Doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều nguồn lực trong xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi Việt Nam có được một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chủ động, kết nối quốc tế. Một trong những người quan tâm đặc biệt đến vấn đề này là ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc của Saigon Innovation Hub (Sihub – Không gian Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo, trực thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ với Doanh nhân+ câu chuyện về “nâng tầm” hệ sinh thái “hướng đến kết nối toàn cầu”.
Thưa ông, Sihub vừa giới thiệu đến cộng đồng khởi nghiệp một chiến lược lớn “Sihub 2020 – Hướng đến kết nối toàn cầu”, với một loạt chương trình hành động. Xin ông chia sẻ trong điều kiện nào Sihub đặt ra chiến lược này?
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KN – ĐMST) phải là một giải pháp và công cụ của một hệ thống điều hành kinh tế quốc gia. Thay vì quản lý nền kinh tế công nghiệp, kinh tế du lịch, kinh tế ôtô, kinh tế công nghiệp phụ trợ… thì thế giới đã bước lên một tầm mới là kinh tế sáng tạo với sản phẩm là sự sáng tạo, là giải pháp, là nhượng quyền, là tri thức, phần mềm, phần cứng… Nghĩa là sản phẩm đó phải có tính sáng tạo.
Câu chuyện đặt ra là Việt Nam muốn có nền kinh tế như thế nào? Ví dụ làm một chiếc điện thoại, Việt Nam được 5 USD, bên bán điện thoại như Singapore được 80 USD, nhưng Apple lại được bản quyền đến 100 USD. Như vậy, chúng ta định hình như thế nào về nền kinh tế của mình? Chẳng hạn TP. Hồ Chí Minh đang là nền kinh tế công nghiệp dịch vụ, nghĩa là gần giống mô hình của Singapore.
Nhưng bây giờ Singapore bỏ kinh tế dịch vụ, mà hình thành kinh tế sáng tạo, như vậy TP. Hồ Chí Minh có chuyển mình được hay không? Đặt ra mục tiêu có nền kinh tế sáng tạo thì phải có hệ sinh thái KN – ĐMST như là một công cụ để giải quyết được mục tiêu này. Do đó Sihub xác định trọng trách là nơi kiến tạo theo định hướng chung và thực thi được mục tiêu đó.
Nói rõ hơn, chúng tôi hiểu một hệ sinh thái khởi nghiệp có nhiều giai đoạn của vòng đời. Vòng đời thứ nhất là hình thành, kiến tạo, bước đầu cơ bản này Sihub đã làm xong. Bước thứ hai của hệ sinh thái KN – ĐMST chính là hội nhập toàn cầu. “Sihub 2020” chính là lộ trình để TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam kết nối, hội nhập với thế giới.
Trước đây Việt Nam cũng hợp tác quốc tế, vậy hội nhập như hiện nay có gì khác hơn?
Năm hay 10 năm nay chúng ta đã và đang hợp tác quốc tế, tuy nhiên, hợp tác trong thời gian qua là nước ngoài đến với mình nhằm mục tiêu hỗ trợ, chia sẻ, nâng cấp… Tức là mình làm theo ý của họ, tuy có đề xuất ý kiến của mình, nhưng ý muốn của từng giai đoạn khác nhau và giai đoạn đầu có giá trị thay đổi nhận thức. Còn giai đoạn này gọi là hội nhập, mình đã có vị thế như nước chủ nhà, mời nước ngoài đến hợp tác theo mục tiêu, định hướng của mình.
Chúng ta muốn làm gì, muốn phát triển ra sao, thì sẽ tạo ra những chương trình và mời nước ngoài đến để cùng giải quyết. Đó là giai đoạn chuyển mình, từ bị động sang chủ động. Giai đoạn này chúng ta có tầm nhìn, có mục tiêu, có chủ đích và Sihub thấy thời điểm này là chín muồi, cần công bố chương trình hành động của mình đến các đối tác và mời họ tham gia. Điều quan trọng của việc này chính là sự xuất hiện của chúng ta ở tầm hội nhập. Sihub sẽ bắt đầu xuất hiện trên bản đồ hệ sinh thái KN – ĐMST toàn cầu với cấp độ mới.
