Mở đầu mục từ Sông (Fleuve), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Jean Chevalier) đã khái quát: “Biểu tượng sông hay dòng nước chảy đồng thời là biểu tượng của khả năng của vạn vật, của tính lưu chuyển của mọi dạng thể (F.Schoun) của sự phong nhiêu, của cái chết và sự đổi mới. Ta có thể xem xét kỹ hoặc là sự chảy xuôi dòng ra đại dương, sự ngược dòng hay là sự vượt qua dòng từ bờ này sang bờ khác”.
Một định hướng vừa rõ ràng vừa khó xác định, đầy sống động, năng động, đa chức năng của biểu tượng Sông… tương đối phù hợp với sông nước Việt Nam.
Dòng sông điệu hồn quê hương
Sông vốn là hình ảnh tự nhiên, trở thành hình tượng nghệ thuật có khả năng tạo nghĩa và biểu lộ cảm xúc, nâng lên thành biểu tượng hàm nghĩa rộng lớn hơn tự thân, vừa mang tính cá biệt đặc thù dân tộc, thời đại vừa phổ cập hằng thường nhân loại trong tri nhận, giao tiếp, sáng tạo… Sông nước là dạng cổ mẫu sáng thế tương tác tạo nghĩa đa diện nội tại ở nhiều ngữ cảnh văn hóa khác nhau mãi chảy trong thơ ca mang cảm hứng triết mỹ. Quá trình mặc định ký hiệu dòng sông trong thơ ở sắc thái cảm xúc, hình tượng ngôn từ, bản chất tư duy tự do phóng túng… qua nẻo nhận thức – vô thức cứ như sự chiếm hữu từ hư vô dạng Dọc bờ sông trắng nắng chang chang… Thuyền ai đậu bến sông trăng đó…
Việt Nam không được biết đến dạng những nền văn hóa lớn của nhân loại có truyền thống hàng ngàn năm lịch sử và có ảnh hưởng nhất định đối với nền văn hóa thế giới như nền văn hóa sông Nile Ai Cập, nền văn hóa sông Hằng Ấn Độ… Nhưng tổng hòa mọi mặt từ địa lý tự nhiên, sinh nghiệp đến tinh thần nhu đạo với đặc tính mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước… Việt Nam mang hồn văn hóa sông nước, từ núi cao, nước mạch làng, ôm đất nâu, vòng tuôn ra biển, hướng trời xanh…
Giữa Càn Khôn đất trời là quẻ Khảm mang cái đẹp hài hòa trôi chảy. Sông nước là dòng chảy tự nhiên, qua trải nghiệm trí tuệ cảm xúc hóa dòng chảy cuộc đời như một phương tiện biểu tượng tri nhận tiến trình lịch sử cá nhân và cộng đồng, căn tính văn hóa, tâm lý và xã hội, ý thức của con người về chính mình, chủ thể tính được thể hiện trong hình thức diễn đạt nghệ thuật ngôn từ thi ca. Dòng chảy sông nước – cuộc đời – con người Việt mang giá trị tri thức khoa học – xã hội – văn hóa… mãi chảy.
Việt Nam là đất nước lưng tựa vào núi mắt nhìn ra biển, Công cha như núi… Nghĩa mẹ như nước trong nguồn… với mạng lưới sông ngòi như mạch sống tồn sinh. Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng – Mỗi con người gắn một dòng sông… Trong ta ai cũng có một dòng sông… Con sông quê với những ký ức tuổi thơ hóa thành hơi thở. Quê hương tôi có con sông xanh biếc – Nước gương trong soi tóc những hàng tre – Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè – Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lánh (Tế Hanh).
Sông nước quê hương là cội nguồn mạch sống, là văn hóa tinh thần tín ngưỡng lễ hội, là đời người với bao lở bồi cung điệu nhớ thương… mãi chảy trong bao loại hình nghệ thuật – thơ ca. Cộng đồng truyền miệng hồn nhiên tinh tế, trong sáng mà đằm thắm, với bao tên gọi gắn liền bến nước, cánh cò… có những phương thức suy lý – tự sự – trữ tình, nhưng chủ yếu là tích hợp hòa điệu mang điệu hồn chung dân tộc và đặc trưng vùng miền. Trong nhịp đưa của ca dao dân ca, sông là đặc trưng cho quê hương xứ sở. Từ những con sông cụ thể hóa thành sinh mệnh sống được biểu tượng hóa nghệ thuật mãi chảy theo thời gian, trường tồn trong không gian.
