2019 là một năm đầy bước ngoặt của điện ảnh Việt. Đây là năm của những điều trái ngược. Có những bộ phim đoạt doanh thu vượt 200 tỉ đồng, nhưng cũng có những mùa phim thất bát với doanh thu thấp khó lý giải.
Có những phim đoạt hơn 40 giải thưởng quốc tế, nhưng vẫn còn vài phim thảm họa, đầy sạn.
Phim Việt hội nhập
Về đường phát hành, Hai Phượng, Lật mặt 4: Nhà có khách và Thất Sơn tâm linh là 3 phim Việt công chiếu ở thị trường nước ngoài trong năm qua.
Hai Phượng chiếu ở Trung Quốc từ tháng 9-2019 và lên Netflix, hệ thống có ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thất Sơn tâm linh chiếu ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Lào, Singapore và Đài Loan từ cuối năm 2019 đến đầu 2020. Lật mặt 4: Nhà có khách chiếu ở Mỹ và Úc vào tháng 4, 5-2019.
Con số doanh thu ở nước ngoài không được nhà phát hành công bố, nên chưa thể nhận định về sức hút của phim Việt ở thị trường quốc tế. Nhưng cần nhìn nhận các nhà sản xuất đã rất nỗ lực đưa phim Việt ra rạp ngoại.
Đường hội nhập của phim Việt còn có lối đi liên hoan phim quốc tế. Song Lang là phim thành công nhất năm qua khi đoạt hơn 40 giải thưởng lớn nhỏ tại các liên hoan phim khắp thế giới.
Cuối năm, Song Lang đoạt thêm giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2019, trở thành bộ phim được giới chuyên môn trong lẫn ngoài nước đánh giá cao.
Bên cạnh những phim vượt trội về chất lượng và doanh thu, năm 2019 thị trường cũng ghi nhận tín hiệu tích cực là số phim dở và thảm họa đã giảm so với các năm trước.
Năm 2019, chỉ còn trên dưới 10 phim so với trên dưới 20 phim của các năm trước. Lý do là các nhà phát hành cũng rút kinh nghiệm xương máu khi phim dở và thảm họa cầm chắc thất bại đau đớn ở phòng vé.
Doanh thu vẫn rất khó đoán
Nếu chỉ nhìn vào hai dịp đầu và cuối năm 2019, người ta sẽ nhầm tưởng điện ảnh Việt đang được mùa doanh thu. Đó là vì chiến thắng phòng vé của Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Lật mặt 4: Nhà có khách và gần nhất là Mắt biếc (được dự báo doanh thu 150 – 200 tỉ đồng).
Đây đều là những phim được dự báo có doanh thu cao nhờ các tên tuổi lớn tham gia, hoặc khâu quảng bá gây sốt từ những ngày đầu.
Nhưng nhìn kỹ vào từng giai đoạn trong năm, bài toán doanh thu phim điện ảnh Việt lại vẫn khó đoán như mọi năm. Đặc biệt, dịp hè và 2-9 năm nay, phòng vé phim Việt ảm đạm khó tả.
Trong khi vào năm ngoái, ra mắt vào dịp 2-9 đã giúp Chàng vợ của em và Hoán đổi đạt doanh thu hàng chục tỉ đồng chỉ trong ít ngày.
Trường hợp đáng tiếc nhất là Anh trai yêu quái, một phim làm lại từ bản gốc Hàn được đánh giá là tinh tế và giàu cảm xúc, được dự báo doanh thu khủng nhưng dừng lại ở gần 50 tỉ đồng.
Trái lại, dịp Giáng sinh các năm trước chưa bao giờ được coi là thời điểm làm ăn tốt của phim Việt, năm nay lại chứng kiến phim Việt áp đảo phòng vé. Mắt biếc gây nên cơn sốt lớn với 100 tỉ đồng sau hơn 8 ngày công chiếu, Chị chị em em cũng có doanh thu khá với hơn 40 tỉ đồng.
Thành công này có thể là tiền lệ cho mùa phim Việt Giáng sinh, bên cạnh mùa tết như mọi năm. Đặc biệt là khi phim Hollywood cũng tỏ ra bí đề tài Giáng sinh, không có thêm những phim Giáng sinh nổi tiếng như trước.
Năm 2020 có gì?
Với những điểm cả sáng lẫn tối nêu trên, năm 2019 vẫn là năm phát triển của điện ảnh Việt về doanh thu và chất lượng. Đây là diễn biến đáng mừng cho năm khép lại một thập niên 2010 nhiều chuyển biến của điện ảnh Việt.
Sang năm 2020, cũng là năm bắt đầu thập niên mới, điện ảnh Việt được dự báo tiếp tục vươn lên những nấc thang mới. Vào tháng 5, Trạng Tí, dự án điện ảnh được đầu tư lớn nhất của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, sẽ ra mắt khán giả.
Bên cạnh đó, một loạt phim tết và phim đầu năm đáng chú ý là: 30 chưa phải Tết, Đôi mắt âm dương, Bí mật của gió, Sắc đẹp dối trá, Nắng 3: Lời hứa của cha, Chị Mười Ba 2, Lật mặt 5: 48h, Kiều, Thanh Sói…
Mỗi dự án đều có các yếu tố hút khách như sự tham gia của các ngôi sao (Trường Giang, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Ngô Thanh Vân), hoặc thu hút về đề tài và nhân vật (Kiều, Thanh Sói).