Nửa năm 2014 đã đi qua và dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những con số thống kê đã cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang đi theo chiều hướng tốt, GDP sáu tháng đầu năm 2014 tăng khá (5,18%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 5,2%), lạm phát cũng như lãi suất ngân hàng đều giảm, thặng dư cán cân thương mại lên đến 1,3 tỉ USD… Ngoài ra, hãng Standard & Poor’s vừa công bố xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức BB- và ở mức B trong ngắn hạn cùng với đánh giá triển vọng dài hạn là ổn định. Theo Standard & Poor’s, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao do lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu được đa dạng hóa và kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng trưởng mạnh nhờ các hiệp định thương mại tự do vừa ký kết. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 do Ngân hàng HSBC phối hợp với Công ty Markit Economics công bố có giảm nhẹ (52,3 điểm so với con số 52,6 điểm của tháng 5) nhưng đã đánh dấu tháng thứ mười liên tiếp PMI đạt trên ngưỡng tăng trưởng 50 điểm. Con số PMI tháng 6 cho thấy lĩnh vực sản xuất của nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực, dù tốc độ tăng trưởng sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã chậm hơn trước.
Những dữ liệu kinh tế trên cho thấy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là khá tích cực, được đánh giá khách quan bởi các định chế tài chính uy tín. Chính những dữ liệu khả quan ấy đã hỗ trợ không nhỏ cho việc tăng điểm của thị trường chứng khoán trong tuần đầu của tháng 7.Dù có sự giằng co trong ba phiên đầu tuần nhưng hai phiên cuối thị trường đã có sự bứt phá cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Khối ngoại tiếp tục thể hiện trạng thái mua ròng và đã mua ròng 15 phiên liên tiếp, điều này thể hiện sự nhất quán với dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán.
Như đã phân tích, ngưỡng 580 của VN-Index được nhiều người xem là một vùng cản mạnh mà nếu vượt qua sẽ chứng tỏ thị trường có khả năng tăng điểm trong dài hạn, vậy nên ngay khi VN-Index phá vỡ mức kháng cự này, nhiều nhà đầu tư đã quay lại thị trường sau một thời gian đứng ngoài quan sát. Và cũng chính sự quay lại này sẽ là một yếu tố quan trọng giúp thị trường có thể tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, có những biểu hiện khiến cho đợt tăng điểm lần này chưa đem đến một sự tin tưởng cao, cụ thể VN-Index tăng chủ yếu do sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau giữ nhịp như GAS, VNM, FPT, HPG…, chứ không phải là một sự tăng trưởng chung của đa số các mã chứng khoán. Không những thế, các cổ phiếu penny chưa tăng, nhiều mã còn bị giảm điểm do áp lực chốt lời của bên bán. Thị trường phân hóa khá rộng, một số cổ phiếu được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II khả quan đã tăng giá tốt hơn mức bình quân chung, thường từ 10 – 15% nên có khả năng đà tăng này sẽ chững lại cùng với hoạt động chốt lời của bên bán khi kết quả kinh doanh chính thức được công bố. Nếu điều đó xảy ra, sẽ lại xuất hiện những phiên điều chỉnh.Ngoài ra, việc dòng tiền chỉ tập trung ở những mã đầu cơ cao và những mã cơ bản tốt đã giải thích vì sao số mã cổ phiếu giữ nguyên mức giá trong những phiên vừa qua là khá lớn.Chỉ khi nào đà tăng giá của các cổ phiếu trở thành ưu thế áp đảo thì xu thế tăng mới bền vững. Ngưỡng kháng cự 600 điểm, vì thế, sẽ là bước thử tiếp theo của VN-Index trong tuần này.
Dù vậy, việc thị trường tăng điểm mạnh cũng tạo ra sức lan tỏa, nâng đỡ tâm lý cho nhà đầu tư và giúp thanh khoản duy trì ở mức khá, khối lượng giao dịch đạt và duy trì trên 100 triệu đơn vị mỗi phiên. Thanh khoản tăng cao phần lớn do áp lực chốt lời tại chính những mã cổ phiếu đang tăng giá và dẫn dắt thị trường. Với những thông tin tích cực về tình hình sản xuất trong nước, các cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành sản xuất sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong thời gian tới nhưng mức độ sẽ không đồng đều và phụ thuộc vào biến động các yếu tố đầu vào của mỗi ngành. Tuy nhiên, nếu loại bỏ yếu tố biến động do tình hình Biển Đông, xu hướng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là tích cực, do các yếu tố kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (ngày 7-7), VN-Index dừng lại tại 590,69 (tăng 1,34 điểm, tương ứng 0,23%), khối lượng giao dịch đạt 127,75 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 2.105,76 tỉ đồng. Với giá trị giao dịch ba phiên liên tiếp trên mức 2.000 tỉ đồng cộng với số lượng mã tăng giá áp đảo mã giảm giá, VN-Index tiếp tục củng cố đà tăng đã được thiết lập từ cuối tuần trước và chuẩn bị cho đợt bứt phá mới.
Thành Huân