Sông là dòng chảy không – thời gian, gắn liền với nước, với bến, miền quê, người thân… Chiều tà bơ vơ đau đáu đất khách nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ người yêu như nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích. Buồn trông cửa bể chiều hôm… Buồn trông ngọn nước mới sa… Không gian sông nước quê hương và thời gian hoàng hôn lữ thứ là motif quen thuộc trở thành mạch ngầm với bao sắc thái trong thơ phương Đông. Đạm đạm trường giang thủy – Du du viễn khách tình (Vi Thừa Khánh). Từ cổ điển Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Nhật mộ hương quan hà xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu đến hiện đại Tràng giang của Huy Cận. Lòng quê dợn dợn vời con nước – Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
- Xem thêm: Dòng sông của cuộc sống
Gần bốn trăm con sông được định tên trên đất Việt. Sông nước với tính hai mặt tạo dựng và hủy diệt sự sống. Con sông bên lở bên bồi – Một con cá lội mấy người buông câu… trở thành tâm thức cộng đồng, đi vào thơ ca với bao dạng vẻ mang cốt cách Việt. Tổ quốc ta hơn nghìn dòng sông – Nước hiền hòa chảy thong dong đậm đà. Mỗi con sông quê đều hóa hơi thở quê hương. Và biết bao con sông gắn liền với lịch sử, với kỳ tích hào hùng làm nên dòng sông huyền thoại Đánh Tàu bành trướng vang vọng hào khí Đông A Bạch Đằng Giang.
Đánh thực dân Tây với Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi… gầm lên khúc độc hành (Quang Dũng), với Sông Đuống trôi đi – Một dòng lấp lánh – Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ (Hoàng Cầm)… Làm chiến tuyến giao tranh, sông mang hồn lịch sử với những sông Gianh, sông Hiền Lương… trở mình lặng chảy.
Nguồn mạch chảy đa ngã
“Dòng sông là một biểu tượng lưỡng nghĩa bởi vì nó tương ứng với quyền năng sáng tạo của cả tự nhiên lẫn thời gian. Một mặt, nó biểu thị cho sự màu mỡ, tưới tiêu đầy đặn cho đất đai; mặt khác nó biểu tượng cho dòng thời gian bất khả quy hồi và hệ quả dẫn đến, biểu trưng cho ý nghĩa về sự mất mát và lãng quên” (J.E.Cirlot). Những dòng sông mang cái đẹp của quê hương, ký ức, trữ tình, hào hùng… mãi có khả năng tái sinh tái tạo. Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài…
Tính cách văn hóa Việt mềm sông nước bao dung ân tình sáu tám. Đôi ta thương mãi nhớ lâu – Như sông nhớ nước như nhành dâu nhớ tằm. Sông bờ này bờ kia ước vọng giao thoa con nước. Cầu tựa cánh hồng như cách nói chàng trai. Cô kia đứng ở bên sông – Muốn sang anh ngả cánh hồng cho sang. Chủ động hồn nhiên táo bạo ở cầu dải yếm như cách nói cô gái. Ước gì sông rộng một gang – Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
Nam bộ với sông nước dọc ngang, kênh, cù lao, bãi cát… chen lẫn làng phố, đồng quê, miệt vườn… mênh mang sông nước. Điệu hò… ơ nước chảy chan hòa (Sơn Nam). Sự liên tưởng từ nét tương đồng giữa sông tự nhiên có thực và đối tượng biểu hiện là cơ sở làm nên biểu tượng triết mỹ dòng sông. Sông như một liên ký hiệu tương tác đa nghĩa, trong sự vô cùng sông dài biển rộng, trong cuộc mưu sinh gạo chợ nước sông, trong đạo lý sinh dưỡng Ơn cha rộng thênh thênh tựa biển – Nghĩa mẹ dài dằng dặc tựa sông, cho bền vững trước sau bạn bè Biển cạn sông cạn lòng qua không cạn…
Sông mang ý niệm trừu tượng về dòng đời. Gió thổi lao xao khúc sông nào sóng nấy – Thuyền em đi giữa dòng anh thấy anh thương, cho sự trôi chảy thân phận. Thiếp than cha mẹ thiếp nghèo – Thiếp than phận thiếp như bèo trôi sông… cho bao ngã rẽ vượt dòng ngăn cách đôi bờ. Ai đem con sáo sang sông – Để cho con sáo sổ lồng bay sang, cho ân tình trọn nghĩa.
