“Ta say ngật ngưỡng giữa đời/ Người điên chập chững chợ trời văn chương/ Chẳng mong khanh tướng, áo cơm/ Mảng lo con chữ vô hồn về đâu?” – những câu thơ trong bài Thơ – đời mà Trần Nhật Vy dành tặng nhà thơ Bùi Giáng cũng thể hiện phần nào cuộc đời ông – một nhà nghiên cứu nặng lòng với lịch sử văn chương vì sợ văn chương bị lãng quên.
Ông đã có nhiều phát hiện mới mẻ liên quan đến đời sống xã hội, văn học, báo chí của Sài Gòn thế kỷ trước, được ghi lại trong những tập sách đã xuất bản như: Mười tám thôn vườn trầu, Chữ Quốc ngữ: 130 năm thăng trầm, Kim Vân Kiều truyện, Từ Bến Nghé đến Sài Gòn; Báo Quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19, Ba nhà báo Sài Gòn, Sài Gòn chốn chốn rong chơi… Mới đây nhất là hai cuốn sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924 tập 1 và 2 đã đạt giải Sách hay năm 2018 do Viện Giáo dục IRED trao tặng. Ông cho biết:
Giải thưởng Sách hay là một niềm vui bất ngờ, không mong đợi. Tôi chỉ cố gắng làm việc trong khả năng của mình, là đưa văn chương chữ quốc ngữ thời kỳ đầu của miền Nam ra ánh sáng, để mọi người biết đến.
Trong khoảng thời gian mà “nền văn chương Sài Gòn bị thất lạc” này, nhiều tác phẩm với đủ các thể loại đã xuất hiện trên báo chí Sài Gòn và Nam kỳ, hình thành nên một gia tài văn chương chữ quốc ngữ quý giá, làm nền tảng ban đầu cho nền văn học đẹp đẽ, phong phú như ngày nay.
____
Vì sao một giai đoạn văn chương quan trọng như thế lại không có mặt trong văn học sử hơn 100 năm qua?
Theo tôi là có ba nguyên nhân. Thứ nhất, văn chương chữ quốc ngữ miền Nam đã có từ trước những năm 1924 nhưng không ai viết tổng kết hay nhìn lại. Đó là một mặt yếu của người viết phương Nam. Trong khi đó, văn chương miền Bắc được tổng kết khá đầy đủ từ năm 1925, thời điểm cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời và được xem là “tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên của Việt Nam”.
Nguyên nhân thứ hai là ít người đọc được truyện, tiểu thuyết miền Nam chủ yếu đăng trên báo trong giai đoạn đầu từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1929. Người ta chỉ đọc được nhiều văn chương Nam kỳ khi tờ Phụ Nữ Tân Văn ra đời, tờ báo đầu tiên của miền Nam lưu hành ra miền Bắc.
Thứ ba là có thể nhiều người miền Bắc đã đọc được nhưng không hiểu văn chương Nam kỳ. “Ở Sài Gòn, người ta cũng nói tiếng Việt mà khác chúng ta”, đây là câu trong lá thư của một người lính miền Bắc, cho thấy người miền Bắc đôi khi không hiểu tiếng nói người miền Nam. Trước đây, một độc giả tham gia mục “Quán mắc cỡ” trên báo Tuổi Trẻ Cười đã có lần tranh cãi với tôi về con thằn lằn và con thạch sùng. Tôi đoán rằng độc giả ấy chưa vào miền Nam nên chưa biết đến con thằn lằn ở miền Nam chính là con thạch sùng ở miền Bắc!
““Nền văn chương Sài Gòn bị thất lạc” hình thành nên một gia tài văn chương chữ quốc ngữ quý giá, làm nền tảng ban đầu cho nền văn học đẹp đẽ, phong phú như ngày nay.”
____
Cơ duyên nào ông “gặp” được “nền văn chương Sài Gòn bị thất lạc”?
Trước đây, tôi thường thắc mắc vì sao những câu chuyện như Phạm Công – Cúc Hoa, Hoàng Trừu Công chúa đội đèn… thường được in phía sau cuốn tập thuở tôi còn học tiểu học, nhưng không được học… Thắc mắc này có lúc bị lãng quên, mãi đến giai đoạn làm báo, một người quen của tôi có thú sưu tầm báo xưa, mua được bộ Gia Định báo. Đây là tài liệu quan trọng cho nghiên cứu về lịch sử báo chí Sài Gòn nên tôi xin chụp lại từng trang bộ báo này. Chính tờ báo này thúc đẩy tôi chuyên tâm hơn vào việc nghiên cứu viết một bộ lịch sử báo chí Sài Gòn.