Vậy khi Sihub bước sang giai đoạn 2 của hệ sinh thái này, ông nhận thấy có những thuận lợi và thách thức lớn nào?
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Thế giới có những công cụ đo lường, đánh giá, xếp loại hệ sinh thái KN – ĐMST. Trước đây thế giới biết đến Việt Nam có một hệ sinh thái như vậy và họ có thể xếp Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi. Nhưng bây giờ khi Sihub bước sang giai đoạn mới, thế giới sẽ xếp chúng ta lên nền kinh tế hội nhập, thuộc nhóm các quốc gia đang phát triển dựa trên các chuẩn mực, tiêu chí quốc tế. Vì vậy chúng ta cần thay đổi để chuyển mình trong mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và nước ngoài.
Giống như ngày xưa Việt Nam được xếp là quốc gia nghèo, thì ngân hàng cho vay lãi suất khác, quan hệ với các công ty cũng khác, mức độ tin cậy, tín nhiệm cũng khác. Còn bây giờ khi được xếp ở mức độ cao hơn thì cũng sẽ có những thuận lợi hơn. Chúng ta được mời lên sân chơi ở cấp độ cao hơn, có những mối quan hệ lớn hơn, quy mô hơn. Ra sân chơi lớn hơn, bắt buộc ta phải nâng tầm lên. Vấn đề đặt ra là Việt Nam có nắm bắt cơ hội đó không? Đã được mời lên chung thuyền rồi, chúng ta có thể chơi với những “ông lớn”, bàn bạc, tham gia và làm những chuyện lớn hay không là do Việt Nam, do chính các doanh nghiệp, startup và cộng đồng quyết định.
Sihub mới thành lập hai năm nay, vậy điều gì để tự tin bước vào sân chơi lớn hơn này?
Điều tự tin nhất là mỗi giai đoạn, chúng ta xác định mình có gì và người ta cần gì ở mình. Thứ nhất, giai đoạn vừa rồi chúng ta có ưu thế về nguồn lực chất lượng cao giá thấp và hạ tầng chi phí thấp, nhưng đây là biểu hiện của mức độ thấp. Giai đoạn đầu khởi nghiệp cũng như thế. Ngày xưa chúng ta không biết kinh tế sáng tạo là gì, không biết định hướng ra sao và không có đội ngũ làm startup, không có nơi dạy startup cách kinh doanh, do vậy chúng ta đặt mục tiêu của giai đoạn đầu là thu hút đầu tư, thu hút các hệ sinh thái khởi nghiệp đến, chuyển giao công nghệ, năng lực cho mình và giúp mình bước lên bước thứ hai.
Bây giờ, mình phải tiếp tục bước thứ hai, tham gia vào chuỗi kinh tế. Hiện tại, chúng ta có cộng đồng startup được đào tạo với 70 trường đại học, cao đẳng. Giả sử bây giờ Singapore muốn khởi nghiệp cũng khó vì không có nhiều sinh viên. Trong khi Việt Nam một năm ra trường hàng chục ngàn sinh viên, Việt Nam có dân số trẻ chính là ưu thế.
Nhưng ở giai đoạn 2, ưu thế đó phải được nâng lên trong chuỗi hệ sinh thái chung của toàn cầu và phải xác định lợi thế cạnh tranh. Ví dụ một tập đoàn của Phần Lan sẽ ký với Sihub một văn bản hợp tác về đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đưa 1.000 kỹ sư khoa học nghiên cứu qua Việt Nam và thuê 40.000m2 ở nhà máy, khu công nghệ cao để sản xuất. Giai đoạn này không còn ngồi gia công nữa mà là giai đoạn gia công sáng tạo, đồng sáng tạo.