Khúc sông chật hẹp khôn tùy – Lo cho thân bậu sá gì thân qua, cho duyên nợ ba sinh. Sông dài cá lội biệt tăm – Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ, cho sự bất trắc khó lường. Dò sông dò biển dễ dò – Nào ai lấy thước mà đo lòng người, ý niệm về lòng người khó dò sâu rộng vô cùng của sông thành biểu tượng về chính con người, tình cảm và ứng xử kiếp người hữu hạn trong lòng tay vô hạn. Sông sâu sào vắn khó dò – Kia kìa con tạo đưa đò âm cung…
- Xem thêm: Nhớ ngày tắm sông, mò tôm, móc lịch
Dòng sông thơ ca cổ điển là cái Ta phẩm tính đạo lý, quy ước đạo đức thẩm mỹ, tự nhiên tự tại, đối diện đàm tâm, tương giao bằng hữu, giao duyên, tức cảnh sinh tình… Từ văn hóa văn minh lúa nước cộng đồng chảy ra thị dân cá thể làm nên dòng chảy cuộc đời với bao mặt trái xã hội, số phận con người với bao nỗi đau, khát vọng về tình cảm, hạnh phúc, tự do quyền sống… trong sáng tác của Nguyễn Du vào giai đoạn hoàng kim của văn học trung đại Việt Nam.
Truyện Kiều là dòng chảy phận người giàu cảm hứng nhân văn tinh tế và sâu sắc mà người con sông Lam thả trôi không – thời gian. Từ sông được dùng những 20 lần với đủ sắc thái cung bậc. Sông Tài – Tình, sông mệnh trời, sông thân phận, sông thiện căn… giọt tâm mãi chảy lời quê nước Việt… mua vui… Bách tuế vi nhân bi thuấn tức – Mộ niên hành lạc tích du du (Mạn hứng). Cuộc đời trăm năm buồn thay chỉ chốc lát, tuổi già mua vui tiếc quá ngắn…
Ngôn ngữ thơ không chỉ biểu nghĩa gọi tên sự vật mà còn đem đến cho một nhận thức mới, liên tưởng mới, khoái cảm thẩm mỹ bất ngờ. Thương thay, nước mắt ướt trang Kiều. Biến động cuộc đời, đổi thay đất nước, xã hội trớ trêu, chiến tranh cát cứ… Sông lấp mang bao nỗi buồn sầu kín… vậy mà vọng tỉnh thức thanh lọc. Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Tú Xương).
Thơ mới là một dòng cách tân vừa tiếp cận mặt bằng tinh hoa văn học thế giới vừa phù hợp tâm thức thẩm mỹ truyền thống dân tộc, trong lãnh địa cái Tôi thấm nhuần sâu sắc tư tưởng tự do dân chủ phương Tây, thấm thía cái hạnh phúc sống đích thực là mình như Cây đàn muôn điệu – Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi (Thế Lữ). Thiên nhiên sông nước được chủ quan hóa cao độ, giác quan cảm nhận cả những điều siêu thực.
Dù thân quen tuổi thơ lần theo mẹ về quê ngoại. Tôi nhớ đi qua những rặng đê – Những dòng sông trắng lượn ven đê (Đoàn Văn Cừ). Buồn đẹp vũ trụ thu về trong cái Tôi cô quạnh, đêm khuya vắng lặng, nước vỗ trăng róc rách mạn thuyền Hãy gượm lắng nghe dòng nước chảy – Nước đùa trăng trên bãi lạnh lùng. Lưu Trọng Lư mở đầu cho Thơ Mới tràn đầy cảm xúc chủ quan say đắm si mê. Mắt em là một dòng sông – Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Từ mạch nguồn làng sơn cước ven sông. Tới ngã ba sông nước bốn bề – Nửa chiều gà lạ gáy trên đê… Chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm mang cảm hứng Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài đưa con sông cổ điển sang hiện đại ba chiều Nắng xuống trời lên sâu chót vót, dập dềnh sóng nước, lặng lẽ u buồn, Sông dài trời rộng bến cô liêu…
Dù không lệ thuộc vào motif sông nước hoàng hôn, nhưng trữ tình biệt ly tha thiết bi hùng nắng đưa sóng vỗ. Đưa người ta không đưa sang sông – Sao có tiếng sóng ở trong lòng (Thâm Tâm). Dòng sông Thơ Mới vượt thoát hệ quy chiếu đạo lý muôn thuở của cái Ta cổ điển, nghịch lý chia xa phôi pha ở sự cá thể hóa theo kiểu Thuyền về nước lại sầu trăm ngả (Huy Cận), Mây vẩn từng không chim bay đi (Xuân Diệu), Gió theo lối gió mây đường mây (Hàn Mặc Tử)… Sông nước thu về trong rốn cái Tôi trực cảm siêu linh, giọt cô liêu tỏa sáng huyền ảo khát vọng vô biên. Gió lùa ánh sáng vô trong bãi – Trăng ngập đầy sông chảy láng lai (Hàn Mặc Tử). Cổ kính mà sang trọng, lãng đãng mà tài hoa kiểu ngôi sao Bắc đẩu cuối trời quên. Cắm thuyền sông lạ một đêm thơ (Vũ Hoàng Chương).
