Sau tuổi bốn mươi, ở nam giới có thể có một hội chứng tương tự hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ, gọi là mãn dục nam. Đó là thời kỳ cơ thể giảm sản xuất testosterone (hormone nam), hormone tuyến giáp, hormone tăng trưởng và không có đấng mày râu nào thoát khỏi bệnh lý này.
Gần đây, người ta nhận thấy tình trạng mãn dục nam có thể xảy ra sớm hơn, ngay ở độ tuổi ba mươi, tức là giai đoạn nam giới đang sung sức và thành đạt, nên đã trở thành vấn đề rất đáng được quan tâm. Nếu hiểu rõ về hội chứng này và có thêm sự thông cảm của người bạn đời, sự tư vấn của bác sĩ thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa cả.
Hiện tượng mãn dục nam đã được mô tả trong y văn từ năm 1940, nhưng vì các triệu chứng xảy ra từ từ và không rõ ràng nên thường không được chẩn đoán. May mắn là hiện nay các bác sĩ đã có cách xét nghiệm mới, đo lường được nồng độ và loại testosterone hoạt động để xác định hội chứng này.
Đây là một quá trình lão hóa tự nhiên và người ta ước lượng rằng testosterone giảm 10% mỗi thập niên kể từ khi nam giới bước vào tuổi ba mươi. Mặc dù việc giảm testosterone ở nam giới xảy ra từ từ, không gây những triệu chứng rõ ràng như phụ nữ bị mãn kinh, nhưng hậu quả cuối cùng thì tương tự nhau: ảnh hưởng xấu lên tâm lý, hệ tim mạch và nhiều cơ quan trong cơ thể.
Như vậy, hiện tượng này là tất nhiên vì chỉ là một rối loạn nội tiết thông thường, không khác gì bệnh tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp… Điều đáng mừng là bệnh lý này có thể điều trị được. Dù không ngăn được nó nhưng ai cũng có thể chủ động có kế hoạch đối mặt với “khúc quanh cuộc đời” này và tiếp tục có cuộc sống vui vẻ như trước.
Trước tiên, hãy chú ý đến cách cho hội chứng này chậm xuất hiện:
- Tránh những yếu tố có thể làm giảm testosterone (bị stress, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, thường dùng các thuốc an thần, các thuốc chống trầm cảm…).
- Tránh tiếp xúc thường xuyên với các chất có chứa estrogen (hormon nữ) ngoại lai như nhựa tổng hợp (bao nilon, các chai nước bằng nhựa…), các chất khử trùng (diệt cỏ, trừ sâu, diệt muỗi…).
Sau đó, quan tâm nhận biết các triệu chứng do giảm testosterone gây ra như dễ mệt mỏi, đau nhức khắp người, xuất hiện những cơn bốc hỏa, khó ngủ (thường thức dậy sớm và không ngủ lại được), dễ cáu gắt, giảm ham muốn tình dục, không còn hứng thú trong công việc, dễ bị trầm cảm. Nếu có những triệu chứng ấy thì nên tìm gặp bác sĩ tư vấn sớm, điều trị sớm nhằm tránh những biến chứng như các bệnh tim mạch (cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng mỡ trong máu…), tiểu đường và loãng xương.
Đồng thời, phải có một lối sống mới, tích cực hơn, cụ thể là:
- Tập thể dục thường xuyên để củng cố khối cơ, giảm stress, cung cấp năng lượng cần thiết để chống lại mệt mỏi và trầm cảm. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm nguy cơ của các bệnh tim mạch và ngăn ngừa dư cân. Cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp sinh hoạt tình dục tốt hơn.
- Biết phải ăn chất gì và không ăn chất gì là một biện pháp tốt nhất để chống lại hội chứng mãn dục nam: bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho sinh hoạt tình dục tốt hơn như trái bơ (chứa nhiều acid folic), chuối (chứa bromelain enzym, giúp cải thiện sự ham muốn tình dục ở phái nam, ngoài ra còn có riboflavin rất cần cho việc sản xuất testosterone) và măng tây (chứa nhiều vitamin E, giúp kích thích việc sản xuất testosterone); bổ sung thêm một số chất như kẽm (có nhiều trong gan, sò, các loại đậu, các loại tảo) và omega 3 (có nhiều trong hải sản). Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng lực tình dục, còn omega 3 sản xuất prostaglandine, giúp cho sinh hoạt tình dục bình thường trở lại.
- Tránh những chất có nguy cơ gây tổn hại đến thượng thận và làm hao mòn năng lượng như các chất có lượng caffeine cao (trà, cà phê, coca cola…) vì chúng làm giảm kẽm, magie … Không dùng nhiều các thực phẩm chứa nhiều đường vì chúng làm tăng lượng estrogen và giảm các loại vitamin. Cũng nên giảm bớt tiêu thụ các loại thịt đỏ, sữa có chất béo, bưởi và đậu nành.
Nếu gặp bác sĩ chuyên khoa, người bị mãn dục nam sẽ được đo nồng độ testosterone tự do trong máu để chẩn đoán. Nếu kết quả thấp hơn 350ng/ml, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị, bao gồm các biện pháp không dùng thuốc (tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng) và dùng thuốc (cung cấp testosterone thay thế).
Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng testosterone thay thế như miếng dán (dùng mỗi ngày một miếng, dán trên vùng da, lưng hay đùi, hai tay), dạng gel (bôi lên vùng da cánh tay), dạng viên nang (uống hai lần mỗi ngày sau khi ăn, mỗi lần một viên) và dạng chích (một mũi tiêm bắp mỗi tháng). Biện pháp này sẽ giải tỏa được các triệu chứng trong vòng ba, bốn tuần nhưng những ai có bệnh tim mạch, gan, thận nặng hoặc ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú thì không được dùng. Không nên tự ý mua thuốc dựa theo kinh nghiệm của bạn bè, mà phải điều trị với sự chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.