-Nhà sinh học tiến hóa[1] Simone Sommer giải thích vì sao sự mất đa dạng sinh học dẫn đến những đại dịch như corona – và vì sao nó rất có thể không phải là đại dịch cuối cùng.
Elisabeth Schmidt-Landenberger phỏng vấn
____
Elisabeth Schmidt-Landenberger: Bà Sommer, trong lúc này người ta thường nói chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho sự xảy ra một loạt đại dịch như corona trong tương lai. Bà có thấy như vậy không?
Simone Sommer: Chắc chắn rồi. Trong các thập niên trước đây, số bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật ngày càng tăng mạnh hơn, đó là những bệnh có thể lây sang cả thú lẫn người. Đa số trường hợp do động vật hoang dã lây truyền sang thú nuôi và con người. Bà thử nghĩ xem: chúng ta đã biết HIV từ 1981, SARS[2] từ 2002, cúm gia cầm H5N1 từ 2003, cúm lợn từ 2009, MERS [3] từ 2012, cúm gia cầm H7N9 từ 2013, rồi đại dịch ebola bùng phát năm 2014. Đó thường là những bệnh nhiễm trùng có diễn biến gây tử vong và đến nay vẫn thường tái phát. Và càng ngày dịch bệnh càng xảy ra nhiều hơn.
____
Trường hợp corona, rất có thể dơi cũng đã truyền virus như dịch ebola hồi trước. Trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng, loài dơi nằm ở vị trí rất cao. Nói một cách mỉa mai, nếu chúng bị tuyệt chủng, vấn đề có biến mất hay không?
Đó sẽ là một thảm họa. Không kể đến những động vật hoang dã khác cũng mang mầm bệnh, loài dơi giữ những chức năng hết sức quan trọng trong hệ sinh thái, chẳng hạn như chúng thụ phấn cho một phần lớn cây nhiệt đới, kể cả những cây nông nghiệp như chuối. Chúng cũng phát tán hạt giống. Rồi tùy theo cách kiếm ăn của chúng, chúng còn giúp kiểm soát sâu bệnh nữa. Nếu như dơi biến mất khỏi hệ sinh thái của chúng ta, sẽ có nhiều sâu hơn, qua đó sẽ phát sinh những bệnh truyền nhiễm mới cho người.
____
Điều đó dẫn đến luận điểm trung tâm của bà: Bà và những nhà khoa học khác nói rằng các đại dịch như corona có liên quan trực tiếp đến sự mất đa dạng sinh học.
Đúng như vậy. Do tổn thất đa dạng sinh học, không những số các quần thể loài, mà cả số cá thể của mỗi loài cũng giảm sút. Điều này dẫn đến một biến đổi nghiêm trọng trong toàn hệ sinh thái – và rốt cuộc dẫn đến tình trạng động vật hoang dã, thú nuôi và con người xích lại rất gần nhau. Vì thế phát sinh những đường lây truyền mà các bên liên quan không thể thích ứng được.
____
Trước khi bà giải thích rõ hơn về điều đó: Cái gì tạo thành một hệ sinh thái nguyên vẹn và tại sao nó bảo vệ chúng ta trước những bệnh nhiễm trùng hay thậm chí những đại dịch?
Trong hệ sinh thái còn nguyên vẹn, một quần thể loài được cấu thành một cách tự nhiên với độ đa dạng sinh học cao. Trong đó, các mầm bệnh và vật chủ đã thích ứng với nhau trong nhiều năm, nhiều thiên kỷ của quá trình tiến hóa. Khi trong những hệ sinh thái nguyên vẹn một bệnh bùng phát thì nó sẽ xảy ra trong một phạm vi nhỏ và không khi nào trở thành bệnh dịch hay thậm chí đại dịch cả. Chắc chắn trước đây cũng đã có những bệnh nhiễm trùng, nhưng chúng ta chẳng chú ý đến vì chúng không thể lan truyền được.
____
Tại sao như thế, bà có thể nêu một ví dụ không?
Ví dụ một khu rừng mưa vùng thấp với độ đa dạng sinh học cao. Ở đó có nhiều loài chuột nhắt, chuột cống và sóc khác nhau. Rồi một bệnh nhiễm trùng xâm nhập vào khu rừng. Nó có thể truyền bệnh cho vài con thú cùng một loài, nhưng nhìn chung, số con nhiễm bệnh tương đối ít – một phần chỉ vì các ổ sinh thái có nhiều loài khác không thể bị lây nhiễm. Thông thường một virus có tính chuyên biệt loài cần một tế bào vật chủ thích hợp. Nếu không tìm được tế bào đó, nó không thể lan truyền được. Và trong một hệ sinh thái nguyên vẹn với nhiều loài khác nhau nó không có được điều kiện thuận tiện để lan truyền.
