Kể từ ngày 1-7-2015, Chính phủ đã chính thức miễn visa cho công dân năm quốc gia châu Âu là Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha có thời hạn tạm trú tại Việt Nam dưới 15 ngày, áp dụng đến hết ngày 30-6-2016. Nhiều người trong ngành du lịch cho rằng việc làm này sẽ làm tăng nguồn khách từ các thị trường trên. Tuy nhiên thời hạn tạm trú 15 ngày bị xem là quá ít. Với khách Việt kiều và thân nhân về nước thường lâu hơn hai tuần thì đây không phải là một bước tiến mới, nếu họ không xin miễn thị thực năm năm.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist phân tích: “Khách từ năm nước trên muốn đi du lịch hoặc đến Việt Nam trên 15 ngày vẫn phải mất thời gian xin duyệt và đóng lệ phí visa, như vậy tính cạnh tranh của tour dài ngày đi Việt Nam vẫn không tăng. Còn khách đang thăm nước ta theo chính sách miễn visa 15 ngày nếu muốn kéo dài chuyến thăm thêm vài ngày sẽ không được phép làm thủ tục gia hạn tại chỗ mà phải xuất cảnh, sau đó nếu muốn quay lại Việt Nam trong vòng 30 ngày tính từ ngày xuất cảnh thì phải xin visa. Thời gian rời Việt Nam phải là 30 ngày trở lên thì mới được hưởng chính sách miễn visa 15 ngày”. Ông Võ Anh Tài cũng cho biết doanh nghiệp vẫn chưa rõ chính sách áp dụng đến hết ngày 30-6-2016 là tính theo ngày khách đến Việt Nam hay là ngày khách phải rời Việt Nam (tức ngày 16-6-2016 hay ngày 30-6-2016 mới là ngày cuối cùng miễn visa 15 ngày). Thông thường, khách của các hãng du lịch châu Âu đều gửi thông tin để làm visa sớm từ 1-2 tháng trước khi vào nước ta. Do đó chính sách này có được gia hạn hay không thì Chính phủ cũng nên có thông báo trước ba tháng để các hãng lữ hành kịp thời thông báo cho du khách.
Trước Việt Nam ba tuần, Indonesia đã chính thức miễn visa cho công dân của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tạm trú tại nước này trong vòng 30 ngày, nâng số nước có công dân được miễn visa đến Indonesia là 45 nước. Như vậy Việt Nam trở thành nước có chính sách thị thực khó khăn hàng đầu trong khu vực khi chỉ miễn visa cho công dân của hơn 20 nước. Tuy nhiên khác với Indonesia thời gian vừa qua có mức tăng du khách luôn trên 7% và số lượng khách quốc tế đến nước này đã đạt con số xấp xỉ 10 triệu, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2015 đã giảm đến 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái (theo thống kê của Tổng Cục Du lịch).
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015, ông Ken Atkinson, Trưởng nhóm Công tác Du lịch đã đưa ra bài toán: Số lượng khách du lịch tới nước ta từ những quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand hiện đạt 1,6 triệu lượt/năm. Với phí trung bình để cấp một hồ sơ thị thực là 70 USD, tổng doanh thu từ lệ phí thị thực ước tính vào khoảng 11 triệu USD. Nếu việc miễn thị thực dẫn tới mức tăng trưởng du khách khoảng 10% thì số lượng khách tới từ các quốc gia kể trên sẽ tăng khoảng 160.000 lượt. Dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình một ngày vào khoảng 102 USD (cả hai chỉ tiêu trên đều thấp hơn so với con số thực tế mà du khách từ các quốc gia kể trên đem lại) thì tổng chi tiêu sẽ tăng thêm khoảng 200 triệu USD và ngành du lịch – khách sạn sẽ đóng góp thêm khoảng 20 triệu USD thuế GTGT cho Chính phủ.
Kết quả thống kê năm 2014 và quý I năm 2015 cho thấy các thị trường được miễn giảm thị thực khi vào Việt Nam (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch) có mức tăng khách thấp nhất là 5% – 7%. Đặc biệt lượng khách từ Hàn Quốc tăng 13% trong năm 2014 và 31% trong quý I năm 2015. Lượng khách đến từ Phần Lan cũng tăng 28% trong quý I năm 2015.
Xuân Thu (DNSGCT)