Gia Định báo là tờ báo “công quản” của chánh quyền Pháp ở Nam kỳ, số đầu tiên ra ngày 15-4-1865. Báo có hai phần nội dung là công vụ và thứ vụ. Công vụ là phần quan trọng nhất, chủ yếu là các lệnh, nghị định, thông báo… liên quan hoặc không liên quan tới dân chúng. Phần thứ vụ là mục tin tức, bài viết và những thông báo linh tinh của chính quyền. Nhưng từ số ngày 1-12-1881 trở đi, trong phần thứ vụ bỗng xuất hiện ba bài viết văn xuôi ngắn, trong đó có hai truyện là Tên chăn bò và Thằng ăn trộm với con heo của tác giả Trương Minh Ký chuyển từ thơ ngụ ngôn La Fontaine.
Đến nay, còn một số ý kiến cho rằng đây chỉ là tác phẩm dịch thuật nhưng tôi thì xem đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của người Việt, xuất hiện năm 1881, nên tôi chọn năm này là cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn. Khi đọc được những truyện này, ký ức thời tiểu học của tôi sống dậy và thúc đẩy tôi phải làm cái gì đó để cho mọi người cùng biết. Và từ đó tôi bắt đầu sưu tập những tác phẩm văn chương từ năm 1924 trở về trước.
Với tác phẩm Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã tạo nên một cuộc cách tân lớn trong nghệ thuật, trở thành người đi tiên phong mở đường cho cả phong trào tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn sau này. Nhưng 40 năm trước khi Tố Tâm xuất hiện, thì Sài Gòn đã có rất nhiều truyện, tiểu thuyết, dài ngắn khác nhau, thường được in trên những tờ báo quan trọng.
Khi nghiên cứu về báo chí trước năm 1975, tôi thấy rằng bên cạnh những tin tức hay bài nghị luận khô khan luôn có những tiểu thuyết đăng nhiều kỳ (feuilleton), khuyến khích độc giả mua báo mỗi ngày. Các vị chủ bút, phó chủ bút cũng là cây bút chính trên hầu hết các trang mục của một tờ báo.
Những cây bút văn chương thời kỳ này có thể kể đến Trương Minh Ký với bút hiệu Mai Nham (chủ bút tờ Gia Định báo từ 1881 đến 1897), Lương Khắc Ninh (chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Trung Lập báo), Trương Duy Toản (phó chủ bút Trung Lập báo, chủ nhiệm tờ Sài Gòn), Nguyễn Chánh Sắt (chủ bút Nông Cổ Mín Đàm), Nguyễn Viên Kiều tự Lão Ngạc, Đặng Thúc Liêng (chủ bút tờ Tân Văn, phó chủ bút tờ Trung Lập), Lê Sum (chủ bút tờ Công Luận báo), Lê Hoằng Mưu (chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn)…
Thời này, các tác giả viết truyện hay làm thơ cũng là một cách để truyền bá quốc ngữ, nên nội dung khá cô đọng và dễ hiểu, lời văn bình dị, nhẹ nhàng, văn gần với tiếng nói thể hiện sinh hoạt một thời của người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung, vì khi đó các tác phẩm rất gần gũi với đời sống hằng ngày. Văn chương chủ yếu viết từng kỳ, viết để in liền nên mỗi kỳ phải hấp dẫn người đọc.
Tôi muốn giới thiệu những sáng tác, dịch phẩm của những cây bút này để người đọc trẻ hôm nay thấy được rằng, ngay từ thuở ban đầu chữ quốc ngữ, tiền nhân của chúng ta cũng có công, có sức gầy dựng một mảng văn chương đáng kính trọng như thế nào nhưng vẫn còn nằm trong góc tối của lịch sử văn học nước ta.
“Thư viện Việt Nam bảo quản chưa tốt mà thiếu hẳn phần quảng bá. Người làm thư viện cũng cần được chuyên nghiệp hóa, để thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn.”
____
Ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu văn chương Sài Gòn giai đoạn này chứ?