____
Ngược lại, có thể nói: trong một hệ sinh thái bị xáo trộn, nguy cơ nhiễm trùng tương đối lớn vì có ít loài hơn? Sự tuyệt chủng của nhiều loài xảy ra như thế nào, và mối nguy đối với con người chính xác là gì?
Trước hết, điều quan trọng là cần phải biết về phản ứng của các loài đối với những biến đổi của môi trường xung quanh chúng và phân biệt giữa các loài được gọi là specialist (có phản ứng chuyên biệt) và các loài generalist (có phản ứng rộng, không chuyên biệt). Các loài specialist rất nhạy cảm với những xáo trộn. Chẳng hạn khi con người làm suy thoái, chia nhỏ không gian sống của nhiều loài bằng cách phá rừng, thay đổi mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, khiến các loài specialist suy giảm nặng nề. Điều này lại dẫn đến sự giảm sút đa dạng gen, sự suy yếu hệ miễn dịch của chúng. Vì thế chúng dễ bị lây nhiễm hơn, quần thể của chúng suy giảm; nhiều loài bị tuyệt chủng. Kết quả là một “cơn lốc” tuyệt chủng thật sự.
____
Các loài specialist đến gần con người – và truyền virus như thế nào?
Một phần thông qua việc buôn bán động vật hoang dã. Chính trong số các động vật hoang dã được ưa chuộng và săn bắt có nhiều loài specialist, trong số các loài linh trưởng, tức là các loài khỉ cũng thế. Ở các loài này, những bệnh có nguồn gốc động vật gia tăng rất mạnh. Bà hãy nghĩ đến thịt rừng ở châu Phi. Bệnh ebola ở châu Phi lây truyền trực tiếp sang người qua sự ăn thịt khỉ và dơi.
____
Nhưng người ta vẫn thường xuyên ăn thịt động vật hoang dã; chợ bán thịt thú rừng ở châu Phi và chợ giết mổ thịt cá tại chỗ (wet market) ở châu Á cũng đã có từ lâu. Điều gì thay đổi bất ngờ khiến chúng ta phải đối đầu với một đại ḍich với mức độ rộng lớn như thế?
Tôi không nghĩ tình trạng trở nên nguy hiểm một cách “bất ngờ”. Chợ giết mổ thịt cá tại chỗ luôn luôn nguy hiểm. HIV đã có hơn 30 năm rồi, bệnh này chung quy cũng phát sinh từ thịt rừng. SARS, MERS, ebola cũng thế. Thêm vào đó, là xu thế toàn cầu hóa. Có sự khác biệt khi thịt rừng được ăn trong một làng hẻo lánh nào đó ở châu Phi. Trước đây lâu lắm, chắc ebola đã xảy ra nhiều lần ở địa phương. Nhưng đó là những nhóm dân cư sống cách biệt. Ở bệnh này, điều “may mắn” cho chúng ta là nó chủ yếu giới hạn ở châu Phi. Nhưng vì dịch corona dễ dàng lan truyền qua sol khí, và vì chúng ta di chuyển bằng máy bay nên nó mới lây lan khắp thế giới như thế.
____
Còn nhóm các loài generalist thì sao? Có thể chúng sẽ ít nguy hiểm hơn đối với chúng ta?
Ngược lại. Bởi vì điều này: Do tổn thất nói trên của các loài specialist, nhiều ổ sinh thái trở nên trống, rồi bị chiếm bởi các loài generalist có khả năng thích ứng. Các loài này có thể đối ứng tốt hơn nhiều với những rối loạn do con người gây ra và tránh sang những không gian sống không bị rối loạn. Đặc biệt các bộ động vật có vú bao gồm rất nhiều loài, trong đó có nhiều generalist. Nhất là các loài gặm nhắm, kế đó là các loài dơi. Nếu một loài generalist bị nhiễm trùng, virus sẽ có điều kiện gần như lý tưởng để lan truyền vì nó có thể cùng một lúc tấn công rất nhiều tế bào chủ thích hợp.
____
Nhưng như bà cho biết, các loài generalist có sức đề kháng rất mạnh, phải không?
Thông thường chính chúng không bị bệnh vì có khả năng thích ứng qua quá trình tiến hóa lâu dài, nhưng dĩ nhiên chúng có thể truyền virus. Chúng rất thường là những ổ chứa mầm bệnh, nghĩa là chúng có thể mang vô số virus có nguồn gốc động vật. Một loài càng có nhiều cá thể thì tính đa dạng của virus càng lớn, mối quan hệ này đã được khoa học chứng minh. Do sự tổn thất của những loài specialist, các loài generalist lan truyền ngày càng rộng hơn, vợi mật độ mầm bệnh có ảnh hưởng đến người ngày càng tăng thêm trong chúng – đồng thời, do không gian sống của chúng thu hẹp, chúng ngày càng đến gần gia súc và người hơn. Do đó, nguy cơ truyền bệnh sang những sinh vật khác cũng tăng lên – một bệnh động vật truyền sang người mới có thể phát sinh.
