Ngôn ngữ là một bộ phận của sự thành công, cho dù trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu hay kinh doanh. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng nhưng một số ngôn ngữ lại vượt lên trên tầm ảnh hưởng toàn cầu, không phải vì quốc gia hay dân tộc đó đông dân hơn, mà vì chúng được nhiều người sử dụng hơn…
Nói hay viết bằng tiếng Anh, cả thế giới có thể nghe được bạn, nhưng một thông điệp truyền đi bằng tiếng Tamil hay Bồ Đào Nha sẽ rất khó để tạo nên một ảnh hưởng hay tiếng vang tương tự. Sự thành công của một người nay gắn kết với việc chọn lựa ngôn ngữ để diễn đạt, và cả bằng tốc độ giọng nói khi họ diễn đạt bằng ngôn ngữ đó. Nhưng đây không còn là vấn đề cảm tính mà đã trở thành một thứ thước đo theo sau công trình nghiên cứu của Shahar Ronen tại Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ).
Đưa dữ liệu từng ngôn ngữ lên bản đồ ảnh hưởng
Shahar Ronen vốn là một nhà quản lý lập trình tại Microsoft, người có thể sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Hebrew, với sự cố vấn của César Hidalgo tại MIT, người cũng sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và Tây Ban Nha, đã thực hiện một công trình nghiên cứu quy mô lớn để thành lập bản đồ thế giới về cách mà những thông tin và ý tưởng truyền đạt từ ngôn ngữ này qua các ngôn ngữ khác. Cùng tham gia vào công trình nghiên cứu của Ronen còn có các đồng nghiệp tại MIT, Đại học Harvard, Đại học Northeastern ở Hoa Kỳ, và Đại học Aix-Marseille ở Pháp.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện chi tiết bản đồ ảnh hưởng ngôn ngữ thành hệ thống nút và đường bằng việc thiết lập 3 mạng lưới riêng. Thứ nhất là mạng lưới dịch thuật theo đó một cuốn sách viết bằng tiếng nước này được dịch trực tiếp hay gián tiếng sang một hay nhiều tiếng nước khác; mạng lưới này dựa trên 2,2 triệu ấn bản với hơn 1.000 ngôn ngữ sử dụng. Thứ hai là mạng lưới tin nhắn ‘tweets’ bao gồm 550 triệu tin nhắn của 17 triệu người sử dụng 73 ngôn ngữ. Thứ ba là mạng lưới Wikipedia, theo đó các tác giả cẩn thận nghiên cứu các nội dung được viết bằng 5 thứ tiếng trở lên.
Kết quả bản đồ ảnh hưởng ngôn ngữ vừa được trình bày trên trang kỷ yếu Hội thảo Proceedings of the National Academy of Sciences, theo đó tiếng Anh có năng lực truyền đạt mạnh nhất, thể hiện trên cả 3 mạng lưới. Tiếng Pháp, Đức, Nga đang tạo thành các hào quang trung gian ở những mức độ lớn nhỏ khác nhau. Ngược lại một số ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất như Quan Thoại, Hindi hay Ả Rập vẫn chỉ tạo thành những vùng cô lập trên bản đồ. Điều này có nghĩa là chúng khó tạo nên ảnh hưởng trên những người nói tiếng khác.
Khả năng truyền đạt tạo tầm ảnh hưởng
Ngược lại, bản đồ cho thấy tiếng Hà Lan vốn chỉ sử dụng cho 27 triệu người có khả năng truyền đạt rộng hơn tiếng Ả Rập hiện có 530 triệu người sử dụng như ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai. Các tác giả cho biết nguyên nhân là vì hầu hết người Hà Lan biết sử dụng cùng lúc nhiều ngôn ngữ, và điều này tạo nên những gạch nối giữa các nút trên bản đồ. Các gạch nối này rất quan trọng: Trên Twitter, người Philippines truyền đạt thông tin đến người Hàn Quốc qua trung gian những người nói tiếng Mã Lai, và người Thổ Nhĩ Kỳ biết được tin tức về nhóm Malayalam chỉ gồm 35 triệu dân ở Ấn Độ nhờ vào tiếng Anh.
Bản đồ ảnh hưởng ngôn ngữ mang tính thực tiễn và có thể áp dụng vào nhiều công việc. Hidalgo cho rằng nó ngầm bao hàm cách mà hai nền văn hóa khác nhau nhìn về nhau. Khi mà cuộc chiến Ukraine diễn ra cách nay mấy năm, người ta biết về màu sắc của sự kiện này qua những bản tin hoặc bản dịch sang tiếng Anh đến các dân tộc không nói tiếng Anh. Vì thế, bản đồ ảnh hưởng ngôn ngữ có ý nghĩa rất lớn cho các chính phủ và các cộng đồng ngôn ngữ áp dụng vào việc cải thiện vị thế của họ trong cộng đồng quốc tế.
