Ban Thư ký Công ước về Thương mại quốc tế các loài động – thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thông qua Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ trước tình trạng buôn bán sừng tê giác tại Việt Nam và Mozambique.
Thông cáo của WWF đánh giá động thái này là bước đi tích cực nhằm hướng tới việc bảo vệ tê giác, khi CITES yêu cầu các nước dính líu nhiều nhất vào hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác thể hiện trách nhiệm. CITES nhất trí cử các thành viên Ban Thư ký tới Việt Nam và Mozambique để đánh giá tình hình trên thực tế vì họ coi đây là hai quốc gia có hoạt động buôn bán sừng tê giác mạnh nhất. Dựa trên kết quả đánh giá của nhóm chuyên gia, CITES có thể sẽ đề nghị áp đặt trừng phạt thương mại nếu những nước này không cải thiện đáng kể tình trạng trên.
Thông cáo báo chí của WWF nêu rõ CITES sẽ không nhân nhượng trong hoạt động buôn bán sừng tê giác. Tình trạng luật pháp thiếu hiệu quả cũng như việc không bắt giữ, khởi tố và kết tội các đối tượng buôn bán – vận chuyển sừng tê giác ở hai nước Việt Nam và Mozambique là không thể chấp nhận được. Theo WWF, việc quản lý nhà nước chặt chẽ có ý nghĩa quyết định tới việc phá vỡ các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia đứng đằng sau hoạt động buôn bán sừng tê giác và đe dọa tới sự an toàn của quần thể tê giác còn lại trên thế giới. Nếu không có tiến triển đáng kể nào trong thời hạn một năm, CITES cần phải áp đặt trừng phạt thương mại.
Trước đó, nhân hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước CITES diễn ra từ ngày 24-9 đến 5-10 tại Johannesburg (Nam Phi), ông Carter Roberts – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Điều hành WWF – đã có bài viết đăng trên tạp chí Time số ra ngày 20-9 cho rằng trong cuộc đấu tranh để bảo vệ loài tê giác tại châu Phi, Việt Nam cần phải triệt tận gốc việc mua bán sừng tê giác, mặc dù chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định, nhưng vẫn chưa đủ. Ông Carter Roberts lưu ý nếu Việt Nam không nỗ lực và có những tiến bộ thực sự trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trái phép sừng tê giác vào Việt Nam thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt thương mại theo quy định của CITES.
Tại Nam Phi có gần 6.000 con tê giác bị bắn trộm kể từ năm 2007 đến nay. Hầu như không có cách nào để cứu loài động vật sắp tuyệt chủng này thoát khỏi nạn săn bắn trộm, khi công tác bảo tồn động vật hoang đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp liên quan chằng chịt với nhau.
Tại Việt Nam, trước những chỉ trích ngày càng gia tăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị yêu cầu chính quyền địa phương khắp cả nước phải có những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và xử lý các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đây là một dấu hiệu đầy hứa hẹn, nhưng cần có thêm những biện pháp hành động cụ thể, cũng như quy định những thời hạn thực hiện rõ ràng.
T.K (DNSGCT)