Có nước mới có sự sống. Ở miền Tây Nam bộ có hai mùa mưa nắng rõ rệt: mùa mưa thì nước mênh mông đồng ruộng; mùa nắng thì ao đìa cạn, đồng khô cỏ cháy.
Và cũng từ đặc điểm tự nhiên đó, cư dân vùng đất mới dần hình thành nên nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng với… nước!
Từ thực tế điền dã, chúng tôi xin có đôi dòng tản mạn về chuyện xin nước, đổi nước của cư dân trong mùa nắng hạn nơi này.
1.
Vào mùa mưa già, nước mênh mông tràn trề khắp đồng ruộng. Người làm đồng, sau một buổi nhổ cỏ, đắp bờ, hay sau bữa cơm qua loa ở bờ mẫu ruộng, có thể tìm chỗ nước trong, dùng tay khỏa rồi bụm tay lấy nước uống.
Nước mưa trong vắt, ngọt lịm. Hành động đó vừa tự nhiên mà in dậm dấu ấn nguyên thủy dân gian trong cuộc sống của người bình dân.
Nước mưa rơi xuống mái nhà lợp bằng lá dừa nước. Nước từ mái nhà lại chạy xuống những chiếc máng xối làm từ thân cây dừa, cây cau… rồi tuôn vào lu, khạp.
Các nhà vùng thôn quê thường để những cái lu, cái khạp phía đầu xông, trước cửa. Trên nắp khạp, nắp lu thường có cái gáo dừa tra cán bằng trúc, tre… để múc nước.
Nước trong lu vừa để uống, vừa để nấu ăn. Những nhà khá giả hơn thì để thêm hàng lu, kiệu dọc theo hiên nhà để chứa nước dự trữ cho mùa nắng.
- Xem thêm: Nhớ ngày tắm sông, mò tôm, móc lịch
Nước mưa hứng mái lá uống rất đã khát. Cầu kỳ hơn, các cụ ông, cụ bà còn ra vườn chọn những trái bí đao già rửa sạch rồi thả vô lu, khạp, đậy nắp kín lại.
Mấy tháng sau, trái bí rả hết, uống nước lạnh trong lu đó sẽ cảm thấy ngọt hơn, mát hơn. Người Khmer gọi đó là Tưk t’ro chek.
2.
Những con đường làng quanh quẩn, nhiều khi luồn qua những rặng mù u, trâm bầu hay những bờ lá dừa nước in dấu chân khách bộ hành. Người đi đường xa, khi khát họ ghé lại nhà ai đó xin miếng nước uống.
Dù không hề quen biết, chẳng bà con thân thiết, nhưng chủ nhà không ai hẹp lượng. Được chủ nhà bằng lòng, theo tay chỉ ra khạp, lu để ở trước nhà, người xin nước cứ việc lấy gáo múc nước uống. Uống nước xong, người đi đường có thể xin ngồi nhờ dưới gốc gừa, gốc mù u ngoài sân để nghỉ chân.
May mắn, gặp trong nhà có những người đàn ông tốt bụng, nếu khách lỡ đường là nam nhân, họ còn được mời điếu thuốc rê vấn lá cà bắp phơi khô.
Sau vài ba câu chuyện thăm hỏi, người xin nước uống nói tiếng cảm ơn rồi tiếp tục lên đường. Tính cách trọng nghĩa, nhân ái, sự cưu mang, lòng bao dung thể hiện rõ nét trong biểu hiện văn hóa ứng xử này.
Phía trước nhà, dưới mé sông hoặc bên chái hè, người bình dân thường bắc những cây cầu nước. Đây là nơi dùng để rửa chân, rửa chén và tắm giặt.
Hình ảnh những cô gái chiều chiều ra bờ sông giặt áo đã trở thành đề tài cho biết bao thi sĩ, soạn giả đưa vào các nhạc phẩm, bài hát vọng cổ ngọt ngào, da diết. Đây cũng là nơi tắm rửa của các em nhỏ.
Sau một hồi lội sông, đùa giỡn hoặc mò tôm, bắt cá, chúng trở về, leo lên cầu nước tắm rửa lại thì tiện biết dường bao.
Ở cầu nước, người ta còn để những cái khạp, lu nhỏ rồi dùng những chiếc gàu bện, đươn/đan từ lá cà bắp để múc nước sông lên dự trữ.
Bởi nước lớn, sông mênh mông nước đầy, nhưng gặp những lúc nước cạn, không có nước để dành khó mà rửa hết sình bùn dính, bám.
3.
Trong xóm hay nhà ai đó có đất vườn rộng, hoặc cạnh đình làng, người ta thường đào cái ao lớn, ao này cách tương đối xa sông, rạch. Đây cũng là nơi để dự trữ nước ngọt vào mùa nắng hạn.
Ao mới đào, nhiều khi còn phèn, nước chưa thể dùng được ngay. Ao nước xài tốt thường để qua một hai mùa mưa nắng.
