Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) – con người tài hoa, lịch lãm và uyên bác ấy, quê mẹ ở Quảng Trị, thời bé có thời gian đi học tại huyện Điện Bàn (Quảng Nam).
Lúc lên tám, như mọi ngày, ông cắp sách đi học nhưng chẳng may hôm ấy thầy ốm. Em vợ của thầy phải dạy thay, bằng cách lấy quyển sách giáo khoa môn Vệ sinh đọc chính tả cho học trò viết. Bài chính tả như sau:
Răng sạch không bao giờ sâu
Răng sâu trông thực xấu
Đánh răng thì phải đánh
Cả trên lẫn dưới
Cả trong lẫn ngoài
Ấn tượng khiến về sau dù ngoài lục thập, ông vẫn còn nhớ như in: “Giờ đây tôi vẫn còn nghe vang vang giọng Huế đọc bài Răng sâu ấy. Nhớ cả dáng anh ấy đi lại nhẹ nhàng giữa lớp học im phăng phắc, tiếng gió ngoài sân và ánh nắng trên cửa kính nhà trường”. Ông nhớ mãi vì cách đọc đã đành nhưng còn do chữ chọi chữ thật khó quên: sạch (trắc) chọi với chữ sâu (bằng); chữ sâu (bằng) chọi với chữ xấu (trắc); và đến hai câu cuối lại nhịp nhàng như ru:
Cả trên lẫn dưới
Cả trong lẫn ngoài
Nếu Aristote cho rằng: “Hai nguồn gốc của thơ thì một là bắt chước”, Chế Lan Viên cho biết bài học đầu đời của ông chính là bắt chước theo sự nhịp nhàng, hài hòa của vần điệu từ bài chính tả này.
Sau này, năm 15 tuổi khi vào học ở Quy Nhơn, nhà thơ Yến Lan học trên 2 lớp đã đưa cho ông đọc bài văn của Tản Đà. Ông nhớ lại, “nay vẫn còn lưởng vưởng trong óc tôi”: “Gió mùa thu. Lá vàng rụng bay. Các cậu đi học. Áo rách thì mẹ vá. Không có áo lành thì mẹ may. Công mẹ không đến nổi như mùa thu lá vàng rụng bay”. Ở đây, ta nhận ra cấu trúc của câu văn cũng nhịp nhàng, vần nối theo vần, dù không phải là thơ. Trong khoảng thời gian này, ông đã có thơ in trên báo Tiếng trẻ, truyện ngắn in báo Khuyến học… Điều này cho thấy Chế Lan Viên bộc lộ năng khiếu văn chương từ rất sớm.
- Xem thêm: Chữ “danh” của người quân tử
Chừng hai năm kế tiếp, năm 1937, khi đang theo học với thầy Lê Ấm (con rể của cụ Phan Châu Trinh, thân phụ của nhà văn Phan Tứ), Chế Lan Viên đã cho xuất bản tập thơ Điêu tàn, nói như Hoài Thanh “đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Điều gì đã tạo nên năng lực phi thường ở cậu học trò chỉ mới 17 tuổi? Nhờ đọc sách. Nói cách khác là nhờ ông đã đọc những bài thơ hay của Leconte de Lisle mà viết nên Chiến tượng:
Chim câm tiếng, nắng chiều không dám động
Lá vàng kia sợ hãi cũng thôi rơi
Làn suối trắng nghẹn lời trong ngàn rộng
Bên hàng cây kinh khủng bật hơi cười
Nhờ đọc Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, đọc Ác hoa (Fleurs du mal) của Baudelaire mà ông đã viết về cái chết vốn đã gặp ở bãi tha ma và ở sọ dừa trong phòng thí nghiệm nhà trường. Do đọc sách Đông – Tây kim cổ mà thành tài như Chế Lan Viên, có thể nói vẫn là nền tảng của trí thức lớp trước.
Lúc còn đi học, dù giỏi môn Văn, làm thơ hay nhưng ông vẫn khiêm tốn, hễ bạn bè có năng khiếu văn chương thì trao đổi, dìu dắt giúp đỡ; còn những ai làm thơ dở mà phách lối, huênh hoang thì ghét lắm. Ông hay ngâm câu của Hứa Hồn mà Quách Tấn dịch: “Làm thơ cốt tợ thành tiên/ Không thơ trong cốt chớ phiền ngâm nga”.
