Có những vị thần linh không chỉ được cả hai địa phương “trên nguồn-dưới biển” của đất Quảng tôn kính từ đời này sang đời khác mà còn được triều đình vinh danh. Đó là Tam vị thủy tướng.
Theo lời kể của ông Trương Ngoạt (làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), thuở nọ, có vợ chồng ở Bàu Mặn (nay thuộc thị trấn Ái Nghĩa) đã lớn tuổi mà không có con. Đến năm 70 tuổi, bà lão có thai, sinh được ba quả trứng.
Ông lão cho là điềm quái nên đem bỏ ba quả trứng vào hòn Mu Rùa (Vũng Thùng – thôn Nghĩa Tân, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc). Trứng nở ra 3 con rắn. Chúng theo dấu tìm về nhà ông bà lão nọ. Thấy vậy, ông bà lão nuôi chúng và thương như con. Chúng cũng quấn quýt không rời. Một hôm, ông lão xớt cỏ, vô ý làm đứt đuôi một con rắn và do vậy con rắn này gọi là Ông Cụt. Hai con rắn kia: một con gọi là Ông Dài, một con gọi là Ông Bơ. Ba con rắn nuôi ngày một lớn khiến cả làng lo sợ. Do đó, ông bà lão bèn làm bè tre thả rắn ra sông. Cả ba trôi dạt về bàu nước ở thôn Nghĩa Tây, lấy đó làm nơi cư trú nên nơi đây có tên là Bàu Ông.
Trên một doi đất nhỏ tại Bàu Ông, người dân lập Dinh thờ Tam vị thủy tướng, gọi là Dinh Ông. Bài vị trong Dinh đề “Thủy tướng tôn thần”, hai bên đề “Long cung” và “Thủy phủ”. Dinh được nhân dân làng Ái Nghĩa cũ lập cách đây khoảng hơn 300 năm. Năm 2005, Dinh Ông được xã Đại Nghĩa trùng tu. Tại đây, lễ cúng Tam vị Thủy tướng và lệ đua thuyền hằng năm vào mùng 8 tháng Giêng. Các thuyền đến Bàu Ông bơi dạo vài vòng, cất tiếng “Hò khoan” để cầm nhịp rồi tụ lại thành hàng trước Dinh Ông. Khi lễ cúng diễn ra, từng đội bơi đều mang lễ vật vào Dinh cúng lạy Tam vị. Thuyền nào thắng thì cắm cờ, bơi diễu trước Dinh ba vòng để cáo với thần.
Ở khu Nghĩa Trung, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc ngày nay hiện có Miếu thờ Tam vị thủy tướng, được xây dựng vào năm 1868 trên bờ sông đào Ái Nghĩa do dân làng Ái Nghĩa đồng phụng lập. Làng có đất trí tự để phụng thờ khói hương, tổ chức các ngày tế lễ, xuân kỳ, thu tế… Miếu được trùng tu 3 lần: lần thứ nhất vào năm 1936, lần thứ hai vào năm 1974 và lần thứ 3 vào năm 2004.
- Xem thêm: Tín ngưỡng thờ Bạch Mã Thái Giám
Năm 1924, Miếu được vua Khải Định cấp sắc phong thần và ân tặng danh hiệu: Dực Bảo Trung hưng Linh phù Trừng trạm Tam vị thủy tướng tôn thần. Thần tích Tam vị thủy tướng quân còn được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Quảng Nam (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch): “Tương truyền, ông Huỳnh Lân có vợ là bà Nguyễn Thị Đạo hơn năm mươi tuổi mà chưa chửa đẻ lần nào. Một hôm, bà xuống tắm ở hồ, rồi đêm nằm mơ, thấy trong hồ sóng dậy, như có con rồng quấn quýt lấy mình, bà thất kinh tỉnh dậy, trong người cảm thấy có thai. Đúng mười tháng, sinh ra 3 cái trứng lớn. Huỳnh Lân cho là quái thai, làm bè tre thả trôi ra giữa sông.
