Trong cuộc sống, chúng ta có nhiều loại cảm xúc khác nhau, vui buồn đủ cả, nhưng nổi nóng là loại cảm xúc nguy hiểm nhất vì có thể phá hoại những mối quan hệ với một hoặc nhiều người.
Theo nhà tâm lý học TS Charles Spielberger thì “nóng giận là một cảm xúc đi từ bực mình đến nổi giận” . Cũng như những cảm xúc khác, bao giờ nó cũng kèm theo một số thay đổi về sinh lý học và sinh học, chẳng hạn tim đập nhanh, huyết áp tăng…
Bản năng con người là phản ứng mạnh mỗi khi nóng giận nhưng mỗi người lại có một cách ứng xử khác nhau. Có người dùng lời nói và hành động (la lớn, quăng đồ vật…) và đó là cách xấu nhất vì làm cho tình hình nghiêm trọng hơn, nếu đối tượng nóng giận của mình cũng hành động tương tự thì xô xát có thể xảy ra mà cuối cùng không giải quyết được vấn đề. Có người khi giận ai luôn ráng nhịn, không bộc lộ ra ngoài, nhưng cơn nóng giận cứ âm ỉ trong lòng, dễ dẫn đến một số bệnh như đau bao tử, cao huyết áp. Cách này cũng không giúp hàn gắn được mối quan hệ đang bị sứt mẻ. Cách cuối cùng là biết kiểm soát cơn nóng giận, không vội quyết đoán mà bình tĩnh nhìn lại vấn đề, tìm hiểu rõ nguyên nhân. Đây chính là cách tốt nhất để xử lý vấn đề tranh cãi.
- Xem thêm: Tìm hiểu bệnh tâm thần phân liệt
Ai cũng có lúc nổi nóng và đều phải đối mặt với một số hậu quả sau khi cơn nóng giận đã qua (đổ vỡ trong quan hệ bạn bè, sự xa lánh của con cái, sự buồn phiền của người thân… Dù là ai hay trong bất kỳ tình huống nào thì nổi nóng cũng không thể được xem là cách tốt để giải quyết mâu thuẫn. Thương lượng và giải quyết các vấn đề tranh chấp trong ôn hòa luôn có những kết quả tốt hơn hẳn. Ngoài những ảnh hưởng xấu trong xã hội, việc nổi nóng còn gây những nguy hiểm cho sức khỏe cho bản thân của người không tự kiềm chế được như mắc chứng cao huyết áp, bệnh tim mạch. Do đó, chúng ta nên học cách kiềm chế cơn nóng giận để giải tỏa sự căng thẳng, gỡ dần mâu thuẫn và tiến tới xóa bỏ hẳn mâu thuẫn.
Khi lỡ nổi nóng ở nhà riêng với những người thân thì vụ việc chưa nghiêm trọng lắm, nhưng nếu ở cơ quan thì nhiều rắc rối sẽ xảy ra, cho dù bạn là lãnh đạo hay nhân viên.
Một điều dễ hiểu là ngày nào ai cũng gặp thử thách trong công việc nên thần kinh dễ bị căng thẳng và dễ nổi nóng khi gặp việc nào đó không vừa ý.
Để chủ động kiềm chế cơn nóng giận, bạn hãy hít thở sâu nhiều lần, tự nhủ với mình nhiều lần “Hãy bình tĩnh!”, sau đó cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây bực mình, suy nghĩ đến những ưu điểm của người làm mình tức giận, suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu và đừng bao giờ dùng những lời lẽ nặng nề với đối phương vì như vậy sẽ làm đối phương cũng giận dữ càng làm cho nguy cơ xung đột bùng nổ. Sau này, dù mâu thuẫn đã được giải quyết thì tình cảm giữa hai người cũng ít nhiều bị sứt mẻ.
Trong tất cả các loại cảm xúc, cơn nóng giận gây tổn hại nhiều nhất vì nó ảnh hưởng ít nhất đến hai người.
Nóng giận mất khôn! Ai cũng biết vậy nhưng có phải lúc nào chúng ta cũng làm chủ được bản thân mình không? Nhà triết học Von Goethe đã nói: “Suy nghĩ rất dễ nhưng hành động thật là khó. Điều khó nhất trong thế gian này là làm thế nào để có thể hành động theo đúng suy nghĩ của chúng ta”.
Nóng giận là một cảm xúc tự nhiên của con người. Nếu kiểm soát được các cơn nóng giận, không những chúng ta cảm thấy hài lòng với cuộc sống mà còn gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp nữa.