Hai tháng vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã có tín hiệu khởi sắc khi lượng khách quốc tế bắt đầu tăng trở lại sau hơn một năm giảm liên tiếp. Cuối tháng 11-2015, việc điều chỉnh chính sách visa theo hướng giảm thu phí của Bộ Tài chính hứa hẹn sẽ tác động trực tiếp đến lượng du khách từ những thị trường chính. Trong bối cảnh hầu hết các nước ASEAN đều đang nỗ lực thu hút khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều việc cần làm ngay để không bị tụt lại giữa cuộc cạnh tranh ngày càng sôi động.
Chính sách visa mới cần được quảng bá rộng hơn
Trong tháng 10-2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 650 ngàn lượt, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2014. Số liệu thống kê của Tổng cục du lịch cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10-2015, lượng khách đến Việt Nam từ năm quốc gia (Tây Ban Nha, Đức, Ý, Anh, Pháp) được Chính phủ miễn visa từ tháng 7-2015 đã có sự tăng trưởng ở mức từ 126% đến 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số đáng khích lệ, đặc biệt là khách từ năm quốc gia trên thuộc nhóm đối tượng chi tiêu cao tại Việt Nam với mức trung bình 350 USD/ngày. Tuy nhiên, Tổng cục cũng cho biết lượng khách tăng này chủ yếu chỉ nằm trong đối tượng khách đang sinh sống, làm việc hay du lịch ở các khu vực gần Việt Nam khi biết thông tin đã đi du lịch vào Việt Nam. Lý do bởi việc quảng bá cho hành động miễn visa vẫn còn hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp có ý kiến rằng chính sách miễn visa khi được ban hành cần có thời gian để phát huy tác dụng thực sự, đặc biệt là đối với các thị trường xa tại Tây Âu thường có thói quen lập kế hoạch đi du lịch từ trước 6-12 tháng. Vì vậy việc miễn thị thực cho công dân năm nước Tây Âu, chỉ có thời hạn trong vòng một năm là tương đối ngắn do tính chất của việc quảng bá, xúc tiến thị trường nước ngoài, đặc biệt thị trường châu Âu khác hoàn toàn với Việt Nam. Bên cạnh đó, người châu Âu có xu hướng đi du lịch dài ngày và xuyên quốc gia, việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân năm nước Tây Âu cần xem xét kéo dài thời gian lưu trú lên 30 ngày thay vì 15 ngày.
Các doanh nghiệp mong rằng nếu việc gia hạn được chấp thuận thì Chính phủ nên công bố sớm, để các hãng du lịch nước ngoài đưa vào kế hoạch quảng bá các sản phẩm du lịch và khách hàng đủ thời gian lên kế hoạch cho các chuyến du lịch vào cuối năm 2016, đầu năm 2017.
Đối mặt với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn
Nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 157/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 23-11-2015 quy định chế độ cấp visa theo hướng giảm thu. Cụ thể là lệ phí visa có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống 25 USD; visa loại có giá trị đến ba tháng giảm từ 95 USD còn 50 USD… Đối với việc cấp visa có thời hạn không quá 15 ngày cho người nước ngoài vào theo diện đơn phương miễn visa vừa xuất cảnh, vừa nhập cảnh trở lại trong thời gian chưa quá 30 ngày, Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí này từ 45 USD xuống còn 5 USD. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp du lịch, song nhiều người trong ngành hy vọng rằng chính sách visa mới phải được chính phủ quan tâm quảng bá thì mới mong phát huy hết hiệu quả.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết: “Sự điều chỉnh chính sách visa lần này sẽ có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, mức điều chỉnh như thế vẫn chưa làm chính sách visa của nước ta đạt mức độ dễ dàng như một số nước trong khu vực đã miễn visa đối với nhiều quốc tịch”. Phân tích thêm về mức giảm phí, ông Tài cho rằng đối với việc cấp visa có thời hạn không quá 15 ngày cho người nước ngoài theo diện đơn phương miễn thị thực vừa xuất cảnh, vừa nhập cảnh trở lại trong thời gian chưa quá 30 ngày, Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí này từ 45 USD xuống còn 5 USD là một sự điều chỉnh nhanh chóng và rất tích cực. Còn lệ phí visa có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống 25 USD chỉ là trở lại mức lệ phí trước đây – trước khi tăng lên 45 USD vào cuối tháng 3-2015.
Trong nhóm các nước có lượng khách từ ba triệu đến 10 triệu gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Myanmar thì Việt Nam sau khi giảm phí cấp visa vẫn là nước có chính sách visa ít hấp dẫn du khách. Indonesia sau khi chính thức miễn visa cho du khách từ 45 quốc gia hồi tháng 6-2015 đã tuyên bố sẽ tiếp tục nâng con số các quốc gia được miễn lên đến 90 nước từ đầu năm 2016. Đây là một trong những hành động cụ thể của Chính phủ Indonesia nhằm đạt mục tiêu thu hút được 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2019 (lượng khách quốc tế đến nước này năm 2014 xấp xỉ 10 triệu người). Còn Myanmar năm 2014 chỉ mới đón ba triệu khách nhưng với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 40 – 50% suốt mấy năm qua, quốc gia này được dự báo là sẽ vượt Việt Nam về lượng khách quốc tế chỉ trong vài năm tới. Philippines thu hút năm triệu khách vào năm 2014, kém Việt Nam khoảng 2,5 triệu khách nhưng lượng khách đến nước này tăng ổn định và được đánh giá là chất lượng hơn, có mức chi tiêu bình quân cao hơn khách đến Việt Nam…
Tính chung 10 tháng năm 2015, du khách đến nước ta khoảng 6.338.611 lượt, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2014. Là nước duy nhất ở Đông Nam Á bị giảm khách liên tục từ giữa năm 2014 đến giữa năm 2015, chúng ta đang có nhiều cố gắng để cạnh tranh với các nước láng giềng.
Theo ông Võ Anh Tài, để làm được điều đó thì bên cạnh giảm lệ phí, thủ tục cấp visa phải đơn giản, nhanh chóng hơn. Ngoài vấn đề visa, ngành du lịch Việt Nam cần thiết phải có sự liên kết, phối hợp của các ngành, cơ quan, địa phương liên quan để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, thương hiệu, điểm đến.
Cẩm Tú (DNSGCT)