Khi trôi đến xã Thanh Hà (nay là phường Thanh Hà, thành phố Hội An-NV), thốt nhiên trời nổi gió mưa, 3 cái trứng ấy hóa thành 3 con rắn bơi lên bờ. Người trong xã làm lễ đưa đi. Ba con rắn khi ở xã Thanh Hà, khi về ở trong hồ, sau càng dài lớn, một con khi ra khỏi hồ thì nổi gió mưa, và nhập vào một đồng tử, ứng khẩu xưng là “Tam vị thủy tướng”: Đệ nhất là Huỳnh Trạm, Đệ nhị là Huỳnh Ba, Đệ tam là Huỳnh Hoạt. Người làng lập miếu thờ, rất linh ứng”.
Những tưởng huyền tích về Tam vị Thủy tướng chỉ dừng lại ở phạm vi huyện Đại Lộc. Thế nhưng, điều khá thú vị là cuối năm 2019 trong chuyến thăm và làm việc tại Đại Lộc, các đồng nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An tặng chúng tôi một tư liệu quý về thần tích – thần sắc làng Thanh Hà, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam của Viện Thông tin khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
Tư liệu này có nêu khá cụ thể về sư tích của 3 vị nhân thần (tên thường gọi là Ông Tứ, Ông Bích và Ông Bụt) qua lời kể của người dân Thanh Hà như sau: Tục truyền ngày xưa, làng Thanh Hà có một người con gái nhà họ Nguyễn được gả cho ông Thiệp, người làng Đại Lợi (nay thuộc thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc-NV). Ông ở về thê quán (quê vợ) – làng Thanh Hà. Hai vợ chồng ăn ở cùng nhau, bà thụ thai đến 3 năm mới sinh đẻ, khi lâm bồn sinh được 3 cái trứng. Hai vợ chồng ông Thiệp cho là điều quái dị, bèn bỏ 3 cái trứng ấy trong một cái om thả xuống sông.
Om trứng ấy trôi ra đến làng Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn. 3 cái trứng nở ra 3 ông rắn, nương dựa nơi làng Tân Hiệp. Khi trưởng thành, 3 ông về quê quán thăm cha mẹ, gặp ông Thiệp đang dọn ruộng, 3 ông bò lẩn quẩn bên chân nơi bờ cỏ. Không may, ông Thiệp xớt cỏ vô ý làm đứt cái đuôi một ông rắn nhỏ, ông này ứng đồng lên kể lể sự tích như trên cho cha mẹ và người làng biết và bảo phải làm miếu thờ 3 ngài.
3 ông bấy giờ khi thì ở làng Tân Hiệp (nơi sinh trưởng), làng Thanh Hà (làng ngoại), lúc ở làng Đại Lợi (làng nội). Sau khi cha mẹ 3 ông từ trần (mộ bà Thiệp táng ở xứ Bàu Ốc, làng Thanh Hà), hằng năm đến ngày tảo mộ cùng kỵ nhật hoặc ngày sóc, ngày vọng, 3 ông về nằm nơi mộ. Năm nào có dịch bệnh hay hạn hán, làng Thanh Hà sắm lễ khấn vái, cầu xin ở miếu Tam vị thì rất hiệu nghiệm. Hằng năm, vào rằm tháng 3 và rằm tháng 8, dân làng tổ chức lễ tế tam vị.
Những người dự tế trước khi cúng phải trai giới (ăn chay, tắm gội sạch sẽ, không uống rượu,… để giữ mình cho trong sạch). Khi cúng tế không được la to. Người nào vi phạm sẽ bị làng phạt vạ hoặc bị lý trưởng trình quan nghị tội. Ngoài ra, dân làng phải kiêng kỵ, không được nói tiếng “cụt”, áo cụt phải nói tránh đi là áo quạ. Rất tiếc là Miếu Tam vị ở làng Thanh Hà nay không còn nữa, nhưng bài vị của Ông Tứ, Ông Bích vẫn được thờ tại Đình Tiền hiền (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An).
- Xem thêm: Tản mạn tín ngưỡng dân gian
Dẫu huyền tích về Tam vị thủy tướng ở mỗi nơi có khác chút ít về tiểu tiết, nhưng điểm chung dễ nhận thấy là đã có sự giao thoa độc đáo về văn hóa tâm linh giữa hai địa phương (Đại Lộc – vùng trung du và Hội An – miền biển): cùng chung tín ngưỡng thờ các vị thần cai quản sông nước. Hơn thế nữa, huyền tích ấy còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”: 3 vị thần rắn dù ở đâu cũng không bao giờ phụ nghĩa sinh thành, không bao giờ quên quê cha đất tổ hoặc nơi đã từng cưu mang mình!