Thế nhưng, nếu họ không quay về, điều gì sẽ xảy ra? Khi đó Việt Nam sẽ mất đi nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực hiện đang cần những chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài như y học, khoa học, kỹ thuật và giáo dục. Liệu du học sinh có thấy trách nhiệm cao cả của mình trong việc quay về, hay họ chỉ quay về nếu không xin được giấy phép cư trú ở các nước phát triển? Du học là sự đầu tư cho tương lai của một đất nước hay là sự đầu tư cho mỗi cá nhân? Đây quả thật là những câu hỏi khó trả lời.
Hiện nay một số quốc gia phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh ở lại nếu họ thật sự giỏi và có thể giúp nước ấy giải quyết một số vấn đề đặc biệt (ví dụ các nước có tỷ lệ sinh thấp như Nhật hoặc thiếu công nhân lành nghề trong một số lĩnh vực như Úc). Các nước này sẵn sàng ký các hợp đồng lao động dài hạn và cấp thẻ cư trú cho du học sinh. Một tương lai đảm bảo như vậy vô cùng hấp dẫn. Chính vì vậy mà gần 70% du học sinh không quay trở về Việt Nam sau khi hoàn thành việc học ở nước ngoài (số liệu dựa theo một chương trình phát thanh trên đài ABC).
Trước vấn đề chảy máu chất xám, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Ở quê hương tôi, Nam Phi, có một tổ chức phi lợi nhuận gọi là Homecoming Revolution (Cách mạng Quay về Quê hương). Nhờ vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước, tổ chức này giới thiệu cho những người quay trở về có cơ hội việc làm tốt, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và vận động hành lang để chính phủ thay đổi những chính sách vốn ngăn hoặc hạn chế sự trở về của những người xa xứ. Việt Nam có lẽ cũng nên có một tổ chức tương tự.
Giải pháp thứ hai là phải nâng cấp chất lượng giáo dục trong nước để các gia đình không thấy buộc phải gửi con đi du học nữa. Đây là giải pháp dài hạn và cần được triển khai ở tất cả các bậc của giáo dục, từ mầm non đến đại học.
Giải pháp thứ ba là xem xét mức lương hợp lý cho những du học sinh quay về sau khi tốt nghiệp. Thu nhập tương đương 200-300 USD/tháng chắc chắn không thể thu hút sinh viên về nước sau khi họ đã tiêu tốn hàng chục ngàn USD để đi học nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc chảy máu chất xám sẽ giảm bớt khi người ta thay đổi thái độ về một số vấn đề. Tôi từng đọc thấy trên báo rằng lý do một số nhà khoa học không muốn về nước làm việc là bởi sự thờ ơ và thiếu nhiệt huyết với khoa học của các trường, viện, trung tâm nghiên cứu. Thái độ không đề cao khoa học chắc chắn sẽ khó khiến cho du học sinh muốn quay trở về.
Những giải pháp này nói thì dễ hơn làm. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không muốn mất những nhân tài như Ngô Bảo Châu cho các quốc gia khác thì chắc chắn cần phải tiến hành nhiều thay đổi, trong đó ưu tiên nhất chính là giáo dục.
Lê Tâm dịch