Linh Sơn Thánh Mẫu (còn gọi là Bà Đen) là tín ngưỡng khởi phát tại vùng đất Tây Ninh. Bà là một vị nữ thần được tổng hợp từ nhiều nguồn gốc với những huyền tích khác nhau.
Trong văn hóa Hindu đó là tín ngưỡng thờ Mariamman, Kali (Ấn Độ, Indonesia), Niềng Khmau (Campuchia). Linh Sơn Thánh Mẫu đã được Việt hóa bằng câu chuyện về người con gái mặt đen tên Lý Thị Thiên Hương, được vua Bảo Đại ban sắc phong vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935) với mỹ tự là “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần”.
Linh Sơn Thánh Mẫu trong quan niệm Phật giáo
Linh Sơn Thánh Mẫu có mặt trong tín ngưỡng dân gian và Phật giáo. Ngoài điện thờ chính tại núi Bà Đen và miếu thờ tại Trảng Bàng, thì Bà được phối thờ trong các chùa ở Tây Ninh với vai trò là một vị hộ trì Tam Bảo, ban thờ được đặt phía sau ban thờ Phật và đối diện với ban thờ Tổ theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh”. Cũng có chùa thờ Bà nơi gian phải của chánh điện hoặc có miếu thờ riêng cùng với Ngũ Hành Nương Nương, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Diêu Trì Địa Mẫu,… trong khuôn viên chùa.
Hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ tại các chùa với nhiều hình tướng và chất liệu như: bộ tượng tại chùa Phước Lưu (huyện Trảng Bàng), làm bằng gốm do các nghệ nhân người Hoa thuộc dòng gốm Sài Gòn tạo tác khoảng đầu thế kỷ XX; bộ tượng chùa Hội Phước (Trảng Bàng) tạc bằng gỗ sơn son thếp vàng với tư thế đứng; bộ tượng tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu) tạc bằng gỗ với tư thế ngồi trên ngai đội mão hay các tượng với chất liệu xi măng, đá quý, đồng, vàng cũng được tạc theo tư thế này thờ tự tại các chùa.
Đến nay, hầu như các chùa trên địa bàn các huyện ở Tây Ninh đều có thờ Linh Sơn Thánh Mẫu như: núi Bà Đen, Tổ đình Linh Sơn Phước Lâm (Vĩnh Xuân, TP. Tây Ninh); Phước Lưu, Hội Phước, Vĩnh An, Tịnh Lý, Phước Thạnh, Phước Huệ, Hội Phước Hòa, Phước Bình, Giác Minh, Giác Nguyên,… (huyện Trảng Bàng); Linh Sơn Thanh Lâm, Phước Ân, Phước Minh,… (huyện Gò Dầu); Thiền Lâm (chùa Gò Kén, huyện Hòa Thành); Hạnh Lâm, Cổ Lâm,… (huyện Châu Thành)…
Đặc biệt, Phật giáo ở Tây Ninh đã từ lâu các vị Tổ đồng tôn phong Linh Sơn Thánh Mẫu là Bồ Tát nên còn được gọi với danh xưng là “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát”, thể hiện qua các văn bản, mộc bản xưa như trên các Pháp phái ở chùa Phước Lưu, chùa Linh Sơn Thanh Lâm và một số chùa ở Tây Ninh nói chung và các chùa trên núi Bà Đen (chùa Linh Sơn Tiên Thạch) nói riêng đều có khắc dòng chữ “Linh Sơn Thánh Mẫu” (靈山聖母) và “Tiên thánh lợi sanh chi bổn mạc xuất ư tư Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát tác đại chứng minh” (先聖利生之本莫出於斯南無靈山聖母菩薩作大證明). Nếu trên các sớ cầu an theo nghi thức Phật giáo có câu: “Nam mô Trung thiên Giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni văn Phật chứng minh kim liên tọa hạ, thì các sớ cầu an tại Tây Ninh lại có thêm câu: “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát chứng minh tọa hạ” (南無靈山聖母菩薩證明座下). Gắn liền với Phật giáo Tây Ninh, Linh Sơn Thánh Mẫu còn được biết đến qua các nghi lễ chúc tán tại các cổ tự và lễ vía Bà được tổ chức thực hiện theo nghi thức Phật giáo cổ truyền tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch, điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen Tây Ninh.
Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu
Hằng năm, tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen long trọng tổ chức lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu từ ngày 4 đến 6-5 Âm lịch theo nghi thức Phật giáo cổ truyền.
Khuya ngày 4, 5 Âm lịch, làm lễ tắm Bà và thay áo mão. Lúc này, cửa điện được đóng kín, 6 người phụ nữ trung niên thực hiện nghi thức tắm tượng Bà, đến trước tượng làm lễ dâng hương trình xin phép tắm và thay áo cho Bà. Được nửa tuần hương, họ cởi áo khoác trên tượng rồi chuyền tay nhau những gáo nước được nấu từ hoa và lá thơm để tắm tượng. Lau khô tượng Bà rồi thay bộ áo mão mới, thắp thêm một lần hương, thắp đèn nến và mở cửa điện hoàn mãn lễ tắm Bà và đón đồng bào đến viếng lễ.
