Người ta vẫn hay nói rằng tết ở Sài Gòn rất vắng, ít xe cộ, Sài Gòn khi ấy đẹp một cách yên tĩnh, thanh bình. Cũng dễ hiểu, bởi đa phần dân cư Sài Gòn vốn có một quê nhà ở đâu đó, họ đến Sài Gòn để học tập, tìm kiếm cơ hội phát triển nhưng tết luôn mong muốn về quê đoàn tụ với gia đình.
Không hiếm người đã tâm sự rằng ở Sài Gòn mấy chục năm mà chưa từng biết đường hoa Nguyễn Huệ, chưa biết cái mùi tết ở Sài Gòn nó như thế nào. Bởi cứ khoảng đầu tháng Chạp, khi tiết trời Sài Gòn se lạnh, các hàng phố bên đường bắt đầu rực lên màu đỏ của các phong bao lì xì thì đã cảm, đã nhìn ra cái màu Nguyên đán, lòng bắt đầu nôn nao về với gia đình lớn ở quê. Vậy nên thu xếp xong công việc cuối năm là cả nhà lên đường về quê ăn tết.
Với dân gốc miền Tây sống ở Sài Gòn, vấn đề tàu xe không phải là nỗi ám ảnh như một số bạn bè gốc miền Trung, miền Bắc. Cơ động nhất vẫn là xe máy, cứ tà tà tạch tạch rồi cũng về tới nhà, lại được hòa vào không khí rộn ràng của dòng xe cộ đang kìn kìn xuôi về quê ăn tết, vui lắm, thương lắm. Cứ nhìn vào dòng xe cộ ấy, có thể nhận ra kinh tế năm qua có tốt hay không, có thể dự đoán người dân miền Tây năm nay ăn tết như thế nào. Không tin? Bạn hãy cứ thử làm một chuyến ngao du bằng xe máy xuôi về miền Tây những ngày giáp tết.
Nhiều nhất trên đường về quê những ngày này vẫn là công nhân ở các khu công nghiệp trên Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương… Họ ở lại làm rốn thêm mấy ngày giáp tết, hoặc chờ lương thưởng của công ty. Dễ nhận ra họ bởi phía sau xe thường là thùng nước ngọt, giỏ quà tết khiêm tốn. Có người, chuyến xe là cả một phòng trọ: chiếc quạt máy, cái tivi cũ, bếp gas mini… Hẳn chuyến này về rồi không đi nữa, hoặc là đã đủ những bôn ba trải nghiệm, đã chán những bấp bênh của đời sống công nhân, hoặc có cha yếu mẹ già ở quê cần người chăm sóc. Có khi, chễm chệ trong lòng người cầm lái là một con chó, cũng ngang dọc nhìn ngó đường xuân, chuyến này về ăn tết quê một lần cho biết!
Cả năm đi làm xa, giờ về thăm gia đình, ai chẳng vui? Nhưng đâu đó trên gương mặt của người về vẫn có điều gì đó kém tươi. Dư âm của những ngày tăng ca cuối năm còn đọng lại hoặc lương thưởng cuối năm không được như mong đợi, mà tết nhất thì bao nhiêu thứ phải chi dùng. Thực tế, có những người đi làm xa, dù chỉ là công nhân lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn là đầu tàu cho cả một gia đình ở quê. Họ không dám ăn tiêu, chỉ trông chờ có lương lại chuyển về gia đình. Nhiều khi, sự vô tư đến mức ỷ lại của người ở nhà trở thành gánh nặng của những người đi làm xa. Nhiều cặp vợ chồng công nhân, tết là cả một nỗi ám ảnh. Cái sự về quê hay ở lại nhà trọ trong mấy ngày tết luôn được cân nhắc. Chỉ đến khi nhìn lại dãy hành lang phòng trọ dài hun hút chỉ còn có mỗi vợ chồng mình mới cám cảnh ăn tết xa quê. Lúc đó, chỉ cần một cuộc điện thoại động viên và thấu hiểu từ gia đình ở quê là vợ chồng con cái đùm túm về ngay. Thì cứ về với ông bà cái đã. Còn những khó khăn của sang năm, để sang năm tính.
Đường về miền Tây những ngày giáp tết cũng là không khí chộn rộn mà người dân hai bên đường đang chuẩn bị cho mấy ngày tết. Những cây mai được bứt lá từ giữa tháng Chạp nhưng do thay đổi thời tiết nên bung cánh sớm, thậm chí, chỉ mới hai mươi mấy tết nhưng đã có những gốc mai khảm vàng cánh lụa trên những khoảnh đất. Dọc theo các con lộ nhỏ, thỉnh thoảng lại thấy vài chiếc xe ba gác chở rau củ quả bán cho cư dân sống hai bên đường. Chợ ở miền Tây thì không thiếu, mật độ cũng không xa lắm nhưng những “cửa hàng di động” này vẫn tiện lợi, vì chỉ mớ rau con cá mà đi chợ thì làm biếng, vậy nên cứ ra đường đón mua cho tiện. Đâu đó dọc đường, những mẹt củ kiệu, dưa cải đang được phơi trên hàng rào dành dành trước nhà. Giờ này mà còn muối dưa, chắc ra Giêng mới ăn tết. Cũng có khi, bà mẹ đang phơi kiệu để qua tết có cái hũ kiệu cho thằng con trai mang lên Sài Gòn lai rai tân niên với bạn chung phòng trọ. Thi thoảng, dưới những cây cầu bắc ngang sông, vài chiếc ghe chở bông vạn thọ tạch tạch chạy ngang qua. Dường như người lái ghe cũng ráng chạy thật chậm, cho máy nổ thật khẽ để còn lắng nghe tiếng gọi đò từ hai bên bờ kinh. Trong các xóm dọc bờ kinh, cứ độ này là mấy đứa nhỏ lại nhận thêm nhiệm vụ canh me đón mấy chiếc ghe chở hoa, đặng ới lại mua hoa, phần thì xếp đầy hàng hiên cho nhà có không khí tết, phần đem ra nghĩa trang để trên mộ của ông bà nội ngoại. Nhà nào cũng vậy nên lễ cầu cho ông bà tổ tiên vào ngày mùng 3 Tết, cả nghĩa trang vàng rực một màu vạn thọ như một thành phố hoa. Mùa xuân của đất trời đến từng ngôi nhà và bầu không khí ấm cúng linh thiêng ở nghĩa trang bắt đầu từ những chuyến ghe dọc đường như vậy…