Đã có những phân tích về sự tuột dốc liên tiếp của cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày gần đây trong mối quan hệ với thị trường tác phẩm mỹ thuật toàn cầu, bởi các nhà sưu tập Trung Quốc đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn tại các sàn đấu giá danh tiếng nhất.
Vào tháng 5-2015, chỉ trong một phiên đấu giá tại nhà Sotheby’s ở New York, ba bức tranh của các họa sĩ Claude Monet, Vincent van Gogh và Picasso đã được ba nhà sưu tập Trung Quốc mua với giá tổng cộng khoảng 116 triệu USD. Tỉ phú Vương Kiến Lâm (Wang Jianlin), người giàu nhất Trung Quốc theo tạp chí Forbes, ông trùm Tập đoàn Bất động sản Đại Liên Wanda đã mua bức Hồ hoa súng và những bông hoa hồng của Monet với giá 20,4 triệu USD, trong khi Vương Trung Quân (Wang Zhongjun), Chủ tịch Tập đoàn Giải trí Hoa Nghị Huynh Đệ (Huayi Brothers Media Corporation) mua bức Người đàn bà búi tóc ngồi trên ghế bành của Picasso với giá 22,9 triệu USD(1), và một doanh nhân – nhà sưu tập Trung Quốc giấu tên đã mua bức Đường trong nghĩa trang Alyscamps của Vincent van Gogh với giá 66,3 triệu USD, tác phẩm có giá cao thứ nhì của nhà danh họa Hà Lan tại các cuộc đấu giá lớn(2). Bình luận về khoản tiền khổng lồ đã bỏ ra mua tranh Monet, người phụ trách bộ phận mỹ thuật của Tập đoàn Đại Liên Wanda nói với trang mạng truyền hình CNBC: “Theo tôi đó là một cái giá dễ chịu”.
Với đà lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán Trung Quốc cộng với sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ trong vòng hơn hai tháng gần đây giới nhà giàu Trung Quốc đã mất trắng hàng tỉ USD. Trước tình hình đó, các chuyên gia về thị trường tác phẩm mỹ thuật đang nghĩ tới viễn cảnh không mấy sáng sủa của thị trường mỹ thuật toàn cầu có doanh số lên đến 50 tỉ USD/năm, khi mà giới sưu tập ở Trung Quốc đã mua tới 22% tổng trị giá tác phẩm mỹ thuật toàn thế giới trong năm 2014.
Ông Ken Yeh, Giám đốc điều hành gallery Acquavella ở New York, nguyên là Trưởng bộ phận châu Á của nhà Christie’s cho biết: “Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có tác động lớn, bởi các nhà sưu tập Trung Quốc đã trở thành một phần quan trọng của thị trường mỹ thuật thế giới”. Ngay trước khi xảy ra những diễn biến “kinh thiên động địa” tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật ở nước này đang cắt giảm chi tiêu của họ tại thị trường mỹ thuật nội địa. Theo số liệu của website Artnet (chuyên về giá cả tranh, tượng, cổ vật…), tổng doanh số các tác phẩm mỹ thuật bán tại Trung Quốc lục địa và Hongkong đã giảm tới 30% trong sáu tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái, từ 2,2 tỉ USD xuống còn 1,5 tỉ USD. Ngay vào mùa xuân năm nay – mùa đấu giá tranh quan trọng ở Hongkong, những nhà kinh doanh tác phẩm đã nói đến tình trạng sa sút này, theo lời ông Ken Yeh.
Một số nhà quan sát thị trường tác phẩm mỹ thuật toàn cầu lại đưa ra các so sánh giữa cơn sốt mua sắm tranh pháo của các nhà đầu tư Nhật Bản vào cuối thập niên 1980 với sự bùng nổ tương tựở các tỉ phú Trung Quốc hiện nay. Alexander Forbes của tạp chí online Artsy cho rằng các nhà sưu tập giàu có ở Nhật đã khiến thị trường tác phẩm mỹ thuật thế giới gần như sụp đổ vào thập niên 1990, khi mà họở vị trí đầu bảng trong số những người mua tranh các họa sĩ Ấn tượng vốn có giá cao nhất thời đó (tỉ phú Ryoei Saito đã mua bức Chân dung bác sĩ Gachet của van Gogh với giá 82,5 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York vào tháng 5-1990, nhưng khi nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái có tin đồn chính ông ta đã bán lại bức tranh cho nhà Christie’s với giá thấp hơn nhiều). Theo phân tích của Alexander Forbes, dù thị trường mua bán tác phẩm mỹ thuật nội địa tại Trung Quốc có giảm mạnh, nhưng các nhà đầu tư nước này lại gia tăng mua tranh của các họa sĩ phương Tây ở hai sàn đấu giá Christie’s và Sotheby’s. Nhà Christie’s cho biết trong nửa đầu năm 2015, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng chi tiêu hơn 47% so với cùng kỳ năm ngoái, còn với nhà Sotheby’s con số này là 51% vào mùa hè năm nay. Chính vì thế mà Alexander Forbes tin rằng sự chao đảo hiện nay ở thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ kéo theo sự chao đảo của thị trường mỹ thuật toàn cầu, tương tự như tình trạng bong bóng bất động sản ở Nhật tan vỡ hồi thập niên 1990.
Nhưng theo trang mạng Artsy, so sánh như trên là thiếu chính xác. Vào thập niên 1980, giới doanh nhân Nhật Bản khi mua tranh thường dùng làm quà tặng – đúng hơn là vật hối lộ, đút lót cao cấp cho quan chức chính phủ, cũng giống như giới doanh nhân Trung Quốc đã làm thời gian qua nhưng với “quà tặng” là cổ vật hay tranh cổ Trung Hoa. Chính vì thế, khi diễn ra chiến dịch chống tham nhũng tại Nhật thì thị trường tác phẩm mỹ thuật nội địa mới chịu tác động mạnh. Còn những nhân vật siêu giàu ở Trung Quốc khi mua sắm tác phẩm tại các thị trường phương Tây là cách họ tham gia vào sinh hoạt mỹ thuật toàn cầu và cũng là một sự đầu tư vững chắc, hơn bất kỳ sự đầu tư nào hiện nay. Nói cách khác, thị trường mỹ thuật nội địa ở Trung Quốc nếu có tan tành đi nữa thì giới giàu sụở đất nước này vẫn đủ lực để tiếp tục mua sắm tác phẩm phương Tây. Và giả dụ các nhà đầu tư Trung Quốc không còn giữ được vị trí của họ tại các sàn đấu giá Christie’s và Sotheby’s thì đã có những người mới đến từ nhiều nước khác. “Cuối thập niên 1980, gần như chỉ có người Nhật mua tranh, nay thì chúng tôi đang giao dịch với các nhà sưu tập đến từ châu Á, Mỹ Latinh, Hoa Kỳ, châu Âu và nếu như một phân khúc nào rời đi sẽ có ngay một phân khúc khác quay lại”, bà Suzanne Gyorgy, chuyên gia tư vấn thuộc Ngân hàng Citi Private Bank cho biết.
(1) Vào tháng 11-2014, cũng chính Vương Trung Quân đã mua bức Tĩnh vật, bình hoa cúc và hoa anh túc của Vincent van Gogh với giá 61,8 triệu USD tại nhà Sotheby’s ở New York
(2) Cao giá nhất là bức Chân dung bác sĩ Gachet đã được bán với giá 82,5 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York vào tháng 5-1990
- Đông Hà