Sáng ngày 4-5, bắt đầu lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu với các nghi thức Phật giáo. Đầu tiên là lễ Hưng tác cung thỉnh Thành Hoàng Bổn Cảnh, tiếp đến là các lễ: niệm hương khai chung bản, lễ nghinh Thần chủ nghinh thỉnh đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, lễ cúng Phật cúng ngọ, lễ khoa Tịnh trù thỉnh Giám Trai Sứ Giả Bồ Tát, lễ khoa Lược phát cúng trình Thập Điện Minh Vương, lễ Khai kinh đàn. Các nghi thức đều được thực hiện tại Đại hùng bửu điện chùa Linh Sơn Tiên Thạch.
Ngày 5-5, tiếp theo lễ vía với lễ Bái sám hồng danh, lễ cúng Phật cúng ngọ, lễ khoa Cấp thủy thỉnh Long Vương, Thủy Quan, Hà Bá và các vị thần ở nước. Đặc biệt tiếp theo với lễ khoa Trình thập cúng, đây là phần lễ chính cúng Linh Sơn Thánh Mẫu được thực hiện tại Điện Bà, trong điệu nhạc lễ và lời xướng của thầy sám chủ vị thầy cả dẫn học trò lễ nữ dâng lễ vật. Lễ vật dâng cúng Bà gồm 10 món, lần lượt theo thứ tự: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, thủy, đồ, châu, bảo. Cuối cùng là đăng đàn Chẩn tế cầu âm siêu dương thới.
Ngày 6-5, với lễ Bái sám hồng danh và lễ cúng Ngọ tại điện Phật kết thúc hoàn mãn lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu.
Ở mỗi phần lễ đều có sớ riêng, trên mỗi sớ đều có đề “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát chứng minh”. Cũng chính vì cúng Bà thực hiện theo nghi thức Phật giáo nên các lễ vật, đồ cúng đều là đồ chay tịnh.
Bên cạnh các phần lễ theo nghi thức Phật giáo còn có diễn xướng múa bóng rỗi Nam bộ, cúng mâm vàng theo nghi thức dân gian do nhiều đoàn ở nhiều nơi cùng khách thập phương đến cúng.
- Xem thêm: Ấn chương lưu dấu ngàn năm
Cũng vào các ngày 5 và 6-5 âm lịch hằng năm, tại Linh Sơn Thánh Miếu, thường gọi là miếu Bà Giếng Mạch (thị trấn Trảng Bàng), long trọng tổ chức lễ vía với nghi thức dân gian, diễn xướng bóng rỗi, múa mâm vàng, múa tạp kỷ dâng cúng Bà. Trong chương trình lễ vào chiều ngày 5-5 có lễ tụng kinh cầu an theo nghi thức Phật giáo do tăng, ni Phật giáo huyện làm lễ, xưng tán hồng danh Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát và tụng kinh Phổ Môn (kinh cầu an).
Ngoài ra, bắt đầu từ ngày mùng 4 đến cuối tháng 5 âm lịch, ở một số chùa có thờ Linh Sơn Thánh Mẫu cũng có thiết lễ cúng Bà.
Nghi thức “Chúc Linh Sơn Nghi” tại chùa Phước Lưu
Chùa Phước Lưu là một ngôi cổ tự danh tiếng của Tây Ninh, tọa lạc tại số 259 quốc lộ 22A, khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng. Khởi đầu, đây chỉ là một thảo am nhỏ do Sư bà Đồng và bà Cốc xây dựng nên để thờ Phật và bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Theo Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, vào năm 1900, Sư Trừng Lực (hiệu Diệu Thông) cải tạo am Bà Đồng thành chùa Phước Lưu, xây dựng thành trung tâm ứng phú đạo tràng ở Trảng Bàng. Tại chùa các tổ mở lớp dạy gia giáo, đào tạo nghi lễ.
Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu Hán Nôm như kinh sách, mộc bản từ nhiều đời, có giá trị lịch sử. Đến nay, trải qua 7 đời trụ trì vẫn tiếp tục nối truyền nhau gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp mà các bậc tiền nhân đã gầy dựng nên, cũng chính vì thế mà chùa Phước Lưu được xem là ngôi Tổ đình của phái Lâm Tế của vùng đất Trảng Bàng – Tây Ninh.
Theo nghi thức cổ truyền Phật giáo, đặc biệt là các cổ tự ở vùng đất Tây Ninh nói chung và chùa Phước Lưu nói riêng còn lưu truyền nghi thức Chúc Linh Sơn Thánh Mẫu vào khuya ngày sóc, vọng hằng tháng. Nghi thức được thực hiện vào thời công phu khuya ngày sóc, vọng tại ban thờ Linh Sơn Thánh Mẫu do vị trụ trì đương vi sám chủ lễ. Nghi chúc tán được thực hiện trong nhạc lễ Phật giáo gồm có khánh, mõ, chuông và trống. Nghi thức chúc tụng, tán dương công đức Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát và nguyện cầu Bà chứng minh hộ trì chúng sinh tiêu tai giáng phước.
Linh Sơn Thánh Mẫu là vị thần bảo hộ cho một vùng đất trong quan niệm dân gian được Phật giáo tiếp nhận trên tinh thần “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” với tôn phong Bà là vị Bồ Tát hộ trì Tam Bảo, thể hiện sự chuyển hóa tín ngưỡng dân gian theo một tuệ giác chính đáng, hướng con người đến cái chân – thiện – mỹ qua những triết lý của nhà Phật phù hợp với tinh thần nhập thế của Phật giáo, tính chất của văn hóa bản địa đã tạo nên nét riêng trong Phật giáo vùng Tây Ninh thông qua hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu.