Nhân kỷ niệm 15 năm ngày họa sĩ Phạm Huy Tường (1934-2002) qua đời, triển lãm các tác phẩm của ông với tên gọi “Còn đó trong tranh” được tổ chức tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (218A Pasteur, P.6, Q.3, từ 26-9 đến 6-10-2018), thể hiện những khoảnh khắc được họa sĩ ghi lại từ những địa danh quen thuộc của đất Sài Gòn.
Đó là hình ảnh bến Bình Đông (Q.8), xóm nghèo Cầu Ông Lãnh (Q.1), đình Thông Tây Hội (Q. Gò Vấp), nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (Q.1), nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc (còn gọi là nhà thờ Ngã Sáu, Q.5), ấp Cây Sộp (Tân An Hội, Củ Chi), cầu Xóm Chỉ và kênh Tàu Hủ (đoạn chảy qua Q.5), những chợ hoa ngày tết và nhiều con đường trong thành phố mà ông đã sống nhiều năm từ ngày rời Hà Nội vào miền Nam định cư. Bằng bút pháp tả thực phảng phất Ấn tượng và với bảng màu xanh – xám giản dị, Phạm Huy Tường đã khắc họa cảnh sắc, sinh hoạt và cuộc sống đời thường của đất Sài Gòn mà nay nhiều nơi chốn đã không còn như xưa sau nhiều dâu biển đổi thay. Những con đường mới mở, những công trình mới mọc lên đã xóa sổ nhiều xóm nhà xưa cũ, nhiều địa danh nay chỉ tồn tại trong ký ức của người cao tuổi và trong tranh Huy Tường.
Cùng với tranh sơn dầu, Huy Tường còn vẽ tranh lụa và làm đồ họa vi tính, một công cụ còn khá mới mẻ những năm đó. Ngoài ra, trong tổng số 54 tranh được triển lãm có một số tranh trừu tượng, lập thể hiếm hoi của ông. Những tranh được vẽ với chất liệu sơn dầu trên vải, do chất lượng không tốt của họa phẩm một thời khó khăn nên nhiều bức đã xuống màu, khiến phòng tranh đem lại một cảm giác ngậm ngùi, xa vắng, như nỗi tiếc nuối những gì thân quen đã vĩnh viễn mất đi…