Xét về niên đại, đa số cơ sở tín ngưỡng người Hoa ở Hội An đều được xây dựng vào khoảng từ cuối thế kỷ XVII đến XIX, như cụm chùa Bà thờ vị hải thần Thiên Hậu Thánh Mẫu, đồng thời kiêm Hội quán Phước Kiến, số 46 Trần Phú, xây dựng năm 1697; Hội quán Dương Thương, số 64 Trần Phú xây dựng năm 1741; Hội quán Triều Châu, số 157 Nguyễn Duy Hiệu, xây dựng năm 1845; Hội quán Hải Nam, số 10 Trần Phú xây dựng năm 1875; Hội quán Quảng Triệu, số 176 Trần Phú xây dựng năm 1885.
Theo thói quen, người Việt thường gọi cơ sở tín ngưỡng người Hoa là chùa. Trên thực tế, chủ thể văn hóa của những cơ sở tín ngưỡng này gọi chúng là Miếu. Trong ngôn ngữ người Hoa, chùa và miếu có sự phân biệt rõ ràng, từ cách thức bài trí, không gian thờ tự đến nghi thức hành lễ.
Chùa là nơi thờ Phật, tương ứng với chữ “Tự” (寺), còn Miếu (廟) là nơi thờ thần, thánh; thuộc hệ thống tín ngưỡng dân gian, như miếu Quan Đế, miếu Thiên Hậu; thuộc tổ chức quan phương, quy mô như Văn miếu nhằm phụng thờ người sáng lập Nho giáo Khổng Tử. Hiếm có trường hợp như Quan Công vốn là một vị thần trong tín ngưỡng dân gian, nhưng địa vị không ngừng thăng tiến, cuối cùng được phong thánh, sánh ngang hàng Khổng Tử. Bởi vậy, Quan Công cũng gọi là Quan Thánh Đế Quân hay Quan Phu Tử.
Xét về đặc trưng, miếu người Hoa không giành không gian thờ tự cho những vị thần ngoại lai mà chủ yếu thờ thần có nguồn gốc Trung Hoa, như Quan Công, Thiên Hậu, Bổn Đầu Công… Trong quá trình hình thành, phát triển, cơ sở tín ngưỡng người Hoa không ngừng tích hợp thêm những vị thần mới, như Phật Bổn Sư Thích Ca, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát… từ đó khiến cho những ngôi miếu dân gian có khả năng chuyển hóa thành chùa.
Tuy nhiên, nhìn vào không gian thờ tự, gian chánh điện của miếu luôn dành vị trí trang trọng cho hệ thống thần linh gốc Hoa, những đối tượng thờ tự có nguồn gốc Trung Nguyên, còn những đối thờ tự ngoại lai, kể cả Phật, Bồ Tát đều nằm ngoài gian thờ phụ, mở rộng ra sau này.
Theo sử sách ghi chép, thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), nhóm quan quân triều Minh, vì bất phục tùng chính quyền mới của nhà Thanh đã sang xin tỵ nạn nước ta. Điểm dừng chân đầu tiên của họ chính là địa bàn cửa Tư Hiền, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Và tỉnh Quảng Nam bấy giờ giống như một vùng đất trung chuyển, có xu hướng thúc giục bước chân con người, kể cả người Việt tiến bước trên cuộc hành trình thiên di về phương Nam. Phải chăng vì thế mà đất Quảng có thêm hậu tố “Nam” (Quảng Nam) nhằm chỉ phương hướng!
- Xem thêm: Huyền tích ‘Tam Vị Thủy Tướng’
Dựa vào thời điểm hình thành cơ sở tín ngưỡng người Hoa ở Quảng Nam, cụ thể là Hội An, cho thấy những dấu hiệu chuyển hướng trong quan niệm của cộng đồng này. Họ đến đây và sau mấy chục năm đã lần lượt thiết lập hàng loạt cơ sở thờ tự nhằm mục đích kiến tạo cuộc sống lâu dài. Những yếu tố địa văn hóa xứ Quảng hẳn đã thu hút sự quan tâm của người Hoa, đồng thời thỏa mãn được nhiều tiêu chí về kinh tế, tín ngưỡng, giáo dục, đạo đức… những chỉ báo có khả năng đo lường thực trạng văn hóa.
Người Hoa đi đến đâu nếu thấy cuộc đất thuận tiện, họ sẽ tiến tới thiết lập hệ thống thiết chế văn hóa với cấu trúc khá ổn định, gồm: cơ sở tín ngưỡng, trường học, bệnh viện và nghĩa trang. Trong đó, cơ sở tín ngưỡng đóng vai trò trung tâm văn hóa cộng đồng, nơi chi phối nhiều hoạt động, từ tâm linh, tín ngưỡng cho đến liên kết người đồng hương mà một trong những cơ quan mang tính chất đại diện là Hội quán.
