Có rất nhiều quan niệm về thực phẩm và chế độ ăn uống được mọi người tham khảo để áp dụng. Tuy nhiên, không phải mọi quan niệm đó đều đúng.
Đừng ăn sau 6 giờ chiều?
Theo Spark People, thông thường mọi người đều quan niệm không nên ăn sau 6 giờ chiều để hạn chế tăng cân. Thật ra thì ăn gì và ăn bao nhiêu mới quan trọng hơn so với thời điểm ăn. Tốt nhất là dùng bữa cuối khoảng ba giờ trước khi đi ngủ với bữa ăn vừa phải. Đi ngủ với bụng đầy có thể khiến cơ thể không được nghỉ ngơi mà vẫn phải nỗ lực xử lý thức ăn, thậm chí gây khó tiêu, đầy hơi và tăng cân.
Có thể uống nước trái cây không hạn chế?
Nước ép trái cây chứa nhiều đường, vì vậy không nên uống quá nhiều. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên uống nhiều nhất ba ly nước ép trái cây mỗi ngày, lượng vừa đủ giúp làm mát cơ thể, vừa phát huy tác dụng của trái cây.
Sushi là thức ăn lành mạnh?
Theo Independent, sushi có nguyên liệu là cá sống, cơm gạo trắng, giàu carbs tinh chế, vì vậy cần nhiều thời gian để tiêu hóa, dẫn đến tăng lượng đường trong máu và khiến bạn thèm ăn nhiều hơn. Ngoài ra, sushi thường ăn kèm với nước xốt chứa nhiều đường, calo và muối, không tốt cho sức khỏe.
Chocolate không tốt cho cơ thể?
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn một lượng thích hợp chocolate đen mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe con người như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kiểm soát sự thèm ăn… Tuy nhiên, cũng chỉ nên ăn chocolate ở mức vừa phải vì nó chứa chất béo bão hòa và hàm lượng calo cao, ăn quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể.
Ăn ít sẽ giảm cân?
Một số người quan niệm càng ăn ít đi thì sẽ tiêu thụ ít calo, nhờ đó tăng tốc độ giảm cân. Về lý thuyết, điều này có vẻ đúng, nhưng thực tế nó lại gây tác dụng ngược lại. Khi ăn ít, cơ thể trong thời gian dài bị thiếu dinh dưỡng và lâu dần sẽ phá vỡ quy tắc ăn uống, cơ thể sẽ tiêu thụ bất cứ thứ gì để bù đắp năng lượng. Kết quả là sẽ càng ăn nhiều hơn. Tốt nhất là chia nhỏ thành 5-6 bữa ăn mỗi ngày, mỗi bữa cách nhau 3-4 giờ để kiểm soát cơn đói và giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Uống nhiều nước hằng ngày?
Theo New York Times, lượng nước mà mỗi người thực sự cần không hoàn toàn giống nhau mà dựa trên hoạt động mà người ấy tham gia mỗi ngày, theo cân nặng, môi trường (nhiệt độ, độẩm) và nhiều điều kiện khác. Trong thực tế, cơ thể con người có chức năng báo hiệu khi nào cần phải uống nước trước khi bạn thật sự bị mất nước. Vì vậy, trừ khi bạn muốn, đừng uống nước nếu bạn không khát.
Từ bỏ mọi chất béo?
Không phải chất béo nào cũng gây hại. Chất béo là một phần thiết yếu của chế độ ăn, chứa vitamin và các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe. Cách tốt nhất để phát huy tác dụng của chất béo là ăn có chừng mực.
Đường nâu tốt hơn đường trắng?
Theo Fit Day, sự khác biệt giữa hai loại đường trắng và nâu là đường nâu chứa mật đường, tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng giữa hai loại này về cơ bản không khác biệt nhau. Hơn nữa, giống như đường trắng, đường nâu cũng chứa nhiều calo, vì vậy nên sử dụng hạn chế trong chế độ ăn hằng ngày để tránh tăng cân và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính nguy hiểm.
Ăn trái cây sau bữa ăn?
Ăn trái cây trong hoặc ngay sau bữa ăn có thể khiến dạ dày bị kích thích, gây khó tiêu, đầy hơi. Do vậy chỉ nên ăn trái cây như món ăn vặt trong bữa sáng hoặc buổi chiều.
Chỉ có tập thể dục mới đốt cháy calo?
Nhiều người nghĩ rằng để đốt cháy lượng calo tiêu thụ chỉ có cách tập thể dục. Tuy nhiên, phương pháp này không an toàn, thậm chí có thể gây kiệt sức, chấn thương… Nên nhớ rằng, cơ thể hoạt động và đốt cháy calo liên tục cả ngày trong lúc bạn di chuyển, đi, đứng, kể cả khi ngủ. Quá trình trao đổi chất của cơ thể có thể đốt cháy 1.200-1.500 calo mỗi ngày mà không cần tập thể dục.
Trái cây và rau củ lành mạnh như nhau?
Một báo cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh cho biết dinh dưỡng từ rau củ sẽ giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Trái cây thường chứa hàm lượng đường tự nhiên cao, nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu, gây mệt mỏi, cáu kỉnh. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên lượng thức ăn tốt nhất cho một ngày bao gồm bốn phần rau củ và một phần trái cây.
- Thúy Vi sưu tầm