Nhiều người cho rằng đường là nguồn năng lượng giúp cho ung thư có thể di căn. Tuy nhiên, mới đây các chuyên gia đã tìm ra một tác nhân có vai trò thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư: đó là chất béo, hay mỡ nói chung.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một bằng chứng tế bào ung thư cần đến chất béo để phát triển. Gần đây, các nhà khoa học tìm ra thêm bằng chứng rằng chỉ cần ngăn không cho các tế bào ung thư hấp thu chất béo, họ có thể ngăn chặn quá trình di căn của ung thư.
Các chuyên gia y học từng cho rằng đường chính là nguồn cung cấp năng lượng cho quá trình di căn. Thế nhưng đến đầu năm 2016, một số chuyên gia đặt ra giả thuyết: có khi nào chất béo mới là tác nhân chính?
Theo nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature đã tăng thêm sức nặng cho giả thuyết này. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu xác định các tế bào khiến ung thư miệng ở chuột thí nghiệm lây lan. Họ đã nhận thấy rằng: một số acid béo trong đó có cả palmitic acid (có trong dầu cọ), có thể thúc đẩy quá trình di căn của ung thư.
Thí nghiệm này được tiến hành trên chuột, kết quả cho thấy bên trong các tế bào ung thư của chuột có sự hiện diện của CD36 với nồng độ rất lớn. Chất CD36 là một dạng thụ thể protein có tác dụng giúp tế bào hấp thụ mỡ. Những con chuột có chế độ ăn giàu chất béo sẽ có khối u lớn và lan mạnh hơn so với các con chuột ăn uống bình thường, ít chất béo.
Tương tự ở người, cũng từng có một số liên hệ giữa CD36 và các bệnh nhân ung thư. Vì thế, các chuyên gia quyết định nghiên cứu xem nếu CD36 bị nghẽn lại thì chuyện gì sẽ xảy ra. Thật bất ngờ, kết quả là gần như toàn bộ quá trình di căn đã ngừng lại, dù không thể ngăn khối u đầu tiên hình thành.
- Xem thêm: Những ngộ nhận về chất béo
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Salvador Aznar Benitah cho biết: “Chúng tôi giả định rằng tế bào di căn chỉ có thể hình thành nếu có một số loại acid béo nhất định. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa thể hiểu chính xác vì sao khóa CD36 lại có thể ngăn được ung thư di căn”.
Các chuyên gia cho biết nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm trên chuột, mà chưa có thí nghiệm trên người. Hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ lời khuyên nào liên quan đến chế độ ăn ở người, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư.
Benitah chia sẻ: “Đây là bước đầu tiên và cũng là bước rất quan trọng. Giờ đây chúng ta có thể xác định được đâu là tế bào chịu trách nhiệm cho việc ung thư di căn, đồng thời đem lại tiềm năng nghiên cứu sâu hơn về ung thư trong tương lai”.