Ronen cho rằng một quốc gia có thể tạo thêm ảnh hưởng cho mình bằng việc cổ vũ người dân sử dụng ngôn ngữ nước mình trên các mạng xã hội như Twitter, Wikipedia. Ngược lại một cá nhân hay doanh nghiệp muốn ảnh hưởng của ý tưởng hay sản phẩm của mình lan rộng thì không gì bằng chọn một ngôn ngữ thích hợp để truyền đạt, và đó có thể là ngôn ngữ thứ hai như tiếng Anh thay vì chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ. Và điều nhìn thấy trên bản đồ là, theo các nhà phân tích, chọn Tây Ban Nha làm ngôn ngữ thứ hai có lợi hơn chọn tiếng Trung Quốc.
Mark Davis, Chủ tịch và đồng sáng lập Hiệp hội Unicode ở Trung tâm Công nghệ Mountain View tại Hoa Kỳ chuyên lo về mã hóa ký tự cho các máy tính và thiết bị di động toàn cầu nhận xét việc đo lường trạng thái tương đối của các ngôn ngữ trên thế giới là một vấn đề rất khó và thường rất khó để có thể thu thập các dữ liệu tốt. Ông nói “Tầm nhìn của họ trên vấn đề này là một điều rất bổ ích và thú vị”. William Rivers, Giám đốc điều hành một trung tâm ngôn ngữ quốc gia tại Maryland còn cho rằng khi việc tiếp cận với nhiều ngôn ngữ rất khó khăn thì chính internet đang giúp người ta phổ biến những tiếng mẹ đẻ của họ. Và điều này thể hiện rất rõ trên bản đồ.
Ảnh hưởng của tốc độ giọng nói và mật độ thông tin
Khi năng lực lan truyền tạo nên tầm ảnh hưởng cho các ngôn ngữ, thì giọng nói cũng đóng vai trò quan trọng không kém, và lẽ dĩ nhiên bổ sung cho sức mạnh của ngôn ngữ. Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science gần đây cho biết các ngôn ngữ không chỉ khác nhau về giai điệu, cú pháp, và tốc độ hay mật độ mà cũng thay đổi tầm mức ảnh hưởng theo cách chúng ta truyền đạt thông tin. Một điều hết sức ngạc nhiên, theo kết quả nghiên cứu, là mật độ thông tin gần như được cân bằng theo tốc độ nói nhanh hay chậm, có nghĩa là về tổng thể khả năng truyền đạt thông tin bằng các ngôn ngữ gần như bằng nhau trong cùng một khoảng thời gian.
Đơn cử như tiếng Nhật có xu hướng được nói thật nhanh nhưng nó chứa một lượng thông tin tương đối thấp trong mỗi âm vận. Ngược lại tiếng Việt nói chậm nhưng lại chứa nhiều thông tin hơn nơi các âm vận của nó. Và, nhìn chung, cả hai cùng truyền đạt thông tin theo cùng tốc độ cho dù nói nhanh hay nói chậm. Tiếng nói của con người thực sự rất phức tạp, khi tiếng Nhật hay Tây Ban Nha chỉ có 25 âm vị (phonemes) thì tiếng Anh, tiếng Thái có tới 40, và khi tiếng Nhật chỉ có vài trăm âm vận (syllables) thì số âm vận trong tiếng Anh lên tới gần 7.000. Âm điệu hay phong cách cũng là một đa dạng của giọng nói: trong khi một số ngôn ngữ có âm điệu trầm bổng tương phản thì một số ngôn ngữ khác lại khá đều đặn bình lặng.
- Xem thêm: Những từ ngữ kết nối cả thế giới
Mật độ thông tin, nghĩa là lượng thông tin chứa trong mỗi âm vận, tạo nên sự khác biệt trong khả năng lan truyền của một ngôn ngữ, nhưng đây là một khía cạnh khá phức tạp. Trước mắt, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng con người gần như tránh các thái cực hoặc nói nhanh quá hoặc chậm quá. Những ngôn ngữ nói nhanh thường phức tạp hơn và khó nói và hiểu hơn, trong khi ngôn ngữ nói chậm làm cho bộ nhớ làm việc tốt hơn. Một mặt quan trọng khác, những người có khuynh hướng nói nhanh trong bất kỳ ngôn ngữ nào thường cung cấp ít thông tin hơn người nói chậm, và đây lại là một yếu tố khác trong năng lực truyền đạt để thành công.