Cuốn thứ ba trong bộ Văn chương Sài Gòn 1881-1924 tôi đã hoàn thành, hiện giờ tôi đang có một số nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu về đại đồn Chí Hòa – hệ thống đồn lũy lớn nhất mà triều đình Huế xây dựng trong hai năm 1860-1861 tại Sài Gòn. Lâu nay, đại đồn Chí Hòa được mọi người cho rằng là ở quận 10, nhưng tìm trên bản đồ xưa thì đây chỉ là một khu vực nghĩa địa bỏ hoang.
Theo tôi tìm hiểu được thì đại đồn này nằm ở quận Tân Bình mới chính xác. Việc nghiên cứu về địa danh này rất cần thiết, vì trận đại đồn Chí Hòa là mốc lịch sử Nam kỳ rơi vào tay người Pháp, nhưng đây cũng là cột mốc cho sự kiện vô cùng quan trọng, đó là sự ra đời của chữ quốc ngữ…
____
Trong quá trình nghiên cứu lịch sử và văn chương, ông có gặp nhiều khó khăn không?
Tài liệu tôi tìm thấy được thường là cái duyên. Có khi một phần tài liệu tôi đã có trong tay nhiều năm nhưng không dùng đến. Khi kết hợp với những tài liệu mới bỗng trở thành một nguồn tài liệu đầy đủ về một vấn đề nào đó. Tôi cũng được sự hỗ trợ từ bạn bè ở nước ngoài, với kho báo chí tiếng Việt phong phú hơn cả trong nước.
Tuy nhiên, khi đến làm việc ở các thư viện trong nước, tôi cảm thấy tư duy thư viện ở Việt Nam còn nhiều vấn đề. Thư viện phải vừa có chức năng bảo quản, vừa có chức năng quảng bá, trong khi chúng ta bảo quản thì chưa tốt mà thiếu hẳn phần quảng bá.
Có lần, tôi sang Canada và ở lại nhà một người quen ở Montreal. Tôi tình cờ thấy anh chủ nhà đang học cao học, đọc một cuốn sách về trận Pháp tấn công Sài Gòn năm 1859, do người Pháp viết. Đây là một tài liệu quý, nên tôi rất muốn đưa về Việt Nam. Chủ nhà hứa sẽ tìm cách giúp tôi. Và hai hôm sau, cậu ấy đưa tôi cuốn sách và cho biết thư viện đồng ý tặng cuốn sách vì có hai cuốn, tất nhiên đây là bản in lại dành cho sinh viên của trường.
Chuyện nhỏ nhưng là một cách quảng bá hữu hiệu của thư viện. Hơn nữa, giữa các thư viện ở nước ngoài còn có sự trao đổi sách cũng như lưu trữ nhiều bản sao, đây là điều mà thư viện Việt Nam cần học hỏi. Người làm thư viện cũng cần được chuyên nghiệp hóa, để thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn.
“Giữ lại dinh Thượng Thơ là giữ lại xương máu và mồ hôi của tổ tiên ta đã đổ xuống để tạo nó nên hình nên dáng của di tích, cũng là nhắc nhở cho con cháu về một giai đoạn lịch sử của thành phố này.”
____
Việc nghiên cứu và viết hẳn cũng mất nhiều thời gian, trong khi đó “Cơm áo không đùa với khách thơ” là chuyện có thật…
Nghiên cứu là việc cả đời người và tôi cũng không mong kiếm nhiều tiền từ việc này. Sách của tôi viết ra không nhất thiết phải in thật nhiều, hay phải có nhà tài trợ. Có những giai đoạn sách viết ra chưa in được vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, tôi vẫn không cảm thấy nôn nóng. Đến nay, tôi thấy mình bắt đầu “có tuổi”, thời gian còn lại không nhiều, nên cần tích cực hơn.
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn dành cho mình thời gian rảnh để gặp gỡ bạn bè và đi du lịch. Mỗi ngày, tôi thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có khoảng không gian yên tĩnh cho công việc. Sau đó, tôi sẽ “la cà” cà phê, tán gẫu cùng bạn bè, gặp gỡ đối tác, tìm sách báo cũ, đến chiều khoảng 15 giờ tôi lại làm việc tiếp đến tối. Vì vậy, tôi thấy ngày nào đối với tôi cũng như ngày cuối tuần.
____
Nhưng không thể phủ nhận ông là một nhà nghiên cứu nghiêm túc với công việc?
