Rõ ràng là, chúng ta dạy con phải học, hễ chơi là bảo hư. Một dân tộc cần cù nổi tiếng. Vậy mà tại sao một người Nhật vừa nhận xét một câu về người Việt Nam làm dậy sóng trên cộng đồng mạng? Ông ta nói thế này: người Việt nghỉ hưu từ 55-60 tuổi, mộng vui thú điền viên, mà sống bình thường cũng tám mươi tuổi. Vậy là các bạn… chơi hơn hai mươi năm. Chơi nhiều quá.
Một doanh nhân người Anh thì nói, không hiểu tiền đâu mà người Hà Nội ăn tiêu ghê quá. Họ đi du lịch, sắm đồ xịn, mua nhà mua xe, áo quần thời trang, vào tiệm đắt tiền…
Rồi ngày nghỉ dài nhiều quá. Xưa phê phán ở nhà quê chơi tết mấy tháng ròng, tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè… Nay thì thành phố cũng vậy, đâu phải chỉ nhà quê! Lũ lượt đi chơi. Biển đen kịt đầu người…
Rồi báo chí lại đưa “tin rụng rời”: Người Việt đứng trong Top quốc gia lười vận động nhất thế giới, do vậy chiều cao của con người đứng áp chót khối ASEAN, sức bền rất kém…
Xem ra những khuyết điểm không còn lẻ tẻ nữa mà trở thành chuyện cả nước, đặc tính dân tộc mất rồi.
- Xem thêm: Có người trẻ thích… về hưu sớm
Người khác thì cãi: Chúng ta chơi đâu mà chơi? Bên cạnh số ít (à, mà không ít đâu) người giàu có ăn chơi, sao không thấy bao người nghèo tất bật kiếm sống, chạy xe… loạn các thành phố, tắc hết hang cùng ngõ hẻm đó thôi, lo méo mặt, “ủ mưu” đêm ngày, chơi đâu mà chơi?
Có người còn phản công lại thế này: Ông Nhật hãy nhìn lại xứ ông xem, vấn đề của xứ ông cũng nổi tiếng đó, nào là “Người Nhật làm việc đến chết”, “Người Nhật làm việc quá nhiều”, nào là bệnh karoshi – kiệt sức. Thì công nhận người Nhật chăm chỉ, quy củ, chỉn chu, kinh tế phát triển. Nhưng mà sống ở Nhật… khổ là cái chắc. Chẳng thế mà hình thành “văn hóa làm việc nhiều giờ liên tục” đến nỗi chính quyền một quận ở ngay thủ đô Tokyo phải ra lệnh chính sách “tắt đèn” lúc 19 giờ để ép người ta ra về, không được ở lại làm thêm…
Mà có chuyện khác. Lý do này thì ông Nhật đó nghĩ sao: Người Việt về hưu đâu phải là chơi hơn hai mươi năm, chơi đến chết? Họ phải kiếm tiền, tự nuôi mình nếu không có lương hưu, để không phải ngửa tay xin tiền các con. Để cho con cái phải nuôi, thì… biết thế nào rồi đó.
Tiếp đây: Người Nhật xứ ông có chuyện này nữa, báo đăng đàng hoàng nhé. Do áp lực cạnh tranh và khó có cơ hội, nên xuất hiện “những kẻ tầm gửi”. Thống kê của Viện Đào tạo và Nghiên cứu năm 2016 đây, có tới 4,5 triệu người Nhật độc thân tuổi từ 35-54 không có công việc ổn định đang sống cùng với cha mẹ. Thế thì cha mẹ dù có già yếu vẫn phải làm việc, để là chỗ dựa cho các con.
- Xem thêm: Già vẫn bươn chải… “kiếm xèng”
Trời đất, phát triển căng thẳng, cạnh tranh cao… đến nỗi thanh niên… chẳng thiết lấy chồng lấy vợ. Có con số đây này: Ở độ tuổi 50 thì cứ bốn đàn ông, có một người không lập gia đình. Con số này ở nữ là 1/7.
Vậy rõ là người Nhật không… chơi, còn người Việt… chơi quá nhiều? Xem là ai sướng ai khổ, ai… “khôn” hơn, mặc kệ quốc gia phát triển hay không…
Còn ông người Anh kia, thì chờ đó. Nước Anh… “cao cấp, ở xa” chỉ có con nhà giàu mới qua đó du học, nên tin tức không được người Việt biết nhiều, nên chưa cãi được. Hãy đợi đấy!
Trận chiến cãi cọ cứ tiếp diễn, nhiều lý lẽ lắm. Cãi lại người Việt chỉ có thua, các… ông Tây nhớ nhé. Người Việt toàn là cao thủ, anh hùng bàn phím, cà phê quán cóc chém gió, “thợ cãi bậc 7” cả đó ạ. Không ai thắng nổi đâu! Cãi nhau với người Việt, thì chỉ có… từ thua trở lên.