Hội quán người Hoa đa số đều nằm trong không gian cơ sở tín ngưỡng, như ở Thành phố Hồ Chí Minh có Hội quán Nghĩa An của người Triều Châu nằm trong miếu Quan Đế (số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5), Hội quán Tuệ Thành của người Quảng Đông nằm trong miếu Thiên Hậu (số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5), Hội quán Quỳnh Phủ của người Hải Nam nằm trong Cung Thiên Hậu (số 276, đường Trần Hưng Đạo B, quận 5), Hội quán Sùng Chính của người Khách Gia (Hẹ) nằm trong miếu Quan Đế (cùng một cơ sở tín ngưỡng Quan Đế của người Triều Châu)…
Nhiều địa phương tuy không đủ nguồn lực xây dựng trường học, bệnh viện, nhưng đều có cơ sở tín ngưỡng, đồng thời tổ chức, thể triển khai nhiều hoạt động cộng đồng bên trong cơ sở tín ngưỡng. Vì vậy, cơ sở tín ngưỡng người Hoa đóng vai trò phức hợp, vừa là nơi thờ tự, vừa là nơi hội họp đồng hương (Hội quán) hay giáo dục, truyền bá chữ Hán…
Khác với hệ thống chùa Hoa ở Nam Bộ, đặc biệt là khu vực Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn bảo lưu văn hóa truyền thống trong lòng cộng đồng đóng vai trò chủ thể văn hóa. Chùa Hoa ở Hội An hiện đã thành di sản văn hóa của người Việt do Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An quản lý. Tính chất này khiến cho chùa Hoa mang những đặc trưng của cụm di tích, sau khi đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ hoạt động du lịch sản sinh ra những hệ quả xuất phát từ chuỗi di sản.
Bởi vậy, việc duy trì, tái cấu trúc chức năng vốn có của cơ sở tín ngưỡng là điều đáng được quan tâm. Như đã nói, chùa Hoa từng đóng vai trò phức hợp, vừa là cơ sở tín ngưỡng, vừa là hội quán, có chức năng cố kết cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ sở tín ngưỡng còn cung cấp cơ sở vật chất cho nhiều hoạt động, như biểu diễn nhạc lễ, trình diễn ca kịch, như Triều kịch của người Triều Châu, Việt kịch của người Quảng Đông, Quỳnh kịch của người Hải Nam, trong quá khứ, cộng đồng người Hoa Phước Kiến còn có thêm Ca tử hý, Cao giáp hý, Nam quản, bên cạnh các loại hình múa lốt, như: lân, sư, rồng, hẩu.
- Xem thêm: Tín ngưỡng thờ Bạch Mã Thái Giám
Nhiều hội khuyến học, quỹ bảo trợ học sinh nghèo cũng ra đời từ cơ sở tín ngưỡng hoặc lấy đó làm địa bàn hoạt động. Như vậy, trước khi du lịch phát triển, hệ thống chùa Hoa đã phát huy tốt vai trò di sản. Vì thế, đứng ở góc độ truyền thừa, khai thác giá trị văn hóa, chùa Hoa chính là một trung tâm văn hóa.
Chùa Hoa phố Hội sau khi chuyển hóa bối cảnh đi từ cộng đồng chủ thể sang đơn vị quản lý nhằm thực thi nhiệm vụ khai thác, bảo tồn di sản, đứng ở góc độ công trình văn hóa vật chất, cơ quan này có thể đảm nhận tốt vai trò của mình, song đứng ở góc độ truyền thừa văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh cần có sự chuyển đổi tương ứng.
Xét từ ý nghĩa văn hóa của công tác truyền thừa, bảo tồn di sản, việc khai thác cơ sở tín ngưỡng phục vụ hoạt động du lịch cần tiến hành song song ở cả hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất là công tác duy tu cơ sở vật chất nhằm tránh tình trạng xuống cấp, bào mòn của thời gian. Thứ hai là phục dựng, tái hiện, cũng như gia tăng hoạt động tinh thần bên trong cơ sở tín ngưỡng.
Đình, chùa, miếu, phủ… cũng giống như thực thể con người hội tụ cả phần xác lẫn phần hồn. Về phần xác, nó là những công trình vật chất, có công năng văn hóa. Về phần hồn, bên trong cơ sở tín ngưỡng phải có hoạt động văn hóa đi kèm, từ tổ chức, thực hành nghi lễ trong các ngày vía, đản sinh cho các đối tượng thờ tự, duy trì hoạt động lễ hội theo tập quán văn hóa, như tết nguyên đán, nguyên tiêu, trung nguyên, trung thu, trừ tịch… và biểu diễn nghệ thuật. Đó là chuỗi sự kiện văn hóa truyền thống của người Hoa.
- Xem thêm: Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Ngoài ra, có thể suy xét tăng thêm có mức độ những hoạt động văn hóa đan xen giữa truyền thống và hiện đại, như tổ chức đấu xảo đèn lồng, triển lãm sách, thư pháp, tranh ảnh, thi đấu võ thuật, múa lân, sư, rồng, biểu diễn nghệ thuật đương đại… Tất cả đều nhằm khơi dậy đời sống tinh thần bên trong cơ sở tín ngưỡng. Những nội dung này có thể thu hút du khách, thậm chí cả sự quan tâm của cư dân địa phương. Vì, một cơ sở tín ngưỡng không thể chỉ dừng lại ở tính chất cổ vật mà phải cộng thêm hoạt động văn hóa.
Đối với người Việt, việc thờ cúng tự thân đã trở thành một hành vi văn hóa nhằm thể hiện thế giới quan tâm linh, tín ngưỡng. Người Việt tới đình, chùa, đền, miếu xuất phát từ mục đích chiêm bái, cầu cúng, bất kể không gian thờ tự dành cho đối tượng nào. Bởi vậy, dù chùa Hoa phố Hội vốn là di tích văn hóa người Hoa, nhóm Minh Hương, nhưng người Việt đã thừa kế và bằng truyền thống văn hóa của mình tiếp tục bổ sung thêm nội hàm văn hóa. Điều này không chỉ giúp cho cơ sở tín ngưỡng bảo lưu được giá trị nội tại mà còn hướng tới phục vụ cuộc sống đương đại trên hành trạng của cụm di sản có khả năng gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.