Đôi vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy – Lương Ánh Tuyết và con trai Nguyễn Đức Phước đã cùng họa sĩ Yoshifumi Hama đến từ Nhật Bản tổ chức triển lãm tranh sơn mài có tên “Bốn người chúng tôi” tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 1 Lê Hồng Phong, Huế – từ 30-5 đến 6-6).
Điểm chung của bốn người là cùng đem “cái tôi” phóng chiếu trên bề mặt phẳng – bóng – trong – sâu đặc trưng thị giác của sơn ta truyền thống Việt, song tranh họ có nhiều nét riêng thú vị. Điểm nhấn của triển lãm chính là họa sĩ Yoshifumi Hama (sinh năm 1949) với chùm bảy bức tranh có tựa chung Tôi và Huế. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành nghệ thuật và thiết kế tại Nhật năm 1974, ông sang Việt Nam và bắt đầu nghiên cứu về sơn mài tại Huế năm 1997. Từ đó, đều đặn hằng năm ông sang đất Việt và dành 3-6 tháng tìm hiểu sâu về sơn mài tại xưởng vẽ của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy – Lương Ánh Tuyết trên đồi Thiên An cảnh quan tuyệt đẹp. Nhờ đó, đến hôm nay Yoshifumi Hama đã thông thạo các công đoạn, quy trình thực hiện tranh sơn mài Việt Nam.
Ngắm tranh Yoshifumi Hama, không còn thấy dấu vết của người học nghề, ngược lại họa sĩ đã làm chủ được kỹ thuật sơn mài đồng thời còn tạo được ý vị nhờ thủ pháp wabi và sabi trong nghệ thuật thiền Nhật Bản được sử dụng trong tranh. Tranh sơn mài của ông không quá bóng lộn mà vừa đủ tỏa rạng cái đẹp trong sự đơn sơ, tự thân, pha lẫn chút buồn man mác, phiêu phất, hoài cảm quá khứ, vương vấn sự chuyển dịch của thời gian. Trong tranh nào, cảnh nào tác giả cũng phóng chiếu bản thân mình qua hình ảnh một nhân vật – đạo sĩ tương thông, tương giao với cảnh/vật bằng sự khái quát hóa hoặc chỉ nhấn nhá vài ba đặc điểm chứ không cố tình mô tả, phụ thuộc vào cảnh/vật thật của xứ Huế. Năm 2012, Yoshifumi Hama đã triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Nhật.
Chùm tranh Giấc mơ tôi của họa sĩ Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1960) gồm tám bức tranh khổ vuông đầy ám ảnh qua hình ảnh người (và sọ người) cắn ngón tay, thể hiện trạng thái tâm lý bất định, mơ hồ, phân vân chọn lựa. Mười bức tranh Vườn tôi của Lương Ánh Tuyết (1960) cho thấy nữ tính bộc lộ trên từng tác phẩm. Có thể coi đây là những trang nhật ký hội họa về khu vườn nửa thật nửa hư cấu với nhân vật nữ ngắm hoa, ngắm trăng… trong vòm cây lá xanh lạnh như một ảo ảnh. Nguyễn Đức Phước (1991) đang tuổi sinh viên nhưng từ tuổi thơ đã làm quen với chất liệu sơn mài và từng vẽ nhiều tranh sơn mài, chính vì vậy chùm tranh Gia đình tôi cho thấy Đức Phước thật thoải mái trong cách tạo hình, tìm cảm hứng sáng tác ngay từ cuộc sống của chính gia đình mình. Chân dung ba, mẹ và chính bản thân Đức Phước được thể hiện hài hước và vui nhộn với thủ pháp cường điệu hơi hướm con trẻ.
Với đôi họa sĩ Nguyễn Đức Huy – Lương Ánh Tuyết, số tranh họ triển lãm lần này quá khiêm tốn so với những gì họ đã thực hiện lâu nay tại ngôi nhà – xưởng vẽ trên đồi Thiên An. Năm 2000 họ cùng nhau tạo dựng một “vương quốc sơn mài” gồm vô số tranh vẽ cùng các vật dụng gia đình, từ bàn ghế đến lư hương, chân đèn…, tất cả đều được phủ sơn ta. Nghệ thuật sơn mài truyền thống còn giúp họ thường xuyên sang Pháp giảng dạy và làm dự án nghệ thuật kể từ năm 1997 đến nay. Triển lãm lần này là cách họ ủng hộ và giới thiệu người bạn Nhật Bản yêu mến sơn mài Việt Nam đến với công chúng cố đô Huế. “Bốn người chúng tôi” có chất lượng nghệ thuật đáng quý vì hiếm thấy triển lãm nào có độ thuần sơn ta hoàn toàn như vậy.
- Võ Xuân Huy