Đây là những cái ao vừa sâu, vừa rộng, nên có khi người ta thả nhiều bông súng đồng để mặt nước mát và ít bốc hơi vào mùa nắng.
Ra Giêng, nước chứa trong lu, khạp ở nhà đã hết, hàng xóm thường đến những cái ao làng này xin gánh nước mang về nhà xài.
- Xem thêm: Chợ quê của ngoại
Dưới bóng trăng thượng tuần những chàng trai cô gái trong xóm thường đến đây để xin nước, vừa để tìm hiểu, giãi bày tâm sự, nỗi niềm. Biết bao tình yêu lứa đôi cũng nảy sinh theo nhịp sống quê mùa như vậy.
Bài ca vọng cổ Gánh nước đêm trăng của soạn giả Viễn Châu được NSND Út Trà Ôn ca đến nay đã gần nửa thế kỷ vẫn còn in đậm trong lòng nhiều người. Xa hơn, ở đó phảng phất bóng dáng của nét sinh hoạt văn hóa ngày xưa ấy:
Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo
Trăng đêm nay dìu dịu cả không gian
Tôi với em đi gánh nước cạnh đình làng
Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng…
4.
Ngày trước, nhiều vùng gần giáp biển ở miền đất này sông rạch chỉ ngọt vào mùa mưa nhiều. Khi mùa nắng hạn đến, nước biển lấn dần vào làm cho nước sông chuyển mặn.
Từ đó, việc sinh hoạt của bà con cũng khó khăn do thiếu nước ngọt. Nước ngọt trong ao, đìa khó thể đáp ứng được cho cả vùng. Dân gian xuất hiện những chiếc ghe đi… đổi nước.
Đây là những chiếc ghe lớn chở được một hai trăm giạ lúa. Ghe đóng bằng cây sao rừng chắc chắn. Người ta dùng dầu chai trét kín, nước ngoài sông không thể lọt được vào trong ghe.
Khi công việc đồng áng rảnh rang, để kiếm thêm chút thu nhập, hai ba anh em có sức khỏe rủ nhau rồi ra công chèo đến những vùng có nước ngọt cách đó một, hai chục cây số đem nước về đổi.
Đến nơi, người đi đổi nước cứ việc múc nước ngoài sông đổ cho đến khi nước gần đầy ghe rồi chèo ngược về vùng nước mặn.
Nghe tiếng rao: Đổi nước hôn! là bà con trên bờ biết ngay có những ghe nước ngọt đang đến. Ghe đổi nước, nhưng thứ vật đổi là tiền chứ không phải nước hay vật dụng khác.
Dân gian kiêng không dùng từ mua hay bán bởi các thành tố này ghép với nước sẽ tạo nên từ đồng âm không hay, chỉ những kẻ hại quốc gia, dân tộc. Cách nói dân gian nhẹ nhàng mà cũng hết sức thâm thúy.
Khi trên bờ có nhà cần nước ngọt, họ kêu ghe đổi nước ghé lại. Đổi nước cũng có nhiều cách, nhiều giá. Tùy theo thỏa thuận giá cả, nhà nghèo, có sức thì chủ nhà sẽ tự gánh nước từ ghe lên lu.
Người đi đổi nước chờ nước đầy lu rồi tính tiền. Nhiều nhà khá giả hoặc chỉ có người già sức yếu thì việc gánh nước sẽ do chủ ghe nước đảm nhiệm.
Lúc này, tiền công sẽ được tính thêm. Nước gánh bằng đòn gánh tre. Hai đầu là hai chiếc thùng đươn bằng tre dày khít, sau này nhiều người dùng đến thùng thiếc…
Người đi đổi nước chủ yếu lấy công làm lời, nếu là ghe nhà thì chỉ tốn công sức và vài ngày đi đường có thể kiếm thêm được ít tiền lo cho gia đình.
- Xem thêm: Về xóm chài xưa
Cũng có khi, người đi đổi nước không có ghe, họ phải đến mướn ghe của những nhà khá giả hơn trong xóm. Trừ chi phí mướn ghe, tiền kiếm được ít nhưng cũng chẳng lo lỗ lã, bởi công việc này chủ yếu là dùng sức của con người.
Để tận dụng ghe không lúc đi lấy nước, nhiều lúc, chuyến đi lên, những người đổi nước còn chở thêm vài thiên lá chằm đốp, lá xé để bán cho dân miệt trên, khi về họ mới… đổi nước. Như vậy, vừa tiện vừa tăng thêm chút ít thu nhập.
Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, nhiều giếng nước khoan, nhiều nhà máy nước đã chuyền nước về tận vùng quê xa hẻo lánh, bà con đỡ lo việc thiếu nước ngọt sinh hoạt cho ngày nắng hạn. Theo đó, việc gánh nước đìa, hay đổi nước ngọt cũng dần dần lui vào dĩ vãng.
Ký ức về những chiếc ghe đổi nước chỉ còn trong tâm thức và câu chuyện kể của những người cao tuổi truyền lại cho con cháu lúc nhàn rỗi.