____
Chăn nuôi công nghiệp đóng vai trò gì trong quá trình này?
Một vai trò lớn. Ví dụ heo rừng, một loài generalist có thể sống dễ dàng bên ven rừng, cũng như gần làng mạc, thành phố và tiếp xúc với gia súc ở các nơi đó. Nếu heo rừng truyền bệnh sang một bầy thú nuôi, thì sẽ xảy ra sự việc như đoạn diễn tả phía trên với các loài generalist: Virus tìm thấy trong một không gian hẹp rất nhiều tế bào chủ mà chúng có thể xâm nhập vào và sinh sôi nảy nở. Trong lúc này, gia súc, gia cầm cũng mang trong mình một số virus và dễ dàng lây truyền sang người. Lấy ví dụ bệnh cúm gia cầm và cúm heo: Động vật hoang dã đã truyền virus cúm sang thú nuôi đại trà. Đó là một trái bom nổ chậm.
____
Chó hoặc mèo đóng vai trò nào? Còn chuột nhắt hoặc chuột cống có vai trò nào?
Chúng ta biết nhiều bệnh có nguồn gốc động vật có thể lây truyền bởi vật nuôi, ví dụ bệnh toxoplasmosis[4] và bệnh chó dại. Nhưng các bệnh này không gây ra dịch. Đến nay không có dấu hiệu cho thấy gia súc có thể truyền covid-19 sang người. Tuy nhiên, có vài báo cáo về việc người lây truyền bệnh sang vật nuôi và động vật hoang dã, ví dụ cọp trong vườn thú ở khu phố Bronx, thành phố New York hoặc chồn vizon ở Hà Lan.
Bênh có nguồn gốc động vật và sự lây nhiễm sang người:
1. Lây truyền giữa những vật chủ động vật. 2. Lây truyền từ động vật chủ sang người. 3. Lây truyền giữa người với người.
(Nguồn: Mettenleiter, Thomas C. (2021), „Tierseuchen und One Health“, in: Lohse, A.W. (ed.), „Infektionen und Gesellschaft“, Springer, Berlin, Heidelberg, p. 74-81. Open Access.)
____
Các loài specialist bị tuyệt chủng, các loài generalist tăng lên – với nguy cơ nhiễm trùng cao cho động vật hoang dã, thú nuôi và người. Vậy cuối cùng rồi một phản ứng dây chuyền gây tác hại trong hệ sinh thái và dẫn đến đại dịch corona mà chỉ con người là phải chịu trách nhiệm?
Tôi thấy đúng như vậy. Chính xác do ba yếu tố: Chúng ta phá hủy môi trường sống của các động vật, qua đó số ca nhiễm trùng tăng lên và làm tăng nguy cơ truyền nhiễm bệnh hiểm nghèo. Chúng ta chăn nuôi trên quy mô lớn và như thế là tạo môi trường hầu như lý tưởng cho sự lây nhiễm. Và chúng ta buôn bán động vật hoang dã nên hiện nay chúng ta đã tự chuốc cho mình covid-19. Khoa học đã lưu ý đến tất cả các điều ấy từ rất lâu rồi. Bây giờ có lẽ đã đến lúc cần xem xét chúng một cách nghiêm túc. Như vậy, đại dịch corona ít ra cũng có tác dụng nào đó ngoài những hậu quả nặng nề.
Nguồn: Sommer, Simone, „Für Corona ist allein der Mensch verantwortlich“, Böll.Thema 04/2020: Biodiversität, S. 36-37. [Phỏng vấn ngày 02.10.2020 bởi Elisabeth Schmidt-Landenberger].
This article is licensed under Creative Commons License.
GS TS Simone Sommer là nhà sinh thái học tiến hóa. Năm 2014 bà nhận trách nhiệm lãnh đạo Viện nghiên cứu sinh thái học tiến hóa và di truyền học bảo tồn thuộc Đại học Ulm. Trong chương trình nghiên cứu „EcoHealth“ bà tìm hiểu tác động qua lại lẫn nhau giữa sức khỏe của động vật, của môi trường và con người.
Elisabeth Schmidt-Landenberger là người phụ trách mục Böll.Thema của Quỹ Heinrich Böll, đồng thời làm huấn luyện viên và giảng viên về phương tiện thông tin đại chúng. Bà tập huấn về văn bản cho giới chính trị gia, cho nhiều tổ chức phi chính phủ và nhà xuất bản lớn.