- Xem thêm: Chiếc ghe xuôi trên sông
Sông vẫn là sông mà lạ hóa ở từng cá thể khoảnh khắc. Sang thơ ca Cách mạng dẫu bi hùng bi ca vẫn mạch nguồn miền nhớ, máu thịt hóa sông thơ Tây Tiến. Vẻ đẹp về hình ảnh và âm hưởng giữa con chữ trong dòng, giữa dòng… như dòng sông không – thời gian hài hòa màu sắc thanh âm từ cảm xúc trải nghiệm làm nên điệu nhạc tâm hồn. Người đi Châu Mộc chiều sương ấy – Có thấy hồn lau nẻo bến bờ – Có nhớ dáng người trên độc mộc – Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa… Cổ điển mà hiện đại hài hòa là vậy. Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên (Hồ Chí Minh).
Ngược vượt dòng Địa đàng
Triết niệm chủ đạo của Heracles là thế giới như một dòng sông mọi vật đều tuôn chảy… Luôn luôn có dòng nước mới chảy qua khi anh bước xuống dòng sông, cho nên anh không thể bước xuống hai lần cùng một dòng sông. Tiếp biến đến Platon, mọi vật đều chảy qua và không dừng lại, chỉ có sự hình thành và chuyển hóa là vĩnh cửu. Bởi vậy, chúng ta vừa bước và vừa không bước xuống cùng một dòng sông. Chúng ta vừa là, vừa không là.
Dòng sông hai bờ bên này bên kia, dòng chảy biến đổi giữa những mặt đối lập lở – bồi, sống – chết, phong nhiêu – hủy diệt – đổi mới – vượt thoát… từng khoảnh khắc bản thể tiếp nối… mà vô ngã vô thường, trong dòng chảy ở trạng thái bất phân siêu giác ngộ, lối vào cõi Niết Bàn… Sắc sắc không không như tinh thần Bát Nhã tâm kinh… đi qua, đi qua, tất cả đi qua bờ bên kia, thức tỉnh. Thơ ca là dòng chảy hình dung xứ sở.
Dòng sông – xã hội – đời người mãi chảy trong thơ ca như lịch sử tâm hồn đều có cùng một câu chuyện là đánh mất và tìm tại căn tính (Northrop Frye). Vọng ca khúc Trịnh – “Điệu hát Nam Ai hiện đại của người ven biển Đông” (Sơn Nam). Ôi những dòng sông nhỏ… Người tìm về biển xanh – nói thầm về đời mình…
Hiểu biết sông nước hai bờ lở bồi đục trong mãi chảy, mình chỉ một lần tắm, chính là trí thức cảm nghiệm bằng tình thương và lòng vị tha, khoa học và chính trị không thành con dao hai lưỡi, chẳng biến đạo đức mù mờ, nghệ thuật phù phiếm, xúc cảm hoang dã, tâm linh viễn vông… Cảm nghiệm hữu hạn trong vô hạn, tính tổng thể ở từng thời điểm, sông toàn thức trở nên có thể. Sông qua đời hay sông chảy mãi. Mỗi chúng ta an nhiên một giọt nước, một hạt cát khoảnh khắc hằng thường. Dài như không gian – Dài như chúng sinh – Tôi cũng vậy trường tồn – Để xóa đi nỗi đau thế giới (Shantideva – Hành trình đến Giác ngộ).