Tiếng tăm của Chế Lan Viên từ lúc đó đã vang dội đến nỗi các thầy dạy cũng khâm phục. Có câu chuyện là năm 1938, khi Chế Lan Viên ra Huế thi, người hỏi môn Vấn đáp là giáo sư Ưng Quả. Sau khi xem thẻ thí sinh, thầy cười: “Đây không phải là thí sinh bình thường, mà là thí sinh nổi danh. Này em, Tỳ bà hành có câu: “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách”, theo em có những điểm gì đặc biệt tạo nên giá trị cho bài thơ?”.
Với câu hỏi cực khó này, không ngờ Chế Lan Viên đã trả lời trôi chảy mà trước đó, chưa hề có nhà phê bình văn học nào đã phân tích: “Thưa thầy, đặc điểm trong bài thì nhiều, nhưng chỉ câu mở đầu “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” đã cho thấy đặc điểm của nghệ thuật: Hai tiếng trắc “bến – khách” ở đầu và ở cuối câu gợi lên hai bờ sông cao và dốc. Còn 5 chữ toàn vần bằng ở giữa là những gợn sóng nhẹ trên mặt sông”. Giáo sư Ưng Quả kinh ngạc trước sự thẩm thấu kỳ lạ về nghệ thuật thơ ở một cậu học trò 18 tuổi và thầy cho ngay số điểm cao nhất.
Sau khi ra trường, Chế Lan Viên dạy môn Việt Văn và tiếng Pháp tại Trường Mission ở Thanh Hóa. Bấy giờ, có một đại gia vì ái mộ danh tiếng nên mời ông dạy kèm cho con tại nhà với hai môn tiếng Pháp và chữ Hán. Phải nói ngay, Chế Lan Viên không giỏi chữ Hán, thế nhưng ông vẫn nhận lời là do đâu? Tục ngữ có câu “Học thầy không tày học bạn”, ông liền cầu cứu người bạn thân thiết là thi sĩ Quách Tấn.
Thế là từ Bình Định, tác giả Mùa cổ điển đã gửi gấp ra cho bạn các quyển Tự học chữ Hán, Dạy chữ Hán… Không những thế, hàng tuần, Quách Tấn còn gửi ra các bài soạn sẵn, đó là các thơ Đường, thơ Tống viết theo lối chân phương bằng mực tàu, rồi phiên âm, dịch nghĩa đen, nghĩa bóng của từng câu, kể cả điển tích trong thơ. Nhờ cách tự học “hàm thụ” này, dần dà Chế Lan Viên thuộc nhiều mặt chữ và có thể dạy lại cho học trò.
- Xem thêm: Cắc cớ tiếng Việt
Cả cuộc đời của Chế Lan Viên gắn bó thường xuyên với sự chuyên cần học tập. Khi định cư tại TP.HCM, sống tại ngôi nhà mà ông đặt tên Viên Tĩnh viên một ngày của ông đều đặn diễn ra: sáng thức dậy sớm chu toàn việc nhà, xong là ngồi vào bàn học. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh, con gái ông kể về cha mình: “Học thơ, thơ từ cổ chí kim của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa”. Đành rằng, học để thành người, với ông còn là: “Học không phải để vui mà để không ai giết được”, Vàng Anh cho biết.
Sự ham mê học hành này cũng là một biểu hiện của sức sống Hoa trên đá như chính nhan đề tập thơ của Chế Lan Viên. Thế thì, rèn luyện được tính các ấy phải là từ năm tháng còn cắp sách đến trường. Nói như thế, vì sau khi lừng danh với Điêu tàn nhưng ông say mê học từng ngày. Thời trẻ có lần nhìn thấy Quách Tấn bỏ bê việc đọc sách, chỉ thích ngủ, ông nhắc nhở bạn: “Sao Tấn làm biếng học thế, thời giờ rảnh có ít mà cứ lo nằm ngủ, không lo đọc sách thì biết đến bao giờ mới đi đến mục đích tận cùng của thơ?”.