Hạ tuần tháng 6, một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi đã diễn ra ở Malabo, thủ đô nước Guinea Xích đạo, tại đó, các nhà lãnh đạo châu lục này đã chỉ trích thái độ và cách hành xử của Mỹ và các nước châu Âu trong mối quan hệ kinh tế với họ. Bình luận về những gì xảy ra trong hội nghị này, ông Nelson Ndirangu, Giám đốc Kinh tế và Ngoại thương – Bộ Ngoại giao Kenya, cho rằng châu Phi đang chịu áp lực của các nước công nghiệp hóa để phải thay đổi những biện pháp nhằm thực thi “Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại” (TF) đã được hội nghị lần thứ 9 cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua tại Bali (Indonesia) vào năm 2013. Hiệp định TF được đặt trên cơ sở điều 47 bản Tuyên ngôn Doha năm 2001, với mục đích chính nhằm tạo ra sự hài hòa giữa các quy định về thuế quan của châu Phi với những nguyên tắc được đặt ra bởi các nước công nghiệp hóa. Hiệp định TF tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty hàng đầu thế giới như Apple, General Electric, Caterpillar, Pfizer, Samsung, Sony, Ericsson, Nokia, Hyundai, Toyota và Lenovo tiếp cận được thị trường của các nước đang phát triển và nghèo nhất thế giới. Theo ông Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc WTO, hiệp định TF dự liệu việc chiết giảm 10% thuế suất tại những nước nghèo nhất, bù lại, các nước đang phát triển và những nước nghèo được các nước công nghiệp hóa hứa hẹn nhiều ưu đãi về nông nghiệp và phát triển dành cho họ.
Quang cảnh hội nghị Bali bàn về hiệp định TF
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy các nước châu Phi đã không thỏa mãn với hiệp định TF, vì lập trường của họ đã không được các nước công nghiệp phát triển chấp nhận. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đe dọa sẽ bãi bỏ những biện pháp ưu đãi dành cho châu Phi nếu như hiệp định TF không được thực thi, dẫu chỉ trên cơ sở tạm thời. Họ gia tăng áp lực bằng cách cử các viên chức an ninh đến quan sát các cuộc hội nghị và thảo luận trong nội bộ các nước châu Phi. Không chỉ có thế, nội bộ châu Phi cũng có sự rạn nứt, khi Nigeria và Mauritius từ chối tham gia hội nghị cấp bộ trưởng nhằm thực thi tạm thời hiệp định TF, trong khi một số khác rút lại sự ủng hộ đối với văn kiện này.
Nhằm để cho các nước phát triển không gây áp lực mạnh mẽ lên hiệp định TF, nhiều nước trên thế giới trong đó có Nam Phi, Ấn Độ, Uganda, Tanzania, đảo quốc Solomon và Zimbabwe đòi hỏi không liên kết giữa việc thực thi hiệp định TF với Lịch trình Phát triển Doha trên cơ sở “không điều gì được thỏa thuận cho đến khi mọi việc đạt được thỏa thuận”. Hơn 180 ngày đã qua đi sau hội nghị Bali, song các nước nghèo và thế giới đang phát triển nói chung chưa nhìn thấy một tiến bộ nào trong quan hệ giữa họ với các nước phát triển phương Tây. Cuối năm 2015, hiệp định TF sẽ kết thúc, nhưng từ bây giờ, triển vọng thực thi nó vẫn còn khá xa vời.
Lê Nguyễn tổng hợp