Tôi thường nói mình không phải là nhà nghiên cứu văn học, chỉ là người mê văn chương, muốn đưa ra những thông tin, tài liệu chính xác để mọi người nhìn đúng đắn trước khi phê bình, đánh giá. Tôi cũng không phải là người giỏi văn, chỉ đam mê nghề viết. Ngày xưa đi học, môn luận văn của tôi chưa bao giờ đạt điểm trung bình, kể cả điểm thi tú tài. Nhưng tôi may mắn sống với bà ngoại, bà vú trong ngôi nhà đầy tình yêu thương, nơi mà lời nói hằng ngày tôi nghe luôn có vần, có điệu.
Tuổi thơ tôi cũng có nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với Sài Gòn, quê hương với những khu vườn trầu rợp lá, với những buổi hàn huyên với bạn bè bên ly cà phê. Văn chương cứ thế thấm vào máu thịt từ lúc nào, đến bây giờ tôi mới có thể viết được.
Kỷ niệm đẹp đẽ thuở ấu thơ luôn làm đẹp thêm cho cuộc sống mỗi người trưởng thành. Chúng ta không bao giờ lãng quên quá khứ, quên lịch sử. Vì vậy, những tư liệu lịch sử quan trọng phải được đưa ra ánh sáng. Những di tích có giá trị lịch sử phải được bảo tồn, chứ không nên xóa bỏ, như trường hợp dự định phá bỏ dinh Thượng Thơ mới đây.
“Mục tiêu phát triển là quan trọng đối với thành phố nhưng phát triển phải tính toán trên cơ sở mất mát tối thiểu nhất, không thể phát triển bằng mọi giá.”
____
Một số người cho rằng việc bảo tồn các di tích lịch sử của một thành phố đôi khi không phù hợp với các mục tiêu phát triển, ông nghĩ sao?
Mục tiêu phát triển vẫn quan trọng đối với thành phố nhưng phát triển phải tính toán trên cơ sở mất mát tối thiểu nhất, không thể phát triển bằng mọi giá. Tôi nhớ một anh bạn người Úc khi trở về thăm quê hương, cứ bắt tôi phải chở ra sông Sài Gòn để “ôn” lại một thời tuổi trẻ. Nhưng khi ra đến nơi thì anh thất vọng đòi về vì sông không còn như xưa nữa…
Tôi từng rất bàng hoàng với những sự phát triển bất chấp của Sài Gòn, trước cái chết của khu Ba Son, nơi từ thế kỷ XVIII là xưởng đóng tàu bè của Nguyễn Ánh, sau đó là những cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng và trong khuôn viên nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã bị chặt đi. Đến khi dinh Thượng Thơ định phá bỏ thì tôi không thể không lên tiếng.
Theo tôi, ở Sài Gòn có hai ngôi nhà không thể đập bỏ. Một là ngôi nhà của Vương Thái, một người Hoa từ Hongkong qua Sài Gòn làm ăn, nay là trụ sở Cục Hải quan thành phố. Đây là ngôi nhà lớn nhất được xây dựng ở Sài Gòn vào giữa thế kỷ XIX. Và thứ hai là dinh Thượng Thơ, ngôi nhà đầu tiên Pháp xây dựng tại Sài Gòn ở số 59-61 Lý Tự Trọng, cũng là tòa soạn Gia Định báo – tờ báo quốc ngữ đầu tiên.
Dinh Thượng Thơ do Pháp xây dựng năm 1864 gọi là Nha Nội vụ với rất nhiều nhiệm vụ như: tòa án bản xứ, trường học, tài chánh sự vụ, công chánh… Nói chung là mang dấu ấn lịch sử rất lớn, không nên đập bỏ. Giữ lại dinh Thượng Thơ không phải là giữ dấu tích của kẻ thù mà là giữ lại xương máu và mồ hôi của tổ tiên ta đã đổ xuống để tạo nó nên hình nên dáng của di tích này, cũng là nhắc nhở cho cháu con một giai đoạn lịch sử của thành phố đã từng trải qua.
“Không có quá khứ thì không thể có tương lai”, ngạn ngữ phương Tây đã nói như vậy, chính quá khứ đó đã góp phần định hình cuộc sống chúng ta hôm nay. Nếu không thể ghi công trong việc xây dựng thành phố, thì chúng ta cũng đừng để con cháu sau này phiền trách vì đã tàn phá nó!
____
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.