Tuổi trung niên đến khi con người đạt đến độ “chín” về tài năng và kinh nghiệm. Và ai cũng sẽ phải trải qua giai đoạn mãn kinh, cả nam lẫn nữ, tuy nhiên ở phụ nữ điều này rõ ràng hơn, vì vậy cũng gây ra những hoang mang hơn, có thể ảnh hưởng đến cả người thân trong gia đình.
Nhiều phụ nữ đã đến thời kỳ mãn kinh nhưng chưa hiểu rõ lắm về những triệu chứng có thể xảy ra, chưa chuẩn bị để đón nhận khúc ngoặt ấy trong cuộc sống nên bị khủng hoảng tinh thần và suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, tốt nhất là nên tham khảo thêm ý kiến của bạn bè, qua sách báo để có thể bình tĩnh đón nhận nó và trải qua thời kỳ này một cách nhẹ nhàng. Theo thống kê, phụ nữ châu Á thường ít gặp khó khăn hơn phụ nữ châu Âu khi bị mãn kinh, mà có lẽ nguyên nhân là vào thời kỳ này, họ đã dồn hết tinh thần vào việc chăm lo cho người thân nên ít nghĩ đến bản thân mình.
Phụ nữ bị mãn kinh khi không có kinh trong 12 tháng liền. Mãn kinh đánh dấu thời điểm hai buồng trứng ngưng hoạt động. Đa số phụ nữ bị mãn kinh vào khoảng độ tuổi 45-55, nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn (ngay từ 30 đến 40 tuổi) do bị suy chức năng buồng trứng sớm, mà nguyên nhân là mắc một vài bệnh tự miễn hay do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, xạ trị vùng chậu trong những bệnh nhân bị ung thư… Cũng có người mãn kinh chậm hơn, mãi khi vào tuổi 60.
- Xem thêm: Mãn dục nam – Hiểu để khắc phục
Mãn kinh không phải là một bệnh lý, mà chỉ là một diễn biến tự nhiên của tuổi tác. Theo thời gian, những thay đổi của kích thích tố nữ thường kèm theo một số triệu chứng không dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp khó khăn trong việc thích ứng với những thay đổi trên. Mức độ xuất hiện của các triệu chứng này cũng như ảnh hưởng của chúng đối với từng phụ nữ thường khác nhau.
Thông thường, mãn kinh không xảy ra một cách đột ngột, mà xảy ra từ từ và báo trước bởi các triệu chứng tiền mãn kinh như kinh nguyệt không đều kèm theo những cơn phừng mặt thoáng qua. Khi mãn kinh, lượng kích thích tố estrogen bị giảm, dẫn đến các triệu chứng sau đây:
- Bị bốc hỏa thường xuyên, cụ thể là cảm thấy nóng bừng mặt và cổ, sau đó đổ mồ hôi, thấy ớn lạnh trong vòng 30 giây đến vài phút. Những cơn bốc hỏa có thể thoáng qua, nhưng cũng có khi nặng nề, gây thức giấc lúc nửa đêm.
- Rối loạn giấc ngủ (khó đi vào giấc ngủ, dậy sớm không ngủ lại được).
- Tính tình thay đổi, chẳng hạn cảm thấy chán nản, dễ nóng giận, làm việc kém tập trung.
- Không còn hứng thú trong chuyện chăn gối.
- Các thay đổi về âm đạo và đường tiểu như âm đạo bị khô, bị đau mỗi khi sinh hoạt vợ chồng hoặc dễ bị nhiễm trùng tiểu, tiểu són, tiểu gấp.
- Dễ bị tăng cân.
- Đau nhức các khớp.
Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ rất dễ bị loãng xương và gãy xương. Vì vậy, nên đo độ loãng xương và báo cho bác sĩ biết, ngoài ra cũng cần chú ý đến bệnh tim mạch (nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đường và mỡ máu).
Nếu các triệu chứng trên gây nhiều khó khăn trong cuộc sống thì mới cần điều trị. Đối với đa số phụ nữ, có thể vận dụng một vài phương pháp dưới đây để vượt qua thời kỳ này một cách nhẹ nhàng:
- Để tránh những cơn bốc hỏa, không nên dùng những thức ăn cay, rượu bia, các chất có caffeine. Nên chọn những nơi mát mẻ để sinh sống và làm việc. Khi cơn bốc hỏa xảy ra, hãy hít thở chậm rãi, từ từ và mọi việc sẽ trở lại bình thường.
- Nếu bị khô âm đạo, có thể dùng thêm chất bôi trơn như K jelly để giúp cho sinh hoạt vợ chồng thoải mái hơn.
- Để ngủ ngon hơn, hãy tránh ăn no vào buổi tối, không ngủ trưa, giữ cho phòng ngủ yên tĩnh, mát mẻ, hằng ngày đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
- Nếu cảm thấy chán nản, hãy tập thể dục đều đặn và cố gắng có được giấc ngủ ngon. Nên thường xuyên tâm sự với bạn bè hay đến bác sĩ để được tư vấn.
- Đối với những triệu chứng bất thường về đường tiểu, nên gặp bác sĩ để có hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị phù hợp.
- Nên ăn nhiều trái cây, rau, đậu nành, những loại hạt và bổ sung canci, vitamin D…
- Có thể sử dụng Melatonin (loại thuốc giúp tái lập lại hưng phấn trong sinh hoạt vợ chồng, giảm lo âu, chán nản và ngủ ngon hơn) theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả, bác sĩ sẽ đề nghị một liệu pháp hormone thay thế (có thể ở dạng viên, dạng gel hay dạng dán hay xịt trên da). Liệu pháp này sẽ nhanh chóng giải quyết các triệu chứng xấu, nhưng cũng gây một vài tác động phụ.
Dựa vào những phản ứng của cơ thể người dùng hormone, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm kiểm tra tuyến vú, tử cung, tim, gan, tình trạng đông máu… và cân nhắc việc sử dụng hormone trong thời gian tới ra sao.