Anh bạn đi thăm quê ngoài Bắc về, nói sao vụ nhà báo bị xử bốn năm tù nặng thế. Chạy tiền để lấy xe bị giam, không biết phổ biến đến đâu, nhưng chuyện mắt thấy tai nghe sau đây mới “khủng”, chẳng mất xu nào.
Đang đi dọc đường, xe bị giữ vì vi phạm luật giao thông, chuyện đó “thường ngày ở huyện” chứ gì? Điện thoại gọi thằng bạn, anh ta hỏi bị ở quãng nào, địa phận tỉnh nào, thôi được rồi, chờ ở đó nhé.
Lát sau cậu ta gọi lại, nói rẽ vào gần đó, có cái chùa lớn, tìm sư cụ… Cho số của nhà chùa luôn. Vào tới nơi, nhà chùa bảo cụ đi… họp Hội đồng nhân dân. Chờ một lúc thì… cụ về. Thấy mới hay là cụ trẻ măng, phải đổi gọi bằng thầy.
Thầy dắt ra trụ sở, nói với bảo vệ gọi cho thầy trưởng công an huyện. Một ông đại tá chạy ra, vái thầy lia lịa. Thầy nói việc anh bị giữ xe, trình giấy tờ, nơi phạt giữ xe. Một cú điện thoại từ ông đại tá, là xong.
- Xem thêm: Nguyên tắc của “thế giới ngầm”
Thấy chưa, uy của thầy bằng mấy tiền bạc. Nghe thật choáng. Có chuyện này là vì các cán bộ to nhỏ gì cũng phải đi chùa, cầu cúng, có việc nhờ thầy xem lành dữ, có phong trào vận động gì cũng nhờ nhà chùa một tiếng là xong ngay. Có khi chùa đóng góp số tiền lớn cho sửa cầu cống, trường học… Thế mới siêu.
Ông bạn khác thì truyền kinh nghiệm: quà. Ông bị bệnh nặng, suýt chết phải cấp cứu, sau cơn ấy thì tìm ra quy luật. Người dân từ dưới miền Tây, ngoài miền Trung vào Sài Gòn, đến bệnh viện từ 1 giờ sáng, xếp hàng – việc đủ khiến ai bệnh nặng có thể chết ngất. Bác sĩ khám vài phút, xòe ra như một xấp đủ các loại xét nghiệm.
Một ông nói: “Chạy cho đủ các phòng xét nghiệm này thì chỉ có lực sĩ mới đủ sức, người bệnh đi sao nổi. Không nổi cũng phải xong… Dại gì chịu cảnh xếp hàng đó. Ông bạn bảo; đem biếu bác sĩ gói quà trị giá hơn triệu đồng, lần sau quen rồi, cứ thế vào thẳng phòng. Trong đó, y tá, bác sĩ trực ngồi đầy. Mọi việc cứ thế chạy ro ro. Cần thử máu, sẽ có y tá dẫn đi, vào trước, khỏi xếp hàng.
Thật ra, vị thầy thuốc chữa bệnh cho ông bạn không phải nghèo, cũng chẳng coi gói quà là to. Không ít bác sĩ phẫu thuật, gia đình bệnh nhân còn biếu lớn hơn nhiều, gói quà ăn thua gì. Nhưng đó là dấu hiệu của quan hệ. Hiệu quả thấy mà… choáng.
Còn thằng con đang học đại học, chẳng ốm đau gì, cũng bày đặt choáng vì… truyền hình thực tế. Cậu ta chửi cả trên Facebook cái chương trình “rờ voi rờ chuột” gì đó (theo lời bà nội mách). À, xem thông tin kỹ thì là The Voice bị tung chứng cớ tố cáo sắp xếp kết quả, ăn nói như dân anh chị. Đám choai choai bị choáng, gọi đây là vòng… vạch mặt (hai vòng trước là “giấu mặt” và “đối mặt”, nên chúng chơi chữ).
Rồi đủ lời, đại loại như (nói nhỏ nhé, chép trộm trên Facebook đó): “Họp báo chắc cũng có kịch bản. Gì mà khóc quá chừng. Có đám ma nào cần thêm nước mắt, liên hệ “đội” này. Chê khán giả bị lừa.
Những ai mê chương trình hãy soi gương xem mình giống con lừa không…”. Phải công nhận, lời lẽ trên các mạng xã hội này hay và chính xác sinh động gấp vạn lần mấy ông nhà báo chính quy viết bài nhạt hoét trên các tờ báo.
Ở trên đó có đủ hạng người. Bên cạnh anh kia sục sôi chửi vung lên thì cũng có anh chàng chắc là cắm cổ vào công việc chẳng biết gì.
- Xem thêm: Giá mà bắt nhanh… như Mỹ
Những người hay xem vụ án thì một hôm cầm tờ báo, mắt muốn nổ tung: Thôi thế này là hết rồi. Con dâu hai mươi bốn tuổi đi nhậu về, bị phàn nàn, dùng dao đâm hai nhát giết chết bố chồng. Điển hình quá rồi còn gì: tuổi trẻ “tài cao” đâm chết người chỉ bằng hai nhát dao. Rồi nữa, còn ai dám nói chỉ đàn ông Việt mới hay nhậu?
Cô dâu thời đại nhé, tôi làm gì kệ tôi, bố mẹ chồng đừng có choáng mà chết oan có ngày! Đó, không choáng sao được. Các vụ cướp giết hiếp đầy trên báo là những vụ âm mưu bên ngoài, hoặc trong nhà thì cũng phải mâu thuẫn nặng nề tranh chấp đất cát nhà cửa, chứ tự cổ chí kim có cái thời nào cha mẹ nhắc nhở thôi là con vung dao giết liền như thế? Choáng!