Đến các hộ gia đình để thu gom chất thải nguy hại
Vì thế, người dân không nên đổ, bỏ chất thải nguy hại ra đất, vào cống rãnh, hệ thống thoát nước, cũng không thải bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Những việc nên làm là mua đủ dùng, hạn chế tối đa việc bỏ sản phẩm dư thừa có chứa chất nguy hại. Trước khi mua, phải kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm, xem kỹ các cảnh báo “nguy hiểm”, “độc”, “ăn mòn”, “dễ cháy”… và luôn tuân theo đúng hướng dẫn sử dụng, lưu trữ, bảo quản, thải bỏ… trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Luôn lưu giữ sản phẩm trong bao bì, bình chứa ban đầu, giữ nguyên nhãn và để tránh xa trẻ nhỏ, vật nuôi. Nếu có thể, hãy thay thế các sản phẩm có chứa chất thải nguy hại bằng các sản phẩm ít nguy hại, thân thiện với môi trường hơn. Chẳng hạn, có thể tự pha chế nước lau kính bằng giấm pha với chanh và một ít nước; để đánh bóng đồ gỗ pha dung dịch gồm nước cốt trái chanh với dầu thực vật… Nếu phải sử dụng sản phẩm có chứa chất thải nguy hại, khi dùng xong phải để riêng và đem đến các điểm thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình của thành phố.
Đến hạn chế chất thải nguy hại
Hầu như trong sinh hoạt cuộc sống, gia đình nào cũng có sử dụng các sản phẩm có chứa chất thải nguy hại. Một số sản phẩm chất thải nguy hại hộ gia đình thường gặp trong nhóm độc hại có thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc tẩy, dược phẩm, dung dịch tẩy rửa (bếp ga, sàn nhà, nhà vệ sinh…); nhóm dễ nổ có khí nén, bình ga; các chất dễ ăn mòn có các loại pin, ac-quy, dung dịch thông cống, chùi rửa bếp…; các chất dễ cháy có sơn, dung môi, dầu, xăng, chất bắt lửa… Trong chương trình này, Quỹ Tái chế chất thải tiến hành thu gom các loại chất thải nguy hại hộ gia đình gồm các loại bình đựng hóa chất như sơn, dung môi, bình đựng nhớt xe, bình thuốc xịt muỗi, bình chứa thuốc tẩy, dung dịch tẩy rửa…; pin hư cũ và bóng đèn hư.
Trong tuần thu gom, các tình nguyện viên đến 200 điểm thu gom được chia thành nhiều cụm (180 của Thành đoàn tại các quận, 20 điểm ở các trường đại học, cao đẳng) để tiến hành thu gom. Các địa điểm này sẽ được luân phiên vào các lần thu gom sau. Do đã được thông báo nên người dân mang chất thải nguy hại hộ gia đình đến các điểm tập trung, đồng thời lực lượng tình nguyện viên cũng đến tận nhà để tiếp tục tuyên truyền và thu gom. Các tình nguyện viên cũng có mặt tại hệ thống các siêu thị Co.op Mart, Big C, Lottle để phát tờ rơi, trực tiếp vận động bà con tham gia chương trình, hãy thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường. Chị Phụng, ở chợ Thái Bình, quận 1 nói, chị có nghe chương trình này mà ngày thường đi làm, đến sáng thứ Bảy mới ở nhà dọn dẹp, mang bóng đèn hư, chai lọ đến điểm thu gom. Chị nói: “Tôi cũng biết có những chất thải nguy hại không nên bỏ chung với rác sinh hoạt, nhưng trước đây không biết bỏ đi đâu. Có chương trình thu gom định kỳ này thì hay quá. Ai cũng nghĩ mỗi nhà chỉ có một ít thì có đáng gì, nhưng nhiều nhà, rồi cả thành phố gom lại thì chắc chắn số lượng cũng rất đáng kể”.
Vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu về chất thải nguy hại hộ gia đình bằng cách phát tờ rơi và giải thích, hướng dẫn cụ thể
Anh Trần Đại Dương, thuộc Ban An ninh quốc phòng phụ trách địa bàn dân cư quận 4, đơn vị phối hợp thực hiện chương trình cho biết, trước đây trong công tác xã hội cũng có tham gia nhiều chương trình vì môi trường khác nhưng không thường xuyên. Chương trình này có sự bài bản, dài hơi hơn, hy vọng sẽ đạt được hiệu quả nhiều hơn. Ban đầu việc tuyên truyền, vận động cũng có gặp khó khăn do một số người dân chưa quan tâm, chưa có khái niệm về chất thải nguy hại nên không phân loại khiến cho việc thu gom không đáng kể. Nhưng khi được giải thích, hướng dẫn, nhiều người đã hiểu và có sự thay đổi tích cực, hứa sẽ lưu ý và nhắc nhở mọi người trong gia đình cùng thực hiện. Anh cũng cho biết, trong ba nhóm chất thải nguy hại được thu gom thì nhóm độc hại, vỏ chai lọ đựng hóa chất đã qua sử dụng chiếm số lượng nhiều hơn hết. Bà Tư, chủ tiệm tạp hóa ở Xóm Chiếu, quận 4 nói: “Nhờ có các em thanh niên đến giải thích cặn kẽ mới hiểu thế nào là chất thải nguy hại hộ gia đình, trước đây cũng có nghe tuyên truyền, nhận tờ rơi nhưng rồi cứ lu bu buôn bán, rồi quên bén mất, đâu có đọc. Việc giữ lại mấy thứ nguy hại này cũng dễ, thôi thì cái gì mình làm được để sống tốt hơn thì phải làm chớ”. Anh Tiến Thới cho biết, các chất thải này sau khi thu gom được Công ty Môi trường đô thị vận chuyển đến nơi xử lý và tái chế hoặc tiêu hủy an toàn. Dự kiến chương trình này đến năm 2014 sẽ giao về cho địa phương tiếp tục thực hiện.
Ngân An