Sau đó, nếu làm tốt trong vòng ba năm, đến năm 2020 thì hệ sinh thái sẽ chuyển lên nấc thứ ba. Cuối cùng là cấp độ hệ sinh thái tích hợp. Nghĩa là lúc đó mình đã có mặt trên bản đồ chung của thế giới, gọi là “cảnh giới” cao nhất, giống như Google bây giờ đã đạt tới “cảnh giới” của họ. Trong vòng năm năm nữa với sự ủng hộ của nhà nước, các bộ ngành, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Sihub quyết tâm tạo ra những tập đoàn để dẫn dắt Việt Nam đạt tới “cảnh giới” cuối cùng.
Với tầm nhìn và mong muốn như vậy, các startup, cộng đồng doanh nghiệp sẽ hưởng lợi gì từ hệ sinh thái giai đoạn 2 này?
Trong vài năm qua, cộng đồng startup của Việt Nam đã phát triển mạnh và tôi đánh giá là ổn. Trong một báo cáo chỉ số khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh 2017, VCCI và GEM (Global Entrepreneurship Monitor) thực hiện, trong số 12 chỉ số về hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, có ba chỉ số được đánh giá cao nhất là: Văn hóa và chuẩn mực xã hội (7,47/9 điểm), Độ mở của thị trường nội địa (4,72/9 điểm) và Năng động của thị trường nội địa (6,99/9 điểm). So với 39 thành phố khác cùng tiến hành khảo sát GEM năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cũng được đánh giá khá tốt.
Dựa trên báo cáo của Việt Nam và quốc tế, Sihub đã thiết kế nhiều chương trình hợp tác quốc tế, giao lưu trao đổi doanh nghiệp, startup, các hệ sinh thái của các nước với nhau như Run way to the World, Boundless! Step up v.v… Thông qua những chương trình này, doanh nghiệp, startup Việt sẽ được giao lưu, học hỏi, tự điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ trong môi trường thực tế, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế, để trải nghiệm và thật sự “nhúng mình” vào môi trường kinh doanh quốc tế.
Ông đánh giá thế nào về cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam khi mà nhiều người nghĩ rằng trong hội nhập quốc tế, startup Việt còn hạn chế về nhiều mặt?
Thật ra, chúng ta đừng quá lo lắng về năng lực của các startup, kể cả trình độ tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng điểm yếu nhất của startup Việt là sự trải nghiệm. Các startup nước ngoài được trải nghiệm thường xuyên, cọ xát thực tế nên họ có kinh nghiệm và linh hoạt giải quyết nhanh các vấn đề. Còn startup Việt thì chưa có môi trường để họ triển khai ý tưởng, vượt lên sáng tạo. Do vậy thông qua Sihub 2020, Sihub sẽ tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn cho các startup kết nối và hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, cần phải có nỗ lực từ nhiều phía mới tạo được thành công.
Điều Sihub mong muốn là tạo ra nhiều sân chơi cho các doanh nghiệp, startup kết nối và hội nhập toàn cầu. Nhưng bản thân các startup Việt cũng phải nhận thức được những nguy cơ, những thay đổi của thị trường, thay đổi công nghệ và sức ép cạnh tranh quốc tế để phải nỗ lực tiếp thu, học hỏi và hành động kịp thời, đúng đắn.
Với chiến lược “Sihub 2020”, ông kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu nào?
Kế hoạch là trong ba năm, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư của thế giới vào khởi nghiệp là 500 triệu đôla. Năm ngoái con số này là 250 triệu đôla, năm nay tăng lên 290 triệu đôla. Và một mục tiêu nữa là 40% doanh nghiệp Việt Nam có tính tương tác, đầu tư sáng tạo vào trong kinh doanh.
Điều quan trọng nhất trong các chương trình hợp tác, giao lưu quốc tế này là chúng ta có được môi trường học tập toàn diện, làm việc và chuyển giao; có cơ hội bổ sung điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu của mình để tự tin ra sân chơi quốc tế.
Xin cảm ơn ông.