi nhà kín cổng cao tường lan tỏa. May mắn còn được thả hồn phiêu lãng theo giai điệu dặt dìu từ ngón đàn ghita Hạ-uy-di diệu nghệ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, từ một căn gác nhỏ trên phố vọng ra huyền ảo. Nghe kể, cây đàn này người nghệ sĩ đã phải đổi bằng một trong hai chiếc Cadillac của cả Hà Nội hồi đó.
Giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, khi ca khúc Gửi người em gái vừa mới viết đề tặng người tình “…tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương…” bị đình chỉ, không được hát, Đoàn Chuẩn khí khái về ở ẩn, giam mình trong ngôi nhà tự tậu trên con phố êm ả này cho đến ngày xa lánh cõi đời. Nhưng ông đã găm dấu người nghệ sĩ tài hoa, đa tình – yêu nhạc là yêu người, trong lòng con phố nhỏ.
Những năm qua, tốc độ đổi mới phi mã làm vỡ òa con phố nhỏ yên ả, xé lòng người vừa hướng tới sự phồn thịnh vừa tiếc nuối cốt cách ý vị mai một dần trước lối sống phàm tục. Chen lấn các cơ ngơi bề thế, tôn nghiêm Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Văn phòng Giáo dục – Văn hóa Liên Hiệp Quốc, Trường quốc tế Anh ngữ… cơ man nào là hàng quán, cơ sở dịch vụ, môi giới… đủ kiểu cách, màu sắc lẫn đơn sơ, nhếch nhác. Không gian bị co hẹp, ô nhiễm… Chỉ riêng khách từ khắp nơi đến rửa xe, bảo dưỡng, làm đỏm ôtô, xe máy cũng đã hơn nửa nghìn lượt người mỗi ngày. Đã có dấu hiệu thách thức “phố lẩu” Phùng Hưng không xa – thực khách vừa bước vào đã vội quay ra vì nhẵn bàn.
Ngày trước, nhà Nguyễn dời đô vào Huế tránh sĩ phu Bắc Hà bất thần phục, đất kinh kỳ đài các những lễ nghĩa đột biến thành chốn kẻ chợ, dân tứ chiếng nhập thành làm ăn sinh sôi. Bà huyện Thanh Quan tức cảnh một loạt tuyệt tác tiếc nuối một “Thăng Long hoài cổ”: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Theo nhà xuất bản du lịch Frommer có uy tín ở Mỹ, Hà Nội đậm nét châu Á nhất, lại phát triển mạnh với phong cách cổ điển Pháp được xếp hạng ba trong Top 12 địa điểm hấp dẫn nhất trên thế giới trong năm 2010.
Sức quyến rũ của một địa chỉ đâu chỉ ở cảnh vật do tạo hóa hay nhân tạo mà còn ở bề dày quá khứ, ký ức, ở tính cách trang nhã, học thức, thân thiện con người. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp năm 1945, con phố này mang tên Cao Bá Quát lạ lẫm. Trong sách sử ký thời đó, Cao Bá Quát là giặc, bị tru di cả nhà, văn chương bị hủy. Trong đời, mang tiếng cao ngạo chiếm hai trong số bốn bồ chữ của cả thiên hạ, lại phóng túng đam mê ả đào.
- Xem thêm: Chở phố về quê
Thực ra Cao Bá Quát quật cường phất cờ khởi nghĩa chống bạo tàn. Giữa trường thi hương Thừa Thiên, ông dám lấy muội đèn sửa chỗ phạm húy trong bài văn hay của học trò giỏi để phải mang gông tù đày, rồi nhờ tài cao được phục hồi đi sứ Tân Gia Ba (Singapore). Câu đối ông để đời thể hiện rõ chí khí, tính cách ấy: “Mười năm xuôi ngược tìm gươm báu. Một đời chỉ cúi trước hoa mai”. Lận đận, long đong là thế, Cao Bá Quát vẫn phong lưu làm thơ hay, cầm trống chầu xuất thần – góp công đầu đưa ca trù thăng hoa thành di sản văn hóa cần được bảo vệ của thế giới hôm nay.
Người đặt tên phố ngày ấy – bác sĩ Trần Văn Lai, được trọng thị. Ông là vị đốc lý người Việt đầu tiên lệnh cho hạ tượng bà đầm xòe, đổi bằng hết tên các phố Tây để xóa dấu vết trăm năm đô hộ, là người đức độ – mở phòng mạch không lấy tiền bệnh nhân nghèo, làm quan đầu thành phố vẫn ở nhà riêng trong ngõ Tức Mặc sát ga Hàng Cỏ… Lại thâm nho – rước vào Văn miếu bên kia đường, kính cẩn dâng hương trước ban thờ Chu Văn An, rồi mới đưa ra gắn tên phố tôn vinh kẻ sĩ.
Với lớp lớp quá khứ dày lịch sử, văn hóa, nhân văn làm điểm tựa, con phố nhỏ Cao Bá Quát mãi quyến rũ phong thái khởi sắc hiện đại mà nền nã truyền thống văn hiến là thế.