Một nhà ngoại giao chuyên nghiệp Thái Lan triển lãm tranh chung với một họa sĩ chuyên nghiệp Việt Nam; phía sau cuộc gặp gỡ nghệ thuật này còn có nhiều nhân vật đáng chú ý – đó là câu chuyện về phòng tranh “Mưa vàng” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 8-6 đến 16-6).
Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh – bà Panpimon Suwannapongse sinh ra và lớn lên ở Nakhon Ratchasima, tỉnh lớn nhất vùng Đông Bắc Thái Lan, sau đó chuyển đến thủ đô Bangkok học tập. Làm công tác ngoại giao từ năm 1980 nhưng tình yêu dành cho nghệ thuật đã hình thành nơi bà Panpimon rất sớm.
Nhà ngoại giao yêu thích tranh sơn mài Việt
Bà Panpimon Suwannapongse bắt đầu vẽ từ năm bảy tuổi, theo thời gian hội họa trở thành niềm đam mê của nhà ngoại giao này. Đam mê ấy càng trở nên sâu đậm hơn khi bà đến Việt Nam năm 2004, nhận nhiệm vụ tham tán công sứ tại Đại sứ quán Thái Lan ở thủ đô Hà Nội. Trước đó, bà Panpimon chưa từng biết đến chất liệu sơn ta truyền thống của người Việt và chỉ vẽ tranh sơn dầu. Được nhiều người bạn Việt Nam khuyến khích, bà đã thử làm quen với thứ chất liệu mới ấy. Năm 2006, bà học vẽ tranh sơn mài từ họa sĩ Nguyễn Quốc Cường. Với sự say mê và lòng kiên nhẫn, bà mau chóng nắm bắt được kỹ thuật làm tranh sơn mài chỉ trong vòng một năm. Từ đó, sơn mài trở thành chất liệu chính để nhà ngoại giao Thái Lan bày tỏ cảm xúc trước cuộc sống, và vẽ tranh sơn mài trở thành một sở thích tao nhã, giúp bà giải tỏa những áp lực trong công việc thường ngày.
Từ kỹ thuật căn bản của sơn mài Việt, bà Panpimon tiếp tục khám phá và hình thành một cách thể hiện cho riêng mình. Trong tranh sơn mài của bà giờ đây có nhiều yếu tố phụ trợ, bao gồm cả những đồng tiền xu, lá vàng và bạc, đá, hạt, vỏ sò… đi cùng với rất nhiều chi tiết nhằm tạo hiệu quả thị giác thú vị, bắt mắt. Chẳng hạn trong tác phẩm được dùng làm tiêu đề cho cuộc triển lãm này, tác giả đã đưa cả bùn đất lên mặt tranh cùng với quỳ vàng, bạc nhằm tạo hình ảnh những chùm pháo hoa nở bung trên bầu trời đêm, tựa như một cơn mưa vàng đang rơi xuống mặt biển xanh. Hay với bức Dòng kẻ vàng, tác giả cũng dùng thủ pháp và kỹ thuật tương tự để diễn tả những làn sóng nước dưới ánh nắng, trông lấp lánh như những sợi chỉ vàng. Còn trong tác phẩm Tết nguyên đán Việt Nam (cùng vẽ với họa sĩ Nguyễn Quốc Cường), có đá nhiều màu, vỏ sò, vỏ trứng, bùn, quỳ vàng và bạc, mà theo bà Panpimon “để nhớ lại những ngày tết Việt của tôi tại Hà Nội, với hoa đào nở rộ, bầu trời xanh trong và mặt đất xanh tươi cây cỏ…”.
Trong tổng số hơn 20 bức tranh của bà Tổng lãnh sự Thái Lan được triển lãm dịp này, bên cạnh những tác phẩm đề tài Việt Nam, có thể thấy một chủ đề lớn là tình yêu dành cho quê hương, cho nhà vua Thái Lan cùng một số bức phản ánh những thời điểm quan trọng trong cuộc sống của bà, đã giúp hình thành nên nhà ngoại giao – nghệ sĩ Panpimon Suwannapongse hôm nay. Như bức Quê nhà II được bà vẽ năm 2008 tại Hà Nội, bằng cách đưa vào tranh đá và hạt nhiều màu, vỏ sò, bùn đất, quỳ vàng và bạc, tác giả muốn diễn đạt “những tia nắng vàng rọi xuống quê nhà của tôi, nơi hạnh phúc và sự bình yên cùng tồn tại: quê nhà của tôi luôn luôn trong tâm hồn tôi”. Còn với bức Một và chỉ một III, tác giả đã dùng rất nhiều đồng tiền có hình ảnh Quốc vương Thái Lan gắn trên mặt tranh để thể hiện “Đức vua Bhumibol kính yêu, người cha của đất nước chúng tôi”.
Màu sắc trong tranh của bà Panpimon thường ấm áp và tươi sáng, bởi theo tác giả thì “tranh được treo trong nhà nên phải mang sự yên lành và niềm vui đến cho chủ nhà cũng như bất kỳ ai nhìn thấy chúng”. Với những người khách được mời đến nhà riêng của bà Tổng lãnh sự Panpimon Suwannapongse tại Hà Nội trước đây hay tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, họ có thể chiêm ngưỡng hàng loạt tác phẩm sơn mài được bà vẽ trong nhiều năm, mà số tranh cứ tăng dần vì tác giả dù bận rộn với công việc đến đâu cũng cố gắng mỗi quý lại đưa vào bộ sưu tập của riêng mình một bức tranh mới. Nhà riêng của bà giống như một gallery vậy!
Một triển lãm đáng nhớ
Đến nhận nhiệm vụ tại TP. Hồ Chí Minh năm ngoái, bà Panpimon Suwannapongse đã kết bạn với nhiều gương mặt mỹ thuật tại đây, trong số đó có bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật và họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, một chuyên gia về kỹ thuật sơn mài truyền thống, người từng thọ giáo họa sĩ Nguyễn Gia Trí – nhà khai sáng nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Chính họa sĩ Nguyễn Xuân Việt đã thừa nhận giá trị nghệ thuật của tranh sơn mài được bà Panpimon sáng tạo. Còn với họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, người cùng đứng tên với bà Panpimon trong triển lãm “Mưa vàng”, ông cũng bày tỏ sự bất ngờ khi được tận mắt xem tranh của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Bên cạnh tranh sơn mài của bà Panpimon là 15 bức tranh sơn dầu của họa sĩ Hứa Thanh Bình, hầu hết được ông vẽ thời gian gần đây với đề tài đa dạng: có những tranh thiếu nữ quen thuộc, có những chú ngựa dũng mãnh – loài vật mà Hứa Thanh Bình đặc biệt yêu thích, và nhiều hình ảnh khác mà theo tác giả thổ lộ thì ông “đi tìm trong vô tận của thiên nhiên, con người lời giải đáp của sự hướng thiện, nhưng năm tháng vẫn là sự đơn độc. Tôi đi tìm trong không gian vô hình đầy ánh sắc để chứa đựng xúc cảm, ý tưởng, và những điều không thể nói ra nhưng mãi vẫn mâu thuẫn với chính tôi. Tôi muốn vung bút mạnh mẽ để diễn đạt một đời sống giản đơn yên bình. Trong không gian hẹp của bức tranh, tôi đi tìm tự do…”.
Triển lãm “Mưa vàng” còn có sự góp sức của nhà sưu tập Thái Lan nổi tiếng Tira Vanichtheeranont, người sở hữu một kho tàng tranh Việt quý giá, chủ nhân gallery 333Gallery ở Bangkok, và đây sẽ là một cuộc gặp gỡ thật đáng